Thực tế đã có không ít người tin vào lời quảng cáo hoa mỹ trên mạng, qua biên giới tìm việc và rồi “vỡ mộng”.
Xuất cảnh trái phép phức tạp
Lúc 3 giờ ngày 19/4, tại khu vực biên giới ấp Thuận Tây, xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu (Tây Ninh), chốt phòng, chống dịch số 18, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (bộ đội Biên phòng Tây Ninh) đã bắt giữ 3 đối tượng từ Việt Nam xuất cảnh trái phép qua Campuchia. Các đối tượng khai nhận xuất cảnh trái phép sang Campuchia để tìm việc làm gồm Lê Minh Cảnh (sinh năm 1993) trú tại TPHCM, Trịnh Quốc Công (sinh năm 2003) trú tại tỉnh Thanh Hóa và Nguyễn Trí Khiêm (sinh năm 2005) trú tại tỉnh Bạc Liêu.
Trước đó, vào khoảng 20 giờ ngày 6/4, tại khu ấp Long Cường, xã Long Khánh, huyện Bến Cầu, chốt phòng, chống Covid-19 số 11, Đồn Biên phòng Long Phước (bộ đội Biên phòng Tây Ninh) phát hiện và bắt giữ 2 đối tượng có hành vi xuất cảnh trái phép gồm Bùi Hữu Phát (sinh năm 2004) trú tại tỉnh Đồng Nai và Huỳnh Bạch Kim Ngân (sinh năm 2003), trú tại TP Hà Nội. Đồn Biên phòng Long Phước đã lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt mỗi đối tượng 4 triệu đồng.
Thời gian qua dưới tác động của đại dịch Covid-19, nhiều lao động tự do bị mất việc làm, buộc họ phải kiếm tìm thông tin tuyển dụng lao động trên mạng. Nắm bắt được nhu cầu trên, nhiều đối tượng trong các đường dây tổ chức đưa đón người xuất, nhập cảnh trái phép thường lập ra nhiều tài khoản trên Facebook, Zalo rồi đăng các thông tin tuyển dụng việc làm tại Campuchia với các mức lương hấp dẫn (thu nhập mỗi tháng khoảng 20 đến 30 triệu đồng) để môi giới người dân.
Khi đã có người “tuyển dụng”, các đối tượng hướng dẫn người lao động tìm việc tập kết tại khu vực giáp ranh biên giới nước bạn Campuchia, lợi dụng đêm tối, để xuất cảnh trái phép. Hoạt động này diễn ra rất nhanh chóng, chớp nhoáng, nên gây rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý, kiểm soát của các lực lượng chức năng.
Từ đầu quý IV năm 2021 đến nay, tình hình xuất, nhập cảnh qua biên giới Tây Ninh có dấu hiệu tăng trở lại. Nhận diện được phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của các đối tượng, các đơn vị thuộc bộ đội Biên phòng Tây Ninh đóng quân trên các địa bàn biên giới đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nắm bắt thông tin, đồng thời chủ động đấu tranh ngăn chặn.
Đại tá Lê Hồng Vương, Chỉ huy trưởng bộ đội Biên phòng Tây Ninh, cho biết: “Chỉ trong 3 tháng cuối năm 2021, bộ đội Biên phòng Tây Ninh bắt giữ 53 vụ với 140 đối tượng xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới, trong đó riêng xuất cảnh trái phép trên 100 người. Từ đầu năm 2022 đến nay, các đơn vị cũng đã phát hiện và bắt giữ trên 15 vụ với gần 50 đối tượng xuất cảnh trái phép qua biên giới”.
Những hệ lụy khôn lường
Thượng úy Trương Văn Có, Phó Trạm trưởng Trạm Biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài
Chuyện nhiều người Việt Nam bị các tổ chức tội phạm ở nước ngoài bắt giữ trái phép nhằm gây áp lực với gia đình để đòi tiền chuộc đã được cơ quan truyền thông cảnh báo, phản ánh nhiều. Thế nhưng, nhiều người dân vẫn nhẹ dạ cả tin với mức thu nhập hấp dẫn, xuất cảnh trái phép sang bên kia biên giới. Khi sang đến nơi, mới biết đã bị lừa nên cầu cứu gia đình, người thân, bạn bè nhờ giải cứu, có không ít những trường hợp điện thoại đến lực lượng Biên phòng nhờ can thiệp.
Thượng tá Vũ Quang Quân, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, cho biết: “Gần đây bình quân mỗi ngày đơn vị nhận được 5 - 6 cuộc điện thoại giải cứu. Ngay lúc đó qua điện thoại, lực lượng đã giải thích, hướng dẫn người dân trình báo tới các cơ quan chức năng phía Việt Nam.
Chúng tôi không thể đi sang đến phía nước bạn Campuchia đề nghị bạn hỗ trợ, giúp đỡ được, vì liên quan đến vấn đề pháp luật của hai nước. Đặc biệt, những người gọi điện nhờ giải cứu lại không biết rõ cụ thể địa chỉ, địa điểm, nơi mà con em người dân của mình đang bị tạm giữ. Việc này đòi hỏi phải có thời gian để xác minh, điều tra và thông báo cho phía bạn nhờ hỗ trợ”.
“Cơ quan Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia là cơ quan bảo hộ người Việt Nam bên đó sẽ có trách nhiệm tiếp nhận thông tin và thông báo phối hợp với các cơ quan chức năng của phía bạn tiến hành các biện pháp tìm kiếm địa điểm. Sau đó mới kiểm tra, nhận dạng chính xác có sự việc như thế mới có giải pháp để truy quét bắt giữ, giải cứu và bàn giao cho phía Việt Nam”, Thượng tá Vũ Quang Quân chia sẻ.
Cũng theo chia sẻ của Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, qua tìm hiểu từ phía lực lượng chức năng Campuchia phía đối diện, hầu hết các trường hợp công dân Việt Nam kêu cứu đều vướng phải hợp đồng mà họ ký kết với các công ty cờ bạc khi vừa đặt chân lên đất Campuchia. Đó là các khoản chi phí trách nhiệm của người lao động tại cam kết.
Vì vậy, khi vụ việc vỡ lở cho dù đại diện chính quyền, lực lượng chức năng Campuchia biết được cũng không thể can thiệp vì đây là hợp đồng thỏa thuận mà hai bên đã kí kết bằng văn bản giấy trắng, mực đen và chính các công dân Việt Nam là người vi phạm hợp đồng.
“Thời gian qua, nhiều bạn trẻ người Việt lên các trang mạng xã hội tìm việc làm và thỏa thuận với các đối tượng môi giới, sau đó tìm cách qua Campuchia để làm việc. Tuy nhiên khi đi qua bên đó làm mới thấy những nội dung trên các trang mạng xã hội là hoàn toàn dụ dỗ và lừa gạt.
Sau một thời gian làm việc, không chịu được công việc nặng nhọc, mức lương đã được hứa như ban đầu nên tìm cách quay trở về hoặc điện thoại cho người thân phía Việt Nam cầu cứu, nhờ giải cứu. Tuy nhiên khi về thì lại phá vỡ hợp đồng bên phía các công ty đã tham gia kí kết nên phải bồi thường rất cao.
Chính vì vậy, chúng tôi khuyến cáo người dân không nên nghe lời dụ dỗ “mật ngọt”, những công việc nhẹ nhàng mà mang lại thu nhập cao hoàn toàn không có”, Thượng tá Vũ Quang Quân cho hay.