Bộ đội Biên phòng đồn Lệ Thanh vượt dòng lũ dữ cứu người dân mắc kẹt trên cây.
Cuộc gọi lúc tảng sáng
Khoảng 4h sáng, giữa tiếng mưa lớn xối xả lên mái tôn của đội Công tác địa bàn đồn Biên phòngLệ Thanh một cuộc điện thoại lúc 4h sáng cho Thượng tá Lê Thuần Chất, chính trị viên đồn: “Lũ to lắm, cứu chúng tôi với Bộ đội ơi!”. Tiếng bản địa pha tiếng Kinh của một người già đồng bào Giarai gào trong điện thoại. Xen với tiếng nước chảy ào ào là tiếng của những người phụ nữ đang kêu khóc. Khi nghe được tiếng người đáp trả, nhiều tiếng kêu cứu, tiếng khóc như dồn dập hơn.
Lúc ấy, thượng tá Chất gào lớn: “Bộ đội đây rồi. Bình tĩnh, hết sức bình tĩnh. Mọi người đang ở đâu để bộ đội đến”. Giọng người đàn ông đầu dây kia bớt run hơn: “Chòi rẫy nước ngập rồi, chúng tôi đang ở trên cây…. Chỗ rẫy nhà bà Ksor H’Tuyn, làng Ó, Ia Dom ấy. Bộ đội giúp chúng tôi với”... Thượng tá Chất đáp lại: “Bà con cố gắng trụ, chúng tôi tới ngay liền. Yên tâm! yên tâm…! Bộ đội đây rồi!”.
Sau nỗ lực hơn 3 giờ cứu người dân trong dòng lũ dữ. Sáng 17/9, bộ đội Biên phòng đồn Lệ Thanh đã giải cứu 6 người dân sinh sống tại làng làng Ó, Ia Dom (Đức Cơ, Gia Lai).
Các người dân được cứu gồm: bà Ksor H’ Tuyn, sinh năm 1960; Rơ Châm H’ Pinh, sinh năm 1975; Kpuih H’ Lem, sinh năm 1975; Ksor Gao, sinh năm 1972; Kpuih Nhoong, sinh năm 1983; Ksor Geng, sinh năm 1976.
Sau khi nhận được cuộc điện thoại lúc tảng sáng ấy. Thượng tá Chất điện thoại cho Trực ban chỉ huy Biên phòng là thiếu tá Võ Hồng Thanh – Phó Đồn trưởng phụ trách, thông báo sự việc và triển khai mang theo 15 phao cứu sinh (10 áo phao, 05 phao tròn), 200m dây dù, rồi dùng xe ô tô cơ động đến hiện trường. Thượng tá Chất thông báo với trưởng thôn rồi lóc cóc dùng xe máy chạy đến sau.
Lúc ấy trời vẫn nhá nhem tối, mưa rào rào nước che mặt đường. Chiếc xe ô tô chạy bì bõm trong nước, lâu lâu lại trúng một "ổ gà", lính tráng bộ đội ngã dúi dụi trong xe. Đúng 4h25’ đội công tác xác định vị trí của người dân. Nước lũ đỏ ngầu vẫn ào ào đổ về. Suối Đôi bình thường rộng khoảng tầm vài chục sải tay thì nay rộng lên cả trăm sải, nước lênh láng trắng cả rẫy mì. Nhìn từ bờ này sang bờ bên kia mờ mịt trong mưa. Cách chiếc chòi rẫy của bà H’Tuyn khoảng tầm năm chục mét. Một chiếc đèn pin ở ngọn cây cứ liên tục vẫy vẫy làm hiệu.
“Lúc ấy, tôi nhìn dòng nước lớn, nhìn người dân bên kia suối đang hoảng loạn nên cũng dùng đèn pin báo hiệu và hét lên: “Bộ đội đến rồi! Bộ đội đây rồi”. Trên ngọn cây cũng không ngừng tiếng hét của những người đàn ông…”, thiếu tá Thanh kể lại.
Vượt lũ
Sau khi xác định vị trí người dân, xác định dòng nước lớn rất khó để vượt qua. Quan sát hiện trường thì những cột điện là lợi thế để kéo dây dù ra đến chòi. Thượng tá Chất và thiếu tá Thanh bàn nhau phương án giải cứu: “Bây giờ men theo cột điện, căng dây dù để bám sang và làm điểm tựa để đưa người dân ra”, thiếu tá Thanh đề nghị. Ngay sau đó, trung úy Đào Công Tú được cử làm tiền trạm, mang dây ra cố định để đồng đội hỗ trợ.
Nước ngập nửa trụ điện, dòng nước phăng phăng. Tú phải cột người vào dây dù. Lựa chỗ bờ cách xa trụ điện tầm chục mét rồi lựa dòng nước nhoài người bơi chéo vào cột điện thứ nhất. Khi đến cột điện thứ hai giữa lòng suối thì trôi vào bụi xoài cách trụ điện vài mét. Cứ thế, Tú cứ phán đoán dòng nước rồi nhoài người ra. Khi cố định tất cả các nút dây chắc chắn, các đồng đội cứ thế bám vào sợ dây, mang theo áo phao mà sang.
“Có những lúc đang bơi mà gặp bờ, ngã dúi. Nước đỏ ngầu nên cứ nhìn những đọt cây bị ngập mà đoán độ sâu. Lúc ấy tôi chỉ biết sau lưng là đồng đội hỗ trợ, phía trước là những người dân đang kêu khóc. Có cái gì đó cứ hối thúc phải nhanh chóng sang bờ bên kia tiếp cận người dân. Và thế, tôi cứ nhoài người ra giữa dòng nước lũ cuồn cuộn”, trung úy Tú kể lại.
