Cách viết bài luận giành học bổng du học

GD&TĐ - Trong quá trình viết bài luận, ứng viên xin học bổng du học cần thể hiện sự quan sát tỉ mỉ, tinh tế, lồng ghép nhiều chi tiết đắt giá và tránh bị lạc đề.

Bài luận là yếu tố quan trọng để giành học bổng du học.
Bài luận là yếu tố quan trọng để giành học bổng du học.

Tính cá nhân hóa và cụ thể hóa

Theo các chuyên gia, chìa khóa cho một bài luận thành công nằm ở tính cá nhân và gồm nhiều chi tiết cụ thể. Một bài luận chân thực, thể hiện sự quan sát tỉ mỉ, tinh tế của người viết sẽ nổi bật giữa hàng trăm bài luận có ý tưởng chung chung, cách viết hời hợt.

Lấy ví dụ, học bổng được trao bởi quỹ Pride Foundation yêu cầu ứng viên phải nộp nhiều bài luận với đề tài khác nhau. Trong đó, một bài luận yêu cầu sinh viên mô tả bản thân, chương trình học dự định và công việc tương lai.

Katelen Kellogg, Giám đốc truyền thông của Quỹ Pride Foundation đồng thời là thành viên của hội đồng xét tuyển cho biết, bài luận cô thấy ấn tượng thường gồm “những chi tiết vẽ nên bức tranh cuộc sống của ứng viên”. Đó là việc người viết ít nói về bản thân mà tập trung nhiều hơn vào con người mình.

Mỗi bài luận đều nên mang ý nghĩa cá nhân đặc biệt và người viết nên thể hiện điều đó trong bài luận. Nội dung có thể là cơ hội người viết tự nhận thức ra một vấn đề nào đó hoặc bày tỏ suy nghĩ sâu rộng trong một lĩnh vực.

Ngoài ra, một sai lầm các ứng viên thường mắc phải là chọn chủ đề quá rộng. Chẳng hạn, đưa vào bài luận một vấn đề chính trị quá phức tạp mà không thể giải quyết nó trong dung lượng bài luận.

Yếu tố câu chuyện

Bài luận cần có nhiều chi tiết, câu chuyện hay.
 Bài luận cần có nhiều chi tiết, câu chuyện hay.

Monica Matthews, tác giả sách “Làm thế nào để giành học bổng đại học”, nhận xét bài luận nổi bật cần thu hút người đọc ngay từ câu đầu tiên. Trước khi đặt bút viết, các em phải cân nhắc về cấu trúc bài luận và tìm cách lôi cuốn người đọc qua những dòng đầu tiên. Tuy nhiên, cần tránh phóng đại hoặc kể câu chuyện không có thực, xa rời cuộc sống học sinh.

Ứng viên nên bắt đầu bài luận bằng một câu chuyện và chia sẻ những chi tiết cá nhân, hữu hình lấy chất liệu từ đời sống. Ví dụ, nếu muốn diễn đạt ý tưởng: “Tôi luôn giúp đỡ người khác”, các em không nên viết như “Tôi là người thích giúp đỡ người khác”, “Tôi có tấm lòng nhân hậu”, “Tôi vui khi giúp đỡ người khác”.

Thay vào đó, hãy kể lại những lần các em giúp đỡ mọi người xung quanh. Hãy đi từ nguyên do, hành động, kết quả và thái độ của người được giúp đỡ. Chọn lọc những chi tiết, câu chuyện thú vị sẽ giúp bài luận trở nên hấp dẫn, đáng nhớ.

Là chính mình

Hồ sơ xin học bổng du học thông thường gồm bảng điểm THPT, bằng cấp các kỳ thi chuẩn hóa quốc tế, thư giới thiệu, thành tích ngoại khóa và bài luận. Trong đó, hội đồng xét tuyển rất quan tâm đến bài luận, yếu tố mang tính cá nhân cao giúp họ có thể hình dung rõ hơn về ứng viên. 

Sinh viên thường cảm thấy cần thể hiện một hình ảnh, khía cạnh nào đó mang tính nổi trội trong hồ sơ xin học bổng. Tuy nhiên điều này không phải lúc nào cũng cần thiết.

Mandee Heller Adler, Chủ tịch Tổ chức Cố vấn Đại học toàn cầu, cho biết sinh viên phi truyền thống hoặc sinh viên quốc tế thường mắc phải lỗi này.

Giả sử khi ứng tuyển vào các trường đại học tại Mỹ, các em thường viết nhiều về văn hóa Mỹ hoặc dùng ngôn từ, văn phong “Mỹ hóa”. Trong khi đó, nhiều em đến từ các nền văn hóa có bản sắc riêng, cá tính riêng và hội đồng xét tuyển đều rất tò mò về nét riêng này.

Vì vậy, các em đừng ngại chia sẻ về văn hóa, lịch sử, trải nghiệm cá nhân dù là người thiểu số hay đến từ các quốc gia khác. Mục tiêu của bài luận là sự đa dạng, nổi bật, khác biệt nên văn hóa của đất nước các em có thể là điểm cộng giúp hội đồng xét tuyển hiểu rõ ứng viên là ai.

Ứng viên có thể nhờ cố vấn, thầy cô giáo hoặc bạn bè góp ý cho bài luận nhưng quá nhiều ý kiến từ mọi người xung quanh cũng có thể là bất lợi. Ý kiến bên lề có thể tác động lên quan điểm, làm suy yếu luận điểm của người viết trong bài luận.

Hơn nữa, quá nhiều ý kiến từ các chuyên gia sẽ biến bài luận của thiếu niên trở thành báo cáo chuyên nghiệp, không phù hợp với tiêu chí lựa chọn của hội đồng xét tuyển.

Tránh lạc đề

Eden Shore, thành viên hội đồng xét tuyển học bổng của Quỹ Pride Foundation, cho biết, nỗi thất vọng lớn nhất của giám khảo không phải do quan điểm của ứng viên. Việc các em không tuân theo quy định của bài luận mới là điểm trừ lớn nhất.

Bài luận thường giới hạn độ dài hoặc số từ nhưng nhiều ứng viên chẳng mảy may quan tâm. Hoặc các em cố tình viết dài hơn yêu cầu vì cho rằng viết càng dài càng được đánh giá cao.

Thực tế đây là suy nghĩ sai lầm. Ứng viên cần xây dựng nội dung, hình thức đảm bảo yêu cầu của đề bài. Đây sẽ là yếu tố chấm điểm đầu tiên cho bài luận của các em.

Theo US News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xây dựng Bộ chỉ số văn hóa quốc gia

Xây dựng Bộ chỉ số văn hóa quốc gia

GD&TĐ -Ngày 18/11, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia đã tổ chức Hội thảo tham vấn “Đề án xây dựng Bộ chỉ số văn hóa quốc gia vì sự phát triển bền vững”.