Một góc “Nhà triển lãm cá nhân” của ông Dương Phú Hiến |
(GD&TĐ) - Sau nhiều năm kín tiếng, khoảng 6 năm trở lại đây, ông Dương Phú Hiến (HN) bắt đầu công bố một phần trong bộ sưu tập cổ vật mà ba đời họ Dương của ông gìn giữ, khiến không chỉ giới chơi và sành đồ cổ trong nước, mà cả thế giới phải sửng sốt.
Những sự kiện triển lãm tượng Phật cổ với nhiều pho bằng vàng ròng nguyên khối to như người thật (2008), triển lãm cổ vật các triều đại VN (2010), triển lãm ngọc phỉ thúy cổ (2012, 2013) đã thu hút sự quan tâm sâu sắc của dư luận.
Nhà triển lãm cá nhân
Khu đất rộng hơn 1 héc ta ở xã Cao Minh (Xuân Hòa, Vĩnh Phúc) thuộc về gia đình ông Dương Phú Hiến đã trở thành một nhà triển lãm cá nhân, nhưng chỉ dành cho bạn hữu thân thiết. Khuôn viên rộng với một thế giới nghiêm cẩn, uy nghi của đá nghệ thuật.
Đặc biệt là cây cầu đá hơn 500 năm tuổi vắt qua hồ nước nhỏ mà khi tĩnh lặng, những chú rùa lớn nhỏ thường bò lên mầm đá phơi nắng, hoặc nghe tiếng vỗ tay, dăm bảy chú cá vàng lớn sẽ quẫy nước trồi lên ngóng thức ăn. Phía góc sân vườn, chú đại bàng đứng im lìm ngóng đợi, nhưng đôi mắt vàng sắc lạnh lẽo thì khiến bất cứ ai cũng chờn chợn (riêng tôi thì từ bỏ luôn giấc mơ làm công chúa).
Đón ta lên những bậc tam cấp là biết bao tượng đá tuyệt mỹ cùng những pho tượng Chăm hàng ngàn năm tuổi. Khi ngồi bên bàn uống nước trà ướp hương hoa rừng, ta có thể trầm ngâm ngắm ba vị Tam thế Bồ Tát quá khứ - hiện tại - tương lai.
Ba vị Bồ tát khổng lồ làm bằng gỗ bồ đề đỏ có từ trước thời nhà Lý, dạy ta luôn nhớ về quá khứ để quý trọng những giá trị cha ông truyền lại, nhưng cũng phải biết sống đủ trong hiện tại, biết chụm vào nhau mà chế ngự tham sân si, và còn phải biết hướng về tương lai xây một cuộc sống sáng sủa hơn, tốt đẹp hơn.
Ngước lên phía trên, một bức tường Bách phúc (với trăm viên gạch ốp in chữ phúc bằng tiếng Phạn cổ) tạo nên những vòng xoáy cảm giác lạ, mà lại hết sức thanh tĩnh. Tiếp bước lên tầng hai, chúng tôi được thưởng ngoạn bộ ghế gỗ sưa gắn vân thạch từ thời Lê, cặp voi đồng đen hơn 1.300 năm tuổi, cái đầu tê giác hóa thạch hàng triệu năm tuổi.
Đặc biệt là một bộ ngai vua và hoàng hậu thời Minh bên Trung Quốc trang trí bằng kỹ nghệ pháp lam đặc biệt nay đã thất truyền. Ông Hiến may mắn mua được báu vật mang giá trị văn hóa nghệ thuật lịch sử cao không chỉ với Trung Quốc mà của cả loài người này từ năm 1967, thời cách mạng văn hóa, khi những người yêu cổ vật Trung Quốc vì đói quá, mới chở món đồ quý sang Việt Nam đổi lấy lương thực sống qua giai đoạn khó khăn.
Kho tàng trong truyện cổ tích
Ông Dương Phú Hiến cùng một tượng Phật cổ trong bộ sưu tập của mình |
Trên những mặt bàn, kệ, giá, chúng tôi rất bất ngờ khi được chạm vào những bức phật ngọc đẹp đẽ và quý giá, có thể thấy ông Hiến rất yêu và trân trọng cổ ngọc trong các món trưng bày. Ông cho rằng ngọc là tinh túy của vũ trụ, ngọc nuôi người, những người đỉnh cao biết chơi ngọc, biết luôn giữ ngọc bên mình để giữ sức khỏe. Trong nhà có ngọc thì con cháu mãi giàu sang.
Càng đi vào những gian phòng trong ngôi nhà lớn, chúng tôi càng được diện kiến những cổ vật muôn hình vẻ và đẹp tinh tế đến ngỡ ngàng. Như đang lạc bước vào một kho tàng bí mật trong những giấc mơ thuở bé xưa.
Tôi nói với ông Hiến, quả là hôm nay, giấc mơ tuổi thơ của tôi đã thành hiện thực. Khi còn là một đứa bé con, thiếu ti vi, thiếu sách văn học, thiếu cả đồ chơi, tôi chỉ có thể giải thoát nỗi buồn chán của mình bằng cách mơ mộng lạc vào một kho tàng như trong truyện cổ tích, nơi đó luôn hiện ra bất ngờ từ những góc tối nào ngọc ngà châu báu và những tranh tượng tuyệt vời. Thì nơi đây, trong tư gia ông Hiến ở Cao Minh, kho tàng ấy hiển hiện dần sau mỗi bước chân dò dẫm của tôi.
Ông Hiến không thống kê tổng trị giá, nhưng đôi ba món cổ vật trị giá cả tỷ đô la cũng có trong kho tàng này. Từng có một doanh nhân người Nhật Bản, muốn mua lại bộ cổ ngọc phỉ thúy của ông Hiến với giá 2 tỷ đô la nhưng ông Hiến không bán.
Lúc này, ông Dương Phú Hiến mới thổ lộ, rằng ba đời dòng họ Dương nhà ông đều cần mẫn nghiên cứu và sưu tầm cổ vật, dù trải qua những thay đổi trầm luân của đời sống, nhưng dòng họ Dương không bao giờ bán đi món nào. Chỉ tìm cách an toàn nhất để bảo vệ cổ vật. Và cổ vật tinh hoa cũng như có duyên với nhà họ Dương, cứ lũ lượt tìm về, thủy chung như nhất.
Tôi hiểu ngầm ý của ông khi nói về tình thủy chung của ông với cổ vật, và cái duyên của cổ vật với ông.
Dương Phú Hiến đang ấp ủ dự định xây một bảo tàng trên khuôn viên chừng 2 héc ta ở Hà Nội, để kho tàng với hơn 4 vạn cổ vật giá trị của dòng họ Dương sẽ được ra mắt, tạo điều kiện cho nhiều người trong nước và quốc tế có cơ may được chiêm ngưỡng kho báu cổ vật có một không hai trên thế giới này. |
Kiều Bích Hậu