Cách triển khai một bài viết

GD&TĐ - Nhiều lúc trong quá trình làm việc thực tế, bạn có ý tưởng hay, mới nhưng không biết đặt vấn đề, triển khai một bài viết ra sao; có lúc nhiều ý tưởng quá không biết nên viết theo hướng nào; có lúc đã viết được một phần rồi nhưng lại loay hoay tìm cách phát triển ý hoặc viết gần hết rồi không biết kết thúc như thế nào?

Cách triển khai một bài viết

Đã lúc nào bạn rơi vào một trong những tình trạng này chưa? Sau đây, bản thân xin chia sẻ một vài kinh nghiệm nhỏ để các bạn có thể tự tin trình bày hoàn thiện một bài viết bất kỳ (về chuyên môn, về cuộc sống hay xã hội,…).

Trước hết, người viết phải xác định được vấn đề cần triển khai. Sau đó thu thập, tìm hiểu thông tin ở các nguồn tài liệu (sách, báo, internet,…) có liên quan đến vấn đề định viết. Trong quá trình tìm hiểu, thu thập thông tin thông thường chúng ta sẽ thu nhận được nhiều thông tin, kiến thức hữu ích đồng thời giúp chúng ta nảy sinh ra nhiều ý tưởng để triển khai bài viết. Lúc ấy có thể có rất nhiều ý tưởng, hãy ghi hết chúng ra một tờ giấy nháp. Khi làm được điều này, bạn đã có một khởi đầu đầy hứa hẹn cho bài viết.

Tiếp theo, chúng ta cần nhìn nhận, phân tích, đánh giá vấn đề trên cơ sở những ý tưởng đã phát hiện để tìm hướng đi phù hợp, mới mẻ so với những điều mà các tài liệu đã đề cập. Ta lập dàn ý cho bài viết với một hệ thống luận điểm rõ ràng, mạch lạc.Lúc này bạn đã khơi được mạch nguồn và có một khung bài viết định hình cụ thể.

Công việc quan trọng nhất là bắt tay vào viết từng phần. Từ đặt vấn đề, triển khai vấn đề đến kết thúc vấn đề. Lúc này, ta hoàn toàn tập trung, dồn hết tâm huyết vào đây và nên viết liền một mạch cho đến khi hoàn chỉnh. Khi viết với mỗi luận điểm, ta triển khai thành một đoạn văn và cần khai thác, triển khai ý rõ ràng, triệt để. Sau khi triển khai xong cần biết chốt ý chính từng đoạn và gợi mở tạo tiền đề triển khai ý tiếp theo. Bên cạnh đó, chúng ta cần chú ý những từ ngữ để chuyển tiếp ý như: Tuy vậy, nhưng, hơn nữa, đặc biệt là, … hoặc những từ ngữ nhàm liệt kê ý: Một là, hai là,…; Thứ nhất là, thứ hai là,… để tạo cho bài viết thành một khối thống nhất, chặt chẽ, liền mạch.

Sau khi viết xong, bạn cần đọc lại bài viết. Đây là bước cắt, tỉa bài viết cho gọn, sắc, đúng trọng tâm và đúng với yêu cầu về dung lượng bài viết. Bạn cần đọc đi đọc lại khoảng 2 – 3 lần để chỉnh sửa. Lúc này, bạn nhất thiết phải bỏ những câu, từ rườm rà, sửa lại những từ, câu, cách diễn đạt còn lan man, chưa phù hợp. Đặc biệt kiểm tra lại hệ thống ý triển khai sao cho logic, khoa học.

Cuối cùng, bạn đọc đi đọc lại nhan đề. Nhan đề cần súc tích, ấn tượng, độc đáo và nêu bật nội dung bài viết, thông điệp mà tác giả cần gửi đến bạn đọc. Chọn được một nhan đề hay, đúng góp một phần rất lớn giúp bài viết có độ lan tỏa, âm vang và hấp dẫn đối với bạn đọc. Thường thì, người viết nên đặt theo kiểu: bao quát nội dung hoặc lẩy chủ đề, cao tay hơn là theo kiểu chơi chữ, đối lập tương phản,…

Để bài viết thực sự hoàn thiện và ra mắt độc giả một cách “tươm tất”, tốt nhất là sau khi hoàn thành bài viết từ 2- 3 ngày, bạn hãy đọc lại và bình tĩnh sửa từng câu, chữ, nghiền ngẫm từng ý tứ mình viết và luôn đặt mình vào trường hợp của độc giả để có những hướng khai thác, chỉnh sửa hợp lý, hiệu quả nhất.

Tóm lại, khi tiến hành một bài viết, ý tưởng đóng vai trò như mồi lửa khởi điểm, các phần triển khai tạo nên sinh thể trọn vẹn cho bài viết, phần kiểm tra, chỉnh sửa nhằm chỉnh trang hoàn thiện bài viết. Còn chần chừ gì nữa, khi có một ý tưởng mới lóe lên trong đầu, chúng ta hãy bắt đầu viết … để chia sẻ, để được học hỏi và hoàn thiện bản thân mình. Chúc các bạn sẽ có niềm đam mê tìm hiểu thế giới xung quanh chúng ta và yêu thích viết…

Theo Tiếng nói giáo viên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