Cách xử lý khi đối diện “người mặt đen”

GD&TĐ - Thông tin nhóm người mặt đen đi xin tiền đang lan truyền trên mạng với tốc độ chóng mặt, gây hoang mang dư luận. Người dân, nhất là các em học sinh cần biết cách đề phòng.

Hình ảnh người mặt đen xin tiền cửa hàng thuốc tại Hà Đông. Ảnh cắt từ clip
Hình ảnh người mặt đen xin tiền cửa hàng thuốc tại Hà Đông. Ảnh cắt từ clip

Nhóm người mặt đen bí ẩn

Những ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện hàng loạt thông tin, hình ảnh và clip những người mặc đồ đen, bôi đen mặt, tay cầm đồ đến xin từng nhà với hành vi lạ lùng. Theo các chia sẻ trên mạng xã hội, nhóm người này xuất hiện chủ yếu ở các thành phố lớn của phía Bắc như Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Vĩnh Phúc...

Trước đó, một số người dân ở quận Hà Đông (Hà Nội) cũng thông tin nhân vật kỳ lạ này đã xuất hiện ở cổng trường học trên địa bàn, cầm theo các xiên thịt dụ dỗ học sinh. Đáng chú ý, một chủ cửa hàng thuốc ở đường Phùng Hưng (phường Phúc La, quận Hà Đông, TP Hà Nội) đã chia sẻ đoạn clip đối tượng này đến cửa hàng xin tiền.

Qua clip cho thấy, khi mọi người trong quán không có ý định cho tiền, người đàn ông mặt đen mặc đồ đen còn định mở cửa đi vào bên trong tiệm thuốc nhưng bị cản lại. Thấy chủ hàng thuốc chặn cửa, đối tượng mặc đồ đen đã cầm chiếc đĩa vung tay lên định đánh trả nhưng người này đã né kịp rồi quay trở lại bên trong.

Những hình ảnh, clip sau khi được đăng tải đã khiến một số người hoang mang, lo lắng. Hiện chưa rõ động cơ của nhóm người này là ăn xin hay ý đồ gì khác. Nhưng hình ảnh của họ xuất hiện ở nhiều nơi đã gây bất an cho nhiều gia đình, đặc biệt những nhà có người già, trẻ nhỏ.

Cần đề phòng

Liên quan đến những người mặt đen bí ẩn này, bà Phạm Thị Lệ Hằng - Trưởng phòng GD&ĐT Hà Đông cho hay: “Phòng GD&ĐT chưa nhận được thông tin từ phía nhà trường về việc những người mặc đồ đen, bôi mặt đen xuất hiện ở cổng trường và có nguy cơ đe dọa đến các học sinh. Nhưng chúng tôi sẽ yêu cầu các trường thắt chặt hơn vấn đề an toàn của học sinh và báo cáo cụ thể về vấn đề này”.

Về vấn đề này, ThS Nguyễn Tuyết - Chuyên gia tâm lý trẻ em lại có quan điểm khá thú vị. Chị Tuyết cho rằng, việc xuất hiện đối tượng kỳ lạ (người mặt đen - PV) trên địa bàn chứng tỏ hành vi đó là có mục đích rõ ràng.

Cùng với đó là thông tin được lan truyền rất nhanh trên mạng xã hội đã khiến đối tượng trên nhanh chóng được lan tỏa. “Thông tin về đối tượng kỳ lạ rất đáng chú ý nhưng thực ra không đáng ngại” - ThS Nguyễn Tuyết chia sẻ.

Theo ThS Tuyết, hình ảnh người mặt đen lan rất nhanh, nhắm vào nhóm người yếu thế (phụ nữ, trẻ em, học sinh). Tuy nhiên, hình ảnh này cũng giúp ích khi bộ nhận diện của học sinh, trẻ nhỏ được rõ ràng hơn.

“Ở trường học, dấu hiệu nhận biết của học sinh về người lạ khá mơ hồ bởi đó chỉ là người không quen biết, không thân thuộc. Tuy nhiên, nhân vật mặt đen là đối tượng rất cụ thể, có dấu hiệu kỳ lạ nên sẽ giúp học sinh có ý thức đề phòng khi gặp” - ThS Tuyết phân tích.

