Cách tự học đúng để phát huy năng lực bản thân

GD&TĐ - Nhiều học sinh trở thành thủ khoa, á khoa, hoặc người thành công ở một số lĩnh vực… xuất phát từ tự học, không qua lò luyện, lớp ôn. Điều đó cho thấy, tự học quan trọng và cần thiết trong học tập và chiếm lĩnh kiến thức.

Học sinh Tiểu học Hà Nội trong tiết học làm quen với máy tính. Ảnh: INT;
Học sinh Tiểu học Hà Nội trong tiết học làm quen với máy tính. Ảnh: INT;

Song, theo GS Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, không phải người học nào cũng thấy được vai trò và tìm ra cách tự học đúng để phát huy năng lực bản thân.

Chưa khai thác hết tiềm năng

- Qua những tấm gương thủ khoa, người thành công nhờ tự học, GS suy nghĩ gì về vấn đề này?

- Học tập có bản chất là tự học bởi ai cũng phải tự học, không ai có thể học giúp ai. Tuy nhiên, nếu tự học chỉ dừng lại ở học thuộc, học cái có sẵn do người khác viết ra, làm ra thì không thể có kết quả tốt như người tự học một cách chủ động, sáng tạo.

Minh chứng, các nhà khoa học nổi tiếng hay người thành đạt đều thành công từ tự học. Họ tự xuất hiện nhu cầu học, tự đặt câu hỏi và tìm tòi câu trả lời bằng nhiều cách: Tìm đọc, nghiên cứu tài liệu từ nhiều nguồn khác nhau; tiến hành thực nghiệm; chia sẻ, tìm sự trợ giúp của người khác để tự học. Việc tự học của họ hoàn toàn chủ động, mang tính tự thân và luôn luôn bắt đầu bằng câu hỏi.

Ở một số học sinh trở thành thủ khoa, á khoa có thể nhận thấy trong các em đã hình thành nhu cầu tự học, chủ động tìm kiếm thông tin mình muốn tìm hiểu. Các em tìm đến thầy cô để học cách giải một bài toán, cách tìm thông tin cần thiết khi bản thân “bế tắc” chứ không để “kiếm” lời giải có sẵn.

Tự học của những học sinh này khác hoàn toàn những học sinh ngồi trong lớp luyện thi, học bị động, không có ý kiến trao đổi, phản biện mà chỉ thụ động nghe lời giải sẵn cho một bài tập được giao để giải. Các em học được càng nhiều dạng mẫu bài toán, bài tập, câu hỏi càng tốt để ứng phó với các kỳ thi, kiểm tra mà không cần suy nghĩ. Những học sinh như thế thường tìm đến các lò luyện có thợ luyện giỏi và điểm thi đạt được có tính may rủi là chính.

Tự học có thể học qua chương trình trực tuyến, diễn đàn, bạn trong lớp. Những thủ khoa, người thành công không chỉ học theo một cuốn sách giáo khoa mà từ các nguồn tài liệu khác nhau trong sách, báo hay nguồn tri thức phong phú từ Internet…

- Theo ông, vấn đề tự học ở học sinh, sinh viên hiện nay còn hạn chế gì?

- Để đưa ra một số liệu cụ thể về vấn đề này cần có đề tài nghiên cứu, thống kê cụ thể. Nhưng qua quan sát chủ quan nhận thấy ngay cả học viên cao học, nghiên cứu sinh… đôi khi năng lực tự học còn khá hạn chế. Như vậy, ở đối tượng đại trà khác (học sinh, sinh viên) sẽ khó khả quan hơn trong vấn đề tự học.

Đây là vấn đề đáng tiếc, vì tiềm năng và điều kiện tự học rất lớn ở thế hệ thời đại công nghiệp 4.0 chưa được khơi dậy, biến thành năng lực một cách hiệu quả cho thế hệ trẻ. Đó chính là lý do trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tự chủ - tự học được xác định là một năng lực chung cốt lõi cần phát triển cho học sinh.

