Cách thoát hiểm trong tình huống khẩn cấp trên ô tô

GD&TĐ - Nắm rõ cách thoát hiểm trên ô tô trong tình huống khẩn cấp sẽ giúp trẻ tránh được những hiểm họa về tinh thần, sức khỏe và tính mạng.

Cha mẹ cần trang bị cho trẻ kỹ năng thoát hiểm khi gặp sự cố mắc kẹt trên xe ô tô. Ảnh minh họa: INT.
Cha mẹ cần trang bị cho trẻ kỹ năng thoát hiểm khi gặp sự cố mắc kẹt trên xe ô tô. Ảnh minh họa: INT.

Lưu ý cho cha mẹ

Ô tô đang là một trong những phương tiện phổ biến, được nhiều người ưa chuộng bởi những tiện ích nó đem lại. Tuy nhiên, ô tô cũng tiềm tàng hiểm họa ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần, sức khỏe, thậm chí là tính mạng nếu không biết cách xử trí.

Ông Vũ Tuấn Anh - Giám đốc Công ty VOV AUTO cho biết, trước khi mua một chiếc ghế ngồi trên ô tô dành cho trẻ em, nên đảm bảo rằng nó phù hợp với cân nặng, độ tuổi và chiều cao của con, đồng thời tuân thủ các quy định giao thông được thực thi tại quốc gia hoặc khu vực.

Cũng theo chuyên gia này, điều quan trọng là phải đảm bảo rằng nó tương thích với phương tiện của bạn, xem xét kích thước của ghế, hệ thống neo. Khi được lắp đặt, nó phải đảm bảo cho phép tất cả các hành khách khác đi lại một cách an toàn và thoải mái. Trong trường hợp mua xe cũ có thể tiết kiệm một số tiền, nhưng không nên mua những chiếc ghế không rõ lịch sử. Điều này là do chúng có thể đã bị tai nạn nào đó hoặc đã được sử dụng trong một thời gian dài, có thể ảnh hưởng đến hiệu quả.

Nhiều gia đình do nuông chiều con hoặc để có cảm giác bố mẹ gần gũi con cái, nên thường để trẻ ngồi cùng ở hàng ghế trước hoặc ngồi ngay trên bậu tỳ tay giữa xe. Đây là những vị trí rất nguy hiểm nếu chẳng may phanh gấp, quán tính khiến trẻ lao vào kính lái.

Ngoài ra, để trẻ ngồi vào lòng khi lái xe cũng là điều cần tránh. Nhà sản xuất có khuyến cáo, túi khí bung có thể gây sát thương lớn cho trẻ. Vị trí thích hợp nhất cho trẻ em là ở hàng ghế sau, ghế ngồi riêng của trẻ nên đặt sao cho mắt trẻ có thể quan sát không gian bên ngoài để tránh mệt mỏi, say xe.

“Hầu hết các bé đều muốn được ngồi cùng mẹ. Khi ngồi cùng, các bé sẽ ngoan hơn. Tuy nhiên, trong trường hợp xảy ra tai nạn thì hậu quả rất khó lường. Vì vậy, hãy tập thói quen cho bé ngồi vào ghế và thắt dây an toàn một cách cẩn thận” - ông Tuấn Anh nói và cho biết thêm, hãy kiểm tra sách hướng dẫn sử dụng ô tô để tìm hiểu vị trí của các hệ thống an toàn được tích hợp trong xe và cách chúng hoạt động. Những thứ này có thể ngăn trẻ em mở cửa ra vào và cửa sổ khi xe đang di chuyển hoặc dừng lại, tránh té ngã hoặc kẹt chân tay.

Những chiếc xe có cửa sổ tự động thường có một nút bấm gần vô lăng. Khi được nhấn, chỉ người lái xe mới có thể hạ hoặc nâng cửa sổ lên. Bên cạnh đó, khi xe không được sử dụng, không để trẻ em chơi bên trong xe. Khóa cửa và luôn để chìa khóa xa tầm tay trẻ em.

