Mới đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra một trường hợp hết sức kỳ lạ và bí ẩn trong khu rừng tại New Zealand. Đó là một cái cây - chính xác hơn là một gốc cây trơ trọi, lùn xủn, không có bất kỳ cành lá nào cả.
Nhìn qua, ai cũng có thể kết luận luôn đó là một gốc cây tùng bách (kauri) đã chết. Nhưng không! Qua các khám nghiệm, các nhà khoa học phát hiện ra rằng quá trình sinh trưởng bên trong gốc cây vẫn tiếp tục diễn ra. Hay nói cách khác, cái cây vẫn sống, dù là bằng một cách bí ẩn nào đó.
"Tôi và anh bạn Martin Bader thấy gốc cây tùng này khi đang thám hiểm khu rừng phía Tây Auckland," - trích lời Sebastian Leuzinger, tác giả nghiên cứu từ ĐH Công nghệ Auckland (New Zealand). "Kỳ lạ thật, bởi vì cái gốc cây không có bất kỳ cành lá nào, nhưng nó vẫn sống".
Nhưng trên đời này mọi thứ đều có cách giải thích, chỉ là con người tìm ra nó hay chưa thôi. Trong trường hợp này, bí ẩn mọi chuyện nằm dưới lòng đất, ở chính bộ rễ mà cái gốc này đang sở hữu.
Bí mật nằm ở bộ rễ.
Để làm sáng tỏ câu chuyện về cái cây "đáng lẽ đã chết mà vẫn sống", đội nghiên cứu đã đo lường lượng nước chảy dưới lòng đất xung quanh gốc cây và ở các cây xung quanh.
Thông thường, nước sẽ được rễ hút, đẩy lên lá rồi hóa hơi vào ban ngày, vậy nên rễ nhận được rất ít dinh dưỡng.
Tuy nhiên khi đêm xuống, mọi hoạt động của cây chùng xuống, nước bắt đầu được vận chuyển quanh bộ rễ. Việc vận chuyển này được thực hiện thông qua một hệ thống rễ của nhiều cây được kết nối ngầm với nhau. Hay nói cách khác, cái gốc cây sống được là dựa vào những cây hàng xóm của nó.
"Kết quả này làm thay đổi quan niệm của chúng ta về cây cối. Chúng không chỉ là những cá thể riêng biệt, mà thực chất được kết nối cùng nhau," - Leuzinger cho biết.
"Trong trường hợp này, cái gốc cây trơ trọi đã phải tuân theo những cây khác. Và vì nó không có lá nên nước sẽ không thoát ra ngoài không khí như bình thường".
Nhưng tại sao cây cối lại tạo ra hệ thống chia sẻ tài nguyên qua rễ cây? Các chuyên gia đặt giả thuyết rằng hệ thống này có mang lại nhiều lợi ích, chẳng hạn tăng cường dinh dưỡng và nước thu được trong khu vực, đồng thời tăng sự ổn định cho cả hệ thống.
Cái gốc cây trơ trọi kia may mắn được là thành viên của hệ thống này. Hệ thống vẫn chưa nhận ra rằng nó có thể chết, nên vẫn bơm nước và dinh dưỡng đến để duy trì sự sống cho nó. Điều này cũng không khó hiểu, vì đây là những cây thuộc dạng cao nhất hành tinh, có thể vượt quá 50m một cách dễ dàng.
Dù vậy, hệ thống này cũng có nhược điểm là nếu một cây nhiễm bệnh, toàn hệ thống có thể nhiễm theo và sụp đổ. Đây có thể là lý do vì sao cây tùng bách hiện đang nằm trong danh sách bị đe dọa.
"Dù chưa tìm thấy cái gốc cây nào khác may mắn như thế ngoài ở khu rừng của New Zealand, nhưng hệ thống này vẫn đang tồn tại, ít nhất cũng được 80 năm rồi."
"Nó làm thay đổi cách chúng ta nhìn nhận về hệ sinh thái của một khu rừng".