GS Đinh Quang Báo.

GS Đinh Quang Báo.

Biết cách tự học để đi tới thành công

- Từ thực tế hiện nay, ông có lưu ý gì với học sinh trong việc tự học để phát huy hiệu quả trong quá trình học tập?

- Trước hết, người học phải muốn tự học, muốn hiểu biết, cần có hứng thú tự đặt ra những câu hỏi về điều mình chưa biết. Tìm hiểu điều mình chưa biết được biểu thị bằng tự đặt ra câu hỏi, tự chất vấn, từ đó mới có quyết tâm tìm hiểu vấn đề và học cách tìm hiểu vấn đề.

Tự học để tìm hiểu những vấn đề thầy, cô đặt ra là biểu hiện tự học, nhưng học bằng tự vấn sẽ đạt mức cao hơn của tự học, là biểu hiện của năng lực sáng tạo. Người chủ động đặt ra vấn đề để tìm kiếm thông tin và tìm kiếm ở các nguồn khác nhau (mạng, sách vở, thầy cô, bạn bè) thì tự học mới hiệu quả.

Tự học yêu cầu tinh thần tự giác cao bởi sẽ phải tự vạch kế hoạch học tập cho bản thân. Việc rèn luyện khả năng tự học cũng cần bắt đầu từ nhỏ để có thể đi lâu dài trên con đường tự học tập sau này.

Ngày nay, các điều kiện để giúp học sinh tự học tốt khá nhiều. Học trực tuyến là xu hướng học với nhiều ưu điểm vượt trội, giúp người học chủ động quản lý và điều chỉnh lộ trình học vừa giúp nhớ sâu kiến thức và tiết kiệm thời gian học tập. Học mọi lúc, mọi nơi, mọi cách là điều ai cũng làm được trong thời đại ngày nay, chỉ phụ thuộc ý chí mỗi cá nhân.

- Giáo viên cần khuyến khích học sinh tự học ra sao để đi đúng hướng và phát huy được lợi ích vào hành trình học tập?

- Có thể thấy, phần lớn giáo viên chưa chú ý thúc đẩy và dạy học sinh cách tự học. Lên lớp, thầy cô chủ yếu trình bày lý thuyết để học sinh nghe và ghi chép lại. Nhược điểm này xuất phát từ việc giáo viên chưa có kinh nghiệm trong vấn đề dạy học sinh cách tự học. Mặt khác, tổ chức học thảo luận theo nhóm, theo cặp gặp trở ngại khi lớp học đông học sinh. Đặc biệt do kiểm tra, thi cử còn nặng về ghi nhớ.

Để thúc đẩy tự học, giáo viên cần dạy học trò cách tìm ra kiến thức mà bản thân còn hạn chế chứ không chỉ dừng lại ở cung cấp kiến thức. Nghĩ ra “việc” để học sinh tự thực hiện giải quyết vấn đề, chủ động tìm lời giải theo cách của mình chứ không cung cấp đáp án. Cần giúp học sinh biết cách giải quyết một vấn đề theo logic khác nhau để tăng sự hiểu biết.

Giáo viên cũng có thể khuyến khích học sinh tự học bằng cách đặt ra nhiều vấn đề cùng thảo luận, suy luận, tìm kiếm, phản biện, phê phán…

- Xin cảm ơn GS!

Thời nào cũng có người tự học và thành công với tự học. Tuy nhiên, việc tự học trước đây chủ yếu do thời gian học tập trên lớp hạn chế, điều kiện học tập như tài liệu, sách giáo khoa thiếu buộc người học phải tự mày mò tìm kiếm tự học. Hiện nay, học sinh tự học khá thuận lợi. Các em được “tắm” trong nguồn thông tin từ nhiều nguồn cung cấp (sách báo, mạng…). Vì vậy, ai biết cách và chịu khó tự học thì sự thành công sẽ tới và ngược lại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.