Thế lực mới
Trong khoảng 4 năm trở lại đây, bóng đá nữ Philippines được đầu tư mạnh mẽ với chính sách tuyển mộ Philippines kiều về nước thi đấu. Đội hình đội tuyển nữ Philippines trong tay huấn luyện viên trưởng Alen Stajcic (người Australia) tham dự các giải đấu trong năm nay hầu hết đều là các cầu thủ mang hai dòng máu.
Với dàn cầu thủ cao to, rất khỏe và giàu kinh nghiệm, đội tuyển nữ Philippines đang vươn lên mạnh mẽ, trở thành thế lực đáng gờm vượt ra khỏi “vùng trũng” Đông Nam Á.
Trận thua trước Philippines ở bán kết AFF Cup nữ 2022 đã chính thức chấm dứt chuỗi 26 trận bất bại của đội tuyển nữ Việt Nam ở Đông Nam Á.
Lần gần nhất, đội tuyển nữ Việt Nam thua một đội khu vực là thất bại 2 - 4 trước đội nữ U20 Australia ở bán kết AFF Cup nữ 2018. Kể từ đó, nữ Việt Nam đã không thua trong các cuộc đối đầu với các đội bóng khu vực, để 2 lần đoạt Huy chương Vàng SEA Games 30, 31 cùng 1 lần vô địch AFF Cup nữ năm 2019.
Tại vòng chung kết Asian Cup 2022, đội tuyển nữ Philippines đã đánh bại Thái Lan để trở thành đại diện duy nhất của Đông Nam Á đường hoàng dự World Cup 2023 với tư cách một trong 4 đội mạnh nhất châu Á.
So với thầy trò huấn luyện viên Mai Đức Chung, phải thi đấu vòng play-off mới có được tấm vé “vớt” của châu Á tới ngày hội lớn nhất hành tinh vào năm sau tại Australia và New Zealand thì thành tích của Philippines rõ ràng ấn tượng hơn.
Ở SEA Games 31 vừa qua, các nữ tuyển thủ Philippines đã có màn trình diễn ấn tượng trước nữ Việt Nam ngay tại Cẩm Phả (Quảng Ninh). Phải nhờ màn tỏa sáng của cá nhân Thùy Trang, thầy trò huấn luyện viên Mai Đức Chung mới lội ngược dòng giành chiến thắng nghẹt thở với tỷ số 2 - 1. Philippines sau đó thất bại trước Thái Lan ở bán kết, nhưng ở trận tranh hạng Ba, đội bóng này đã đánh bại Myanmar để giành tấm huy chương lịch sử SEA Games (không tính giải đấu năm 1985 khi SEA Games chỉ có 3 đội tham dự môn bóng đá nữ).
Đội tuyển nữ Việt Nam đương đầu chủ nhà Philippines ở bán kết AFF Cup nữ 2022 được dự báo rất khó khăn. Quả thật, tất cả những toan tính của ông Chung “xe ca”, từ sự bền bỉ và chặt chẽ về chiến thuật cho đến thế mạnh lối đá phối hợp nhỏ của các cầu thủ Việt Nam đều vỡ vụn trước dàn cầu thủ cao to, khỏe mạnh của Philippines. Các cầu thủ Philippines có 14 cú sút, 9 trong số đó đưa bóng trúng khung thành. Các học trò của huấn luyện viên Mai Đức Chung chỉ có 2 lần sút trúng đích trong 6 lần dứt điểm.
Thất bại 0 - 4 trước Philippines với 3 trong 4 bàn được ghi từ các tình huống bóng bổng cho thấy đội tuyển nữ Việt Nam hiện không có phương án nào để hóa giải phương án tấn công bài bản của đối thủ. Sau trận thua mang tính lịch sử của đội nữ Việt Nam trước Philippines, thuyền trưởng Mai Đức Chung lên tiếng nhận trách nhiệm.
“Đội bạn đã chơi có sự tiến bộ. Đội tuyển Việt Nam đã thua toàn diện. Tất cả lỗi trong trận này tôi chịu trách nhiệm hết. Việc đội tuyển nữ Việt Nam chỉ có 1 ngày phục hồi sau vòng bảng, trong khi Philippines có 2 ngày là bất lợi lớn cho các cầu thủ Việt Nam. Giá như chúng tôi có thêm thời gian nghỉ sau vòng bảng”, ông Chung phát biểu.
Huấn luyện viên Mai Đức Chung (bên trái) đặt ra vấn đề đổi mới đội tuyển nữ Việt Nam. |
Trong khi đó, huấn luyện viên Alen Stajcic tự tin cho biết: “Tôi vẫn nghĩ đội tuyển nữ Việt Nam là đội hay nhất Đông Nam Á. Chúng tôi vẫn còn một chặng đường dài để vượt qua họ. Bạn không thể đánh bại họ một lần và nghĩ mình là người giỏi nhất. Thành thật mà nói, tôi nghĩ rằng đội tuyển nữ Philippines có thể đánh bại đội nữ Việt Nam thêm vài lần nữa”.
