Tuy nhiên, nhiều học sinh tỏ ra e ngại phương pháp này do kỹ năng thuyết trình còn kém. Làm thế nào để thuyết trình thật tốt? Chúng ta hãy lắng nghe ý kiến của các bạn và thầy cô nhé.
Em Nguyễn Thu Linh (HS lớp 9C, Trường THCS Nguyễn Trường Tộ):
Em rất hào hứng với những tiết thảo luận thay vì cách học "thầy đọc, trò chép". Phương pháp học này giúp chúng em có cơ hội trình bày ý tưởng, ý kiến cá nhân.
Để chuẩn bị cho tiết seminar, chúng em phải viết những bài thảo luận, trình bày ý hiểu của mình. Quá trình này thực sự bổ ích vì học sinh được khám phá, phát hiện những điều mới mẻ và làm chủ kiến thức chứ không "học vẹt".
Để chuẩn bị thuyết trình trước thầy cô và bạn bè, em phải viết bài thuyết trình ngắn gọn nhưng đầy đủ ý kiến, vạch ra các ý chính và tập nói ở nhà sao cho trôi chảy, lưu loát.
Em Trần Văn Minh (HS lớp 8A2, Trường THCS Thống Nhất):
Em thích phương pháp học seminar vì không phải học thuộc lòng quá nhiều, tiết học cũng sôi nổi hơn.
Mỗi lần chứng kiến một số bạn thuyết giảng, em thấy các bạn ấy thật năng động, tự tin, chững chạc.
Nhưng, chẳng hiểu sao, khi đến lượt lên thuyết trình là em cảm thấy mất tự tin, run lắm, run đến nỗi nói lắp bắp, trình bày ý này xọ ý khác khiến cả lớp cười ồ lên.
Nhiều bạn trong lớp cũng ngại thuyết trình. Thế nên, nhiều khi đến giờ seminar là cả nhóm lại phải nhờ những bạn học khá giỏi, cán bộ lớp, những bạn quen phát biểu đứng ra thuyết trình thay cho mọi người.
Cô Phạm Hồng Nhung (Giáo viên chủ nhiệm, Trường THCS Khương Thượng):
- Mục đích của các tiết học seminar là giúp học sinh nắm vững kiến thức và hiểu bài hơn. Ở trường tôi, khi học sinh thuyết trình, tất cả thầy cô giáo đều bất ngờ vì các em thể hiện rõ sự chủ động, tự tin.
Những bài thảo luận được chuẩn bị kỹ nên các buổi seminar đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, có nhiều em còn khá thụ động, ngại phát biểu ý kiến và tham gia thuyết trình.
Cách học thụ động đó sẽ khiến các em mất tự tin, học tập kém hiệu quả so với các bạn chịu khó thuyết trình bởi việc tham gia thuyết trình giúp học sinh nắm chắc kiến thức và nhớ lâu hơn, lại rèn luyện được khả năng tự học.
Để tránh bệnh "sợ thuyết trình" trước lớp, học sinh nên viết bài thảo luận thật ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, lập dàn ý để tập nói khi ở nhà. Lần đầu có thể chưa quen, nói trước đám đông khá run, nhưng tới những lần sau sẽ tự tin hơn.
Học sinh trong lớp nên tỏ thái độ động viên và chú ý lắng nghe khi bạn thuyết trình, không nên chê cười khi bạn nói sai, nhầm lẫn vì điều đó khiến bạn mình xấu hổ, càng ngại thuyết trình hơn.