Ngoài ra, tránh sao nhãng khi lái xe là quy tắc an toàn hàng đầu mà mỗi bậc cha mẹ nên tuân thủ. Lái xe mất tập trung có thể dẫn đến tai nạn, nguy hiểm đến tính mạng. Người lớn cũng cần giúp trẻ hiểu rằng chúng nên cư xử bình tĩnh trong xe. Bởi những tiếng la hét hoặc các hành động khác có thể ảnh hưởng nghiêm trọng khiến người lái xe mất tập trung. Điều này gây bất lợi cho cả gia đình và tuyệt đối nên tránh.

Sử dụng còi xe ô tô là cách nhanh chóng giúp trẻ cảnh báo cho những người xung quanh. Ảnh minh họa: INT.

Sử dụng còi xe ô tô là cách nhanh chóng giúp trẻ cảnh báo cho những người xung quanh. Ảnh minh họa: INT.

Trong ô tô bị khóa

Theo thầy giáo Hoàng Thành Trung (Trung tâm Huấn luyện thể thao trẻ em Star), không ít người dễ dàng lâm vào trạng thái lo lắng, hoảng loạn khi bị kẹt trong không gian kín, đặc biệt là xe ô tô. Điều này sẽ khiến tinh thần, sức khỏe nhanh chóng suy kiệt, dễ dẫn đến những tình huống nguy hiểm.

Người lớn cần dạy trẻ nếu gặp hoàn cảnh này, nên giữ bình tĩnh, hít thở sâu, quan sát xung quanh, để tìm kiếm cơ hội tự giải cứu bản thân, hay ra hiệu để nhờ những người bên ngoài trợ giúp.

Hiện nay, nhiều hãng xe đã thiết lập hệ thống an toàn để ở vị trí ghế lái, nhằm giúp ích trong những tình huống không cắm chìa khóa và xe đã khóa thì vẫn có thể mở cửa từ bên trong. Tuy nhiên, phải lưu ý, khi mở cửa xe mà không có chìa khóa, còi báo động của xe sẽ tự động kích hoạt. Cùng với đó, kiểm tra những cánh cửa khác trên xe, cũng sẽ tăng cơ hội để thoát ra ngoài.

Bên cạnh đó, việc liên tục bấm vào còi xe trên khu vực vô lăng cũng sẽ giúp chúng ta gây chú ý tới những người xung quanh. Một trong những nâng cấp an toàn nổi bật của các dòng xe ô tô hiện nay là còi xe, đèn cảnh báo vẫn sẽ hoạt động khi xe dừng hoạt động nhờ nguồn điện trực tiếp từ ắc quy. Đồng thời, đừng quên hệ thống đèn Hazard (đèn khẩn cấp).

Hoạt động với nguồn điện riêng nên đèn khẩn cấp có thể hoạt động bất cứ lúc nào. Thường nút bấm của đèn này có hình tam giác, màu đỏ nằm trên khu vực trên buồng lái. Do đó, kết hợp bấm đèn Hazard và bấm còi sẽ là cách thức cầu cứu cực kỳ hiệu quả.

Ngoài ra, búa thoát hiểm ô tô thường được để ở gần cửa sổ ô tô, nhằm giúp ích trong những tình huống người trên xe cần thoát ra ngoài. Loại búa phá kính này là dụng cụ chuyên dụng, có phần đầu nhỏ. Chỉ cần tác động một lực lớn lên kính xe bằng loại búa này, cửa kính xe sẽ bị vỡ vụn.

Hơn thế, chất liệu của lớp kính xe ô tô thường là hạt thủy tinh hữu cơ, khi vỡ sẽ tạo thành những vụn tròn, không có cạnh sắc nhọn. Do đó, người trên xe có thể dễ dàng thoát thân ra ngoài trong những tình huống nguy hiểm.

Sử dụng đèn báo nguy hiểm kết hợp còi xe, giúp trẻ dễ dàng cảnh báo cho những người xung quanh. Ảnh minh họa: INT.

Sử dụng đèn báo nguy hiểm kết hợp còi xe, giúp trẻ dễ dàng cảnh báo cho những người xung quanh. Ảnh minh họa: INT.