ThS Tuyết có băn khoăn đôi chút về những em học sinh lớn tuổi hơn có thể tò mò, thậm chí chủ động tiếp cận. Tuy nhiên, tình huống đó không đáng ngại bởi các em sẽ có ý thức rủ thêm bạn bè.

Về phương pháp đề phòng, ThS Nguyễn Tuyết cho rằng, nhà trường và gia đình cần chủ động thu thập hình ảnh, tổ chức các cuộc tham khảo tâm lý học sinh qua đó có phương án định hướng, tránh gây hoang mang tâm lý trẻ nhỏ.

Vi phạm pháp luật

Về hành vi của người đàn ông bôi mặt đen đi xin tiền, Đại tá Vương Tiến Dũng – Trưởng Công an quận Hà Đông cho rằng, đối tượng chỉ xin tiền, không trộm cắp, không đánh ai... nên cơ quan công an không thể bắt họ được.

Tuy nhiên, trao đổi với Báo GD&TĐ, Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng VPLS Nguyễn Anh (Đoàn LSTP Hà Nội) khẳng định đối tượng kỳ lạ trên đã gây ảnh hưởng tâm lý rất nặng nề.

“Hành vi của các đối tượng đã xâm phạm đến trật tự an toàn xã hội, làm ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của mọi người. Các đối tượng đã cố ý phá vỡ tình trạng ổn định của cộng đồng, tạo ra tâm lý hoang mang, lo lắng cho người dân” - LS Thơm phân tích.

Theo LS Thơm, nếu người mặt đen là thanh niên, khỏe mạnh, có đủ khả năng lao động, nhưng lại tổ chức đi ăn xin như vậy thì có căn cứ để xem xét động cơ, mục đích không chỉ là đi ăn xin. Không loại trừ khả năng các đối tượng đã dàn dựng việc đi ăn xin để chụp ảnh, quay clip đưa lên mạng xã hội nhằm câu like, thu hút nhiều người xem.

“Nếu có căn cứ xác định người mặt đen đã tổ chức dàn dựng việc đi ăn xin, nhằm mục đích đưa lên mạng, gây dư luận xấu trong xã hội thì tùy theo tính chất mức độ, hậu quả gây ra có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” - LS Thơm nói.

Trong trường hợp giáp mặt đối tượng trên, LS Thơm cũng lưu ý mọi người cần hết sức kiềm chế, tuân thủ pháp luật. Nếu phát hiện hoặc giữ đối tượng lại thì phải thông báo ngay cho cơ quan chức năng nơi gần nhất, không nên vì bức xúc hay lo sợ mà xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của họ.

Nếu có hậu quả xảy ra làm thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe thì sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng trước pháp luật, trừ trường hợp phòng vệ chính đáng.

Công an Hải Dương đã triệu tập Đặng Như Chiến (19 tuổi, trú tại xã Hồng Lạc) lên làm việc. Tại cơ quan công an, Chiến khai nhận xúi giục nam thanh niên tên Xuân (17 tuổi, cùng ở xã Hồng Lạc) đóng giả người mặt đen đứng trước cổng trường Mầm non Hồng Lạc để Chiến chụp ảnh và đăng lên mạng xã hội câu like. Mới đây nhất, Công an huyện Đắk Tô (Kon Tum) cũng triệu tập Y Viện (22 tuổi, trú thôn 2, xã Tân Cảnh, huyện Đắk Tô) để làm rõ việc đăng thông tin bịa đặt lên mạng xã hội Facebook gây hoang mang dư luận khi đăng tải hình ảnh một người mặc đồ màu đen, trên tay cầm chai nước kèm nội dung: “Đã đến Kon Tum rồi nhé. Phụ nữ và trẻ em cẩn thận”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xây dựng Bộ chỉ số văn hóa quốc gia

Xây dựng Bộ chỉ số văn hóa quốc gia

GD&TĐ -Ngày 18/11, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia đã tổ chức Hội thảo tham vấn “Đề án xây dựng Bộ chỉ số văn hóa quốc gia vì sự phát triển bền vững”.