Lớp học ở đồn biên phòng

Cứ 13h45 thứ ba, năm và sáu hàng tuần, Huỳnh Ngọc Huy Hoàng lại đến Đồn biên phòng Bình Minh tham gia lớp học miễn phí dành cho trẻ khuyết tật.

Lớp học được mở ở hội trường đồn Biên phòng Bình Minh. Ảnh: Đắc Thành.
Lớp học được mở ở hội trường đồn Biên phòng Bình Minh. Ảnh: Đắc Thành.

Bị dị tật ở tay và thiểu năng trí tuệ, 10 tuổi nhưng Hoàng chưa từng đi học. Được sự động viên của gia đình, em cùng bảy người khác tuổi 10-30, bị bệnh đao, thiểu năng trí tuệ tham gia lớp học.

Đứng lớp dạy học là thượng úy Lê Văn Chính, Đội phó Đội vận động quần chúng của Đồn biên phòng và chị Đặng Thị Mỹ Ly, Phó chủ tịch Hội phụ nữ xã Bình Minh, huyện Thăng Bình.

Trong hội trường rộng hơn 100 m2, tám học sinh ngồi ở dãy bàn đầu. Mỗi em lần lượt được gọi lên bảng viết 24 chữ cái và đọc to. Đến lượt mình, Hoàng cầm phấn viết những nét chữ nguệch ngoạc. Viết xong, em mất vài phút đọc từng chữ do miệng nói không rõ.

"Để có ngày hôm nay, Hoàng đã trải qua bốn tháng rèn luyện. Mỗi buổi đến lớp dạy cho em viết được một chữ là tôi vui lắm", chị Ly nói.

Phía dưới lớp, thượng úy Chính đến từng chỗ học sinh kiểm tra nét viết trên bảng con. Phát hiện Nguyễn Văn Trung, 30 tuổi, viết không đúng ô kẻ bảng, anh xóa đi, viết mẫu chữ vào ô vuông và hướng dẫn Trung làm theo.

Tuy nhiên, Trung vẫn viết chữ ra ngoài ô vuông. Để học sinh phân biệt được vị trí cần viết, anh Chính đặt hai bàn tay che khuất phần còn lại, chỉ để ô vuông viết chữ. Lúc này, Trung mới hiểu.

"Trung cố gắng viết chữ cho đẹp, đến Trung thu thầy sẽ tặng quà", thượng úy Chính động viên. Sau 10 phút, Trung viết được cặp chữ vào ô vuông trên bảng con, anh Chính quay sang bày cho học sinh khác. 

Xã Bình Minh có nhiều trẻ khuyết tật không được đến trường, phụ huynh mong muốn có một lớp học dành riêng cho các em. Vì thế, từ tháng 11/2018, Đồn biên phòng Bình Minh cùng Hội phụ nữ xã đứng ra tổ chức lớp học.

Không có nghiệp vụ sư phạm, anh Chính phải đến các trường tiểu học, mầm non trên địa bàn gặp giáo viên học hỏi cách dạy. Anh cũng lên mạng tìm kiếm tài liệu về dạy trẻ khuyết tật.

Thượng úy Lê Văn Chính bày cho hoc sinh viết chữ. Ảnh: Đắc Thành.

Thượng úy Lê Văn Chính bày cho học sinh viết chữ. Ảnh:Đắc Thành.

Tháng đầu tiên mở lớp, thầy giáo chưa dạy chữ mà tập hát, tổ chức hoạt động vui chơi để thu hút học sinh. "Ban đầu có một số em rất khó gần. Sau nhiều lần nói chuyện, các em quen dần, xem thầy như người thân, háo hức đến lớp hòa nhập với bạn bè", anh Chính kể.

Trong tám học sinh, có em bị tật ở tay nên khi cầm bút, phấn viết không ra con chữ, con số. Anh Chính đã nghiên cứu, sáng tạo ra cách dạy riêng cho học sinh. Trong bộ chữ cái, anh dạy theo từng nhóm chữ, không dạy lần lượt từ đầu đến cuối bảng chữ cái. Mỗi buổi học sinh chỉ học một bộ như a, b, c; e ê; u ư...

"Các chữ này tương đồng về cách viết nên các em hiểu nhanh và nhớ, còn học theo thứ tự thì không em nào nhớ được", anh Chính nói. Có học sinh gần một tháng mới viết xong chữ ă. Anh phải dùng một nửa vòng tròn nam châm gắn vào bảng, sau đó cho các em vẽ theo vòng nam châm. 

Một em học sinh có đôi tay bị tật nguyền nên viết chữ gặp khó khăn. Ảnh: Đắc Thành.

Sau nhiều tháng luyện tập, nét chữ của một học sinh thiểu năng trí tuệ đã dần rõ nét. Ảnh:Đắc Thành.

Có con gái 12 tuổi bị tật ở miệng và thiểu năng trí tuệ, bà Đoàn Thị Hải cho hay con đã học nhiều năm mà không biết chữ. Khi biết tin đồn biên phòng mở lớp, bà đưa con đến xin học.

"Tôi rất phấn khởi vì con đã biết đọc, biết viết hết bảng chữ cái và con số. Về nhà, con ngoan, lễ phép và hát được bài hát thiếu nhi, tâm trạng con tôi vui vẻ hơn, không bực bội như lúc ở nhà", bà Hải nói.

Thiếu tá Lê Văn Nam, Chính trị viên Đồn Biên phòng Bình Minh, cho biết mục tiêu mở lớp là học sinh biết đọc, biết viết. Để các em hứng thú học, đồn tạo điều kiện tối đa. Mỗi khi người thân bận việc, đồn lại bố trí người đưa các em về. 

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.