Theo nhiều giáo viên, mặc dù hiệu quả không bằng việc học trực tuyến, nhưng đây là giải pháp phù hợp và tốt nhất thời điểm này.
Chủ động ôn tập cho trò
Cô Trần Thúy An, Hiệu trưởng Trường THCS Minh Đức (Quận 1) cho biết: Việc hoãn kỳ thi vào lớp 10 để phòng dịch Covid-19 ở thời điểm này là phù hợp và nhận được sự đồng thuận của giáo viên, phụ huynh học sinh.
Nhà trường đã làm việc với các tổ chuyên môn và triển khai dạy học trực tuyến cho học sinh khối 9 từ ngày 2/6. Các em ôn tập trực tuyến 3 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh từ 8 - 10 giờ sáng (có nghỉ giữa môn) vào các ngày trong tuần, 2 buổi/tuần/môn.
Tại Trường THCS Nguyễn Du, Quận 1, từ ngày 1/6 học sinh khối 9 ôn tập trực tuyến trong thời gian tạm hoãn kỳ thi vào lớp 10. Theo đó, học sinh ôn tập 5 tiết/tuần/môn vào buổi sáng. Học sinh có 2 tiết làm bài tập trên ứng dụng K12Online và 3 tiết học tập với giáo viên bộ môn qua MS Teams.
Thầy Võ Kim Bảo, giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Nguyễn Du cho biết: Dời lịch thi do giãn cách là thời điểm để học trò phát huy việc tự học, rèn các kỹ năng làm bài, hệ thống lại toàn bộ kiến thức theo sơ đồ tư duy. Bản thân thầy và các giáo viên bộ môn luôn cố gắng hỗ trợ ôn tập, giải đáp các câu hỏi của học sinh qua Internet.
Còn tại Trường THCS Hồng Bàng (Quận 5) trong hai ngày 2 - 3/6, nhà trường tổ chức thi thử vào lớp 10 bằng hình thức trực tuyến.
Theo Ban giám hiệu nhà trường, việc thi thử trực tuyến đã được các tổ chuyên môn (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh) của trường bàn bạc kĩ và thống nhất. Khung giờ thi giống như lịch thi của TP trước khi có quyết định hoãn. Các giáo viên bộ môn gửi đề vào Classroom để học sinh thực hiện bài thi.
Theo cô Vũ Thị Hường, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Hồng Bàng, thi thử quan trọng nhất chính là tinh thần tự giác của học sinh. Các em được thử thách, trải nghiệm và sau đó giáo viên sẽ hướng dẫn sửa bài. Qua đó, học sinh rút kinh nghiệm cho bản thân về việc phân bố thời gian làm bài, bố cục bài làm và tiếp tục ôn tập thật kĩ để chuẩn bị cho kỳ thi.
Phát huy kĩ năng tự học
Theo các thầy cô, việc ôn tập trực tuyến tuy không hiệu quả bằng ôn tập trực tiếp, nhưng trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đây là giải pháp phù hợp nhất. Ngoài sự nỗ lực của các thầy cô giáo, ý thức tự giác học tập, phát huy kĩ năng tự học của mỗi học sinh là điều rất quan trọng.
Thầy Nguyễn Đức Uy, giáo viên Trường THCS Trần Văn Ơn (Quận 1) đưa ra lời khuyên cho học sinh khối 9: Các em hãy giữ vững tâm lý, ở nhà ôn lại kiến thức đã học, giữ gìn sức khỏe để bước vào kỳ thi sắp tới. Việc dời lịch thi cũng là cơ hội để học sinh có thêm thời gian để ở nhà ôn tập kĩ hơn”.
Tương tự, theo thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân (Quận 1), hai điều cần làm nhất, đó là tự học và tự giác. Thầy cô không thể ở bên cạnh các bạn để đôn đốc và hỗ trợ trực tiếp nên bắt buộc phải có ý thức tự giác học và kĩ năng tự học.
Phải lập kế hoạch ôn tập, vì chỉ cần lơ là một chút là quên những kiến thức đã trau dồi trước đó. Hãy lập một bảng biểu có ngày, giờ cụ thể học môn, bài nào và quyết tâm hoàn thành cho được. Sĩ tử nên thường xuyên kết nối với thầy cô để nhờ tư vấn, hỗ trợ việc ôn tập đúng hướng, nhờ thầy cô xem lại hoặc chấm bài giúp mình.
Theo thầy Đức Anh, học sinh có thể rủ vài bạn (hoặc nhờ thầy cô chia nhóm) lập nhóm học online để thường xuyên nhắc nhở, động viên nhau ôn tập và quan trọng là không cảm thấy một mình.
Ngoài ra, hãy để tinh thần và não bộ được thoải mái để học tập hiệu quả bằng cách dành thời gian cho một vài hoạt động giải trí; Không tự tạo áp lực, ăn uống, ngủ nghỉ đầy đủ, đúng giờ… Sức khỏe tốt mới ghi nhớ và ôn tập tốt.
Thầy Đức Anh cũng nhấn mạnh: Học sinh cần ôn tập học và hiểu, tránh học tủ, học vẹt, nên chọn không gian học tập thoải mái, thoáng đãng nhưng không nằm học.
Đối với những bài văn, ý văn hay quên thì hãy thu âm vào điện thoại để nghe lại, việc thay đổi hình thức tiếp cận sẽ dễ dàng đi vào trí nhớ. Trước nay, nhiều học sinh hay học thuộc các ý, cách này không hay. Thay vào đó, cần luyện tập viết nhiều hơn, bỏ thói quen học thuộc. Khi viết ra một bài văn sẽ canh được thời gian, thấy được lỗi trong câu chữ, ngữ pháp để khắc phục, trau chuốt hơn.