Ô tô đang di chuyển

Thông thường, khi ô tô đang di chuyển mà gặp trường hợp gây nguy hiểm, người lớn cũng rất dễ mất bình tĩnh. Do vậy, cha mẹ và con cái nên cùng nhau tập luyện với các tình huống giả định để minh hoạ cho việc thoát hiểm như nhảy khỏi xe như thế nào, tìm trợ giúp và đảm bảo an toàn ra sao? Tuy tình huống này ít xảy ra nhưng cũng cần trang bị cho con kiến thức cơ bản.

Theo thầy Hoàng Thành Trung, cùng với việc xác định thời gian thích hợp để nhảy khỏi xe, hãy nhanh chóng tìm trong xe những thứ có thể bảo vệ cho bạn khi thực hiện hành động này.

Những vật dụng được đề xuất trong tình huống này có thể kể đến như: Quần áo, vải vóc, giấy bìa, chăn mỏng, đệm xe, hoặc gấu bông…. Sau đó, chúng ta có thể nhồi những thứ này vào cơ thể khi thực hiện nhảy ra khỏi xe.

Chú ý bao bọc cẩn thận những vị trí như: Đầu, cổ, các khớp, tay, chân, vì đây là những vị trí dễ bị tổn thương. Hãy nhớ rằng, việc nhảy khỏi xe luôn đi kèm với những rủi ro bất ngờ nên việc chuẩn bị để giảm bớt mọi khả năng va đập là điều hết sức quan trọng. Đừng bỏ qua việc xác định vận tốc của xe nếu bạn không muốn tăng thêm những rủi ro khi thực hiện hành động này.

Trên thực tế, nếu việc quan sát vận tốc của xe qua công tơ mét bị hạn chế, chúng ta có thể xác định nó bằng tốc độ xe di chuyển qua các cột mốc trên đường hay cây cối, cùng với việc nhẩm tính thời gian để nhận định tình hình thực tế. Việc tìm cách để giảm tốc độ xe bằng bất kỳ biện pháp nào là một việc cần làm. Hãy bình tĩnh, dùng kỹ năng quan sát, điều kiện tình huống, phản xạ bản thân và kinh nghiệm của mình để tìm ra những biện pháp phù hợp.

Để hạn chế tai nạn, rủi ro khi nhảy ra khỏi xe, những vị trí đất mềm như đồng ruộng, cỏ dày, lá khô, hay đất ẩm,... sẽ là những vị trí thích hợp để chúng ta có thể nhảy ra khỏi xe.

Trong những tình huống khẩn cấp, hành động càng dứt khoát thì kết quả sẽ càng khả quan. Mở cửa xe thật rộng và dứt khoát, và thực hiện thật nhanh động tác nhảy khỏi xe vì bạn không có thời gian để chần chừ, nếu không muốn mắc kẹt lại trên xe. Nhảy theo một góc tam giác khoảng 45 độ về phía trước so với đuôi của ô tô sẽ giảm tối đa lực quán tính, có thể kéo cơ thể lao theo xe. Khi thực hiện động tác nhảy, co tròn người lại như trẻ sơ sinh sẽ giúp người trên xe tiếp đất an toàn nhất. Co tròn người, lấy 2 tay ôm quanh cơ thể cùng đầu, co chân lên và gập đầu gối sẽ là tư thế chuẩn nhất cho cú tiếp đất.

Bên cạnh đó, hãy cố gắng tiếp đất bằng lưng để giảm thiểu thương vong. Lưng là bộ phận có tiết diện rộng nhất trên cơ thể, nhờ vậy lực tác động sẽ được phân tán đều. Tuyệt đối không dùng tay, hay chân để tiếp đất vì sẽ tăng lực tác động đến khớp đồng thời tăng khả năng thương vong.

Khi tiếp đất, hãy lăn tròn cơ thể để giảm tác động của cú ngã. Cùng với đó, động tác này cũng giúp giảm chấn thương cho các vùng mô mềm và da.

Tuy nhiên, thầy Trung cho rằng, việc thoát hiểm khi xe đang chạy cũng rất nguy hiểm, người lớn cũng cần cân nhắc các tình huống và trường hợp để hướng dẫn cho con.

Ô tô rơi xuống nước