Bước vào trận chung kết, các cầu thủ Philippines tiếp tục thể hiện sức mạnh vượt trội khi đè bẹp Thái Lan với tỷ số 3 - 0 để giành chức vô địch Đông Nam Á lần đầu tiên trong lịch sử.
Theo đánh giá của truyền thông Đông Nam Á, Philippines đã thành công từ chính sách kêu gọi nhân tài gốc Philippines từ khắp nơi trên thế giới trở về cống hiến cho đội tuyển quốc gia. Trong số 27 cầu thủ tuyển nữ Philippines tham dự giải đấu lần này chỉ có 5 cầu thủ sinh ra và lớn lên trong nước, phần còn lại là Phi kiều trở về từ Mỹ, Canada và Australia.
Xét về câu lạc bộ thi đấu, đội tuyển Philippines chỉ có 6 cầu thủ thi đấu trong nước, 7 cầu thủ chưa xác định đội bóng và số còn lại chơi bóng tại Mỹ, châu Âu, Nhật Bản. Dù phần lớn các cầu thủ nữ Philippines không thi đấu ở các hạng cao nhất tại Mỹ, Nhật, châu Âu… nhưng việc chơi bóng tại những nền bóng đá này đã giúp họ đạt đến đẳng cấp nhất định, đặc biệt so với mặt bằng chung của Đông Nam Á.
Sau những thành tích lịch sử, nữ Philippines cho thấy đội bóng này sẽ là lá cờ đầu của Đông Nam Á tại World Cup 2023 chứ không phải những thế lực cũ. Đặc biệt, đa số các cầu thủ nữ Philippines có tuổi đời còn khá trẻ, họ sẽ còn tiến bộ hơn nữa trong tương lai và trở thành thế lực mới thách thức Việt Nam và Thái Lan.
Đội tuyển nữ Philippines ăn mừng chức vô địch Đông Nam Á lần đầu tiên trong lịch sử. |
Yêu cầu cải tổ
Bóng đá nữ Đông Nam Á hơn 2 thập kỷ vừa qua chỉ là cuộc chiến tay ba giữa Việt Nam, Thái Lan và Myanmar. Phần còn lại như Singapore, Indonesia hay Philippines quá yếu để có thể chen chân vào cuộc đua huy chương. Mặc dù vậy, chiến thắng của Philippines trước đội tuyển nữ Việt Nam và sau đó Thái Lan ở trận chung kết đã chính thức phân chia lại quyền lực của bóng đá nữ khu vực.
Và dù muốn hay không, những người làm bóng đá Việt Nam cũng phải thừa nhận đội tuyển nữ Philippines đang đứng hơn Việt Nam một bậc và họ đã tiến một bước dài về chiến lược phát triển.
Trở lại trận bán kết, các cầu thủ Philippines được nghỉ nhiều hơn đội tuyển nữ Việt Nam 1 ngày, song họ đã đá nhiều hơn 1 trận ở vòng bảng (bảng A của Philippines có 6 đội, bảng B của Việt Nam có 5 đội). Ngoài ra, bảng đấu của Philippines cũng khó hơn với những đối thủ như Thái Lan hay U23 Australia. Phải đến trận cuối vòng bảng ông Chung và các học trò mới đụng độ đối thủ khó chơi Myanmar. Nhưng đội bóng này đang sa sút và chiến thắng 4 - 0 của nữ Việt Nam đã phản ánh rõ sự chênh lệch của 2 đội.
Huấn luyện viên Mai Đức Chung đã sử dụng bài bóng ngắn, lối chơi kỹ thuật nhằm khắc chế đối thủ vốn sở hữu dàn cầu thủ cao to. Tuy nhiên, không phải lúc nào yếu tố kỹ - chiến thuật cũng có thể bù đắp cho hạn chế về thể hình, thể lực. Tuy nhiên, nếu thất bại trước Philippines là điều có thể hiểu được, vậy còn thất bại trước Myanmar ở trận tranh hạng Ba của đội tuyển nữ Việt Nam được nhìn nhận như thế nào?
Rõ ràng, tinh thần của các tuyển thủ và cả huấn luyện viên Mai Đức Chung đã lao dốc sau thất bại ở bán kết. Hai tấm Huy chương Vàng SEA Games, suất World Cup hồi đầu năm đã đặt đội tuyển nữ Việt Nam ở một đẳng cấp khác, đồng thời đòi hỏi cũng cao hơn. Phải đá trận tranh hạng Ba có lẽ là cú sốc quá nặng và không kịp gượng dậy với các nữ tuyển thủ Việt Nam vốn đã quen đứng trên đỉnh vinh quang. Trận thua ngược 3 - 4, sau khi dẫn 3 - 2 đến phút 81 của nữ Việt Nam là hệ quả tất yếu từ thất bại trước Philippines ở bán kết.
