“Cái giá” của… từ bỏ

GD&TĐ - Đối với châu Âu, khí đốt tự nhiên nắm một phần quan trọng của địa chính trị. Tây Âu đã bắt đầu nhập khẩu khí đốt từ Liên Xô vào cuối những năm 1960.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Cho đến nay, Nga cung cấp 41% khí đốt, 46% than và 27% dầu cho các quốc gia châu Âu. Tuy nhiên, khi chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine không có dấu hiệu hạ nhiệt, mối quan hệ khí đốt giữa nước này  với châu Âu đang được đem ra thảo luận.

Nga có thể cắt nguồn cung khí đốt để trả đũa các lệnh trừng phạt của châu Âu. Ngược lại, phương Tây có thể từ bỏ sự phụ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga.

Cuối tuần qua, dòng khí đốt từ Nga sang châu Âu thông qua đường ống Yamal-Europe đã tạm dừng hoạt động. Đến ngày 7/3, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak tuyên bố: “Nga có quyền đưa ra biện pháp tương xứng và cắt nguồn khí đốt qua hệ thống đường ống Nord Stream 1”.

Đứng trước viễn cảnh người dân phải co ro trong giá lạnh và các nhà máy không thể hoạt động vì thiếu khí đốt, châu Âu phải tìm cách ngừng phụ thuộc vào năng lượng Nga. Nỗ lực độc lập năng lượng của châu Âu cũng xuất phát từ lo ngại Tổng thống Putin biến nhiên liệu hóa thạch thành vũ khí. Nga có thể cắt nguồn cung khí đốt trước khi châu Âu sẵn sàng hành động.

Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, thế giới cần “di chuyển càng nhanh càng tốt” khỏi sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga nhưng sẽ cần “giai đoạn chuyển đổi từng bước” trong khi các quốc gia tìm ra sản phẩm thay thế.

Anh có thể dễ dàng thoát khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga vì ước tính chỉ 2,3% khí đốt của Anh đến từ nước này. Nhưng các quốc gia phương Tây thì khác. Hơn nữa, Anh vẫn bị ảnh hưởng nếu giá năng lượng tăng vọt dẫn đến nguy cơ gián đoạn nguồn cung.

Ví dụ trên cho thấy nhiều thập kỷ phụ thuộc vào khí đốt của Nga khiến châu Âu không thể độc lập năng lượng một sớm một chiều vì khủng hoảng Ukraine. Dù châu Âu đã đưa ra nhiều kế hoạch để không phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga, đây là một việc “nói dễ hơn làm”.

Châu Âu đã có sẵn một số phương án dự phòng như tích trữ khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) mua từ Mỹ và Qatar. Nhưng những kho này đã hết sức chứa. Đức hiện không có bất kỳ kho LNG nào.

Dù ráo riết xây dựng kho lưu trữ mới, các quốc gia châu Âu phải mất ít nhất 3 năm để hoàn thiện. Trong khi đó, nếu ngừng sử dụng khí đốt từ Nga, châu Âu chỉ có thể trụ vững đến hết mùa đông năm nay.

Sang năm sau, các nhà máy hóa chất, luyện kim hoặc nhiều ngành công nghiệp phụ thuộc vào khí đốt của châu Âu sẽ phải đóng cửa, đe dọa nền kinh tế vốn đang đối mặt với tình trạng lạm phát.

Người dân châu Âu phải sống trong hoàn cảnh mất điện hoặc bị ngắt hệ thống sưởi ấm liên tục. Những nhu cầu sinh hoạt không được đảm bảo thậm chí làm rối loạn trật tự xã hội.

Nếu thay thế Nga bằng các lựa chọn khác như các quốc gia Trung Đông, việc vận chuyển LNG có thể đẩy giá thành tăng vọt. Hơn nữa, nhiều quốc gia châu Âu như Đức không có hệ thống chuyển đổi LNG thành khí đốt.

Các chuyên gia cảnh báo phương Tây chưa hoàn thiện kịch bản mất nguồn cung khí đốt từ Nga trong dài hạn. Trong khi đó, sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt của Nga đã trở thành nguồn lực để chính quyền Moskva tiếp tục chiến dịch quân sự tại Ukraine. Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đang dần chuyển hướng với vũ khí hiện nay là nhiên liệu hóa thạch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