Khi tiếp cận được những người dân. Nhiều người phụ nữ trên cây không dám xuống vì sợ. Những động viên của các chiến sĩ bộ đội, từng người một leo xuống rồi bám vào những cánh tay chắc nịch của chiến sĩ biên phòng để được đưa sang lòng suối dữ.
“Những người phụ nữ họ sợ lắm, họ cứ bám riết vào tay, bấu vào cổ đến mức nghẹt thở mỗi khi qua đúng những lòng nước sâu, chân với không tới. Lúc ấy vừa phải bám vào dây dù nhỏ để trụ thăng bằng, vừa phải để người dân không hoảng sợ. Cứ thế, dìu từng người già và phụ nữ sang trước…”, trung úy Tú kể lại.
Nỗi sợ hãi trong lũ
Sau hơn 3 giờ khẩn trương vượt lũ, những người dân đã được đến nơi an toàn. Nhớ lại lúc phát hiện ra dòng nước lớn và nỗi lo sợ ông Ksor Gao (SN 1972, trú tại làng Ó) kể lại: “Tối đó mưa lớn lắm. Cả gia đình lâu ngày không gặp nên tụ tập ở chòi rẫy để uống rượu. Rượu ngà ngà nên ai cũng ngủ say khướt. Khoảng 2h sáng, tôi dậy để đi tiểu đêm.
Lúc ấy tôi pha đèn pin thì thấy nước lớn đang chảy xối xả ở dưới chòi. Căn chòi rung lên bần bật nhưng mọi người không ai biết. Sợ quá, tôi liền gọi mọi người dậy. Ai nhìn con nước cũng lo sợ cả... Đám phụ nữ thì khóc rống lên. Đến 3h sáng thì nước ngập đến sàn của căn chòi. Tình thế này buộc phải rời chòi, thế là tôi bảo mọi người phải tìm chỗ cao hơn để đến. Nhưng nước đã ngập trắng hết rồi”, Ksor Gao kể.
Lúc ấy anh Kpuih Nhoong (SN 1983) nhìn ra cây bằng lăng to bằng bắp vế người lớn cách chòi tầm 50m rồi bảo mọi người phải vượt sang. “Phải lên cái cây đó thôi, không còn cách nào. Không thì chết hết!”. Lúc đến cái cây thì cả 3 người phụ nữ không biết trèo nên 2 người đàn ông trèo lên trên trước.
Vừa trèo vừa động viên mấy người phụ nữ, không trèo là chết. Dưới gốc chỉ còn ông Ksor Geng là không dám trèo vì tinh thần bấn loạn. Ông ấy cứ ôm vào gốc cây mà gào thét. Không hiểu sao cả những người phụ nữ đều trèo lên cây được. Trong khi đó cây bằng lăng ngấm nước mưa thân trơn tuột”, ông Gao kể lại.
Chị Kpuih H’ Lem cho đến khi ngồi trước mặt chúng tôi để trò chuyện vẫn không hết cơn bàng hoàng. “Lúc ấy tôi sợ chết lắm. Nhà có 4 đứa con còn nhỏ cả, đứa nhỏ nhất mới chỉ 8 tuổi. Cả hai vợ chồng đều mắc kẹt ở đây, rồi lỡ chết thì con sẽ ra sao. Tôi khóc từ lúc 2h sáng cho đến khi được bộ đội cứu. Tôi sang đến bờ, chân run lắm, cứ ôm chặt lấy bộ đội mà khóc. Lúc ấy không phải khóc vì sợ mà khóc vì biết mình sống rồi. Biết ơn bộ đội không ngại hiểm nguy mà cứu”, chị H’ Lem rơm rớm nước mắt kể lại.
Cứu hàng trăm người Campuchia trong lũ dữ
Thượng tá Phan Đình Thành - trưởng đồn Biên phòng cửa khẩu Lệ Thanh kể lại: “Năm 2009, trong cơn lũ dữ trên dòng Sê San ở Kon Tum, vùng hạ lưu nơi các trạm chốt của đồn biên phòng cửa khẩu Lệ Thanh đóng tại huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) bị nước lũ nhấn chìm. Khoảng 3h sáng cán bộ chiến sĩ phát hiện phía bên kia biên giới hướng tiền đồn 509, tiểu đoàn 623 của Cảnh sát biên phòng Campuchia bất ngờ xuất hiện những vệt đèn pin rọi thẳng qua đất Việt Nam phát tín hiệu như cần giúp đỡ.
Sau khi nhận tín hiệu Biên phòng đồn Lệ Thanh nhanh chóng đưa tổ công tác dùng ca nô hướng các ánh đèn pin đang rọi chạy đến. Lúc ấy có nhiều cán bộ chiến sĩ cảnh sát biên phòng của Campuchia đang bấu víu trên ngọn các thân cây lớn. Sau khi cứu được các chiến sĩ nước bạn, cũng trong ngày ngày hôm đó, bộ đội biên phòng Việt Nam và chính quyền địa phương đã tăng cường lực lượng, trực thăng cứu hộ được huy động vừa cứu hàng trăm người dân Campuchia trong lũ lụt”.
Đầu tháng 6/2013, trong đợt vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2 (thuộc xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) lực lượng Biên phòng Đồn cửa khẩu Lệ Thanh cũng dùng các phương tiện của đơn vị ứng cứu được 8 người dân bị mắc kẹt trên cây và sơ tán 30 người dân nước lũ cô lập trên Quốc lộ 14C.