Nhưng hạng 3 hay hạng 4 khu vực không còn là vấn đề quá quan trọng với tuyển nữ Việt Nam. Vấn đề là sự lớn mạnh của Philippines và hành động sắp tới của bóng đá nữ Việt Nam trước một đối trọng hùng mạnh vừa xuất hiện. Bóng đá nữ Việt Nam cần nhanh chóng cải tổ mới có thể lấp đầy khoảng trống rất lớn đã được nhận diện. Tuy nhiên, sự thua kém về thể hình, thể lực và tư duy chiến thuật là vấn đề then chốt, lâu dài của cả một nền bóng đá chứ không thể giải quyết trong ngày một, ngày hai.
Họp báo sau trận tranh hạng Ba, khi được hỏi ông sẽ điều chỉnh gì ở đội tuyển Việt Nam thời gian tới, huấn luyện viên Mai Đức Chung nói: “Tôi muốn thay đổi con người, cầu thủ trẻ của đội tuyển Việt Nam còn non kinh nghiệm, chưa đáp ứng được yêu cầu, còn số cầu thủ lớn tuổi thể lực không còn đảm bảo. Đó là hai vấn đề tôi muốn thay đổi ở đội tuyển Việt Nam thời gian tới”.
Thời gian qua, ông Chung đôn nhiều gương mặt trẻ lên đội, nhưng số cầu thủ gây ấn tượng rất ít. Thanh Nhã, Vạn Sự, Thu Thương mới dừng ở mức tiềm năng. Do đó, đội tuyển nữ Việt Nam vẫn phải trông đợi vào những gương mặt cũ như Huỳnh Như, Tuyết Dung, Thùy Trang, Bích Thùy... Việc ra sân với đội hình quen thuộc đảm bảo tính gắn kết trong lối chơi, nhưng khiến ông Chung và các học trò dễ bị đối thủ nghiên cứu, bắt bài.
Vấn đề ở chỗ, làm mới đội tuyển còn phụ thuộc vào chúng ta có đủ nhân lực không? Đào tạo trẻ của bóng đá nữ còn rất nhiều hạn chế và khoảng trống, với những vùng trắng mênh mông. Hiện, chỉ có khoảng vài địa phương như Hà Nội, Hà Nam, TPHCM, Quảng Ninh hay Thái Nguyên có được trung tâm đào tạo bóng đá nữ trẻ. Khó khăn nằm ở rất nhiều khâu, từ chế độ cho đến chiến lược phát triển mang tầm vĩ mô cho đến các địa phương.
Sau đó là câu chuyện cải thiện thể hình, thể lực cho cầu thủ nữ nhờ chế độ dinh dưỡng tốt hơn, vốn là khía cạnh được quan tâm, nhưng chưa thể đầu tư cặn kẽ. Theo huấn luyện viên Mai Đức Chung, bữa ăn của các nữ tuyển thủ đã được cải thiện đáng kể, nhưng chúng ta chưa làm bài bản từ các lứa trẻ. Muốn nâng cao tầm vóc cầu thủ nữ, có lẽ những người có trách nhiệm cần có kế hoạch tổng thể mang tầm vóc quốc gia và cũng cần có thời gian trong nhiều năm mới mong có thành quả.
Và cũng cần tính đến bài học của đội tuyển nữ Philippines nhờ các cầu thủ Phi kiều. Nguồn lực Việt kiều của bóng đá nữ Việt Nam không phải là ít. Nhưng thu hút nhân tài thế nào, trọng dụng ra sao ở đội tuyển nữ lại là yếu tố trước giờ chưa được để tâm. Huấn luyện viên Mai Đức Chung từng chia sẻ: “Muốn có được thành tích lâu dài thì cần phải có đầu tư từ phong trào trường học, các địa phương cũng như hỗ trợ đồng hành của xã hội, Đảng, Chính phủ, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Bản thân tôi mong muốn có Việt kiều ở nước ngoài về thi đấu. Nhưng, trở ngại lớn nhất là thủ tục”.
Yêu cầu cải tổ với bóng đá nữ Việt Nam đã trở thành đòi hỏi cấp bách. Nếu không chúng ta sẽ tụt hậu và bài toán của bóng đá nữ Thái Lan vẫn còn nguyên tính thời sự.
Từ năm 2021 tới nay, 12 cái tên Phi kiều mới đã xuất hiện ở tuyển quốc gia Philippines. Hầu hết đều trưởng thành từ hệ thống giải sinh viên Mỹ (NCCA), nơi sở hữu nền thể thao học đường phát triển bậc nhất thế giới. Ngoài ra, Jaclyn Sawicki, cựu tuyển thủ nữ Canada, hay Sarina Bolden (cầu thủ ghi nhiều bàn nhất AFF Cup nữ 2022 (8 bàn) - cựu tuyển thủ U23 Mỹ), rõ ràng là những đối trọng quá tầm với cả đội tuyển nữ Việt Nam hay Thái Lan tại Đông Nam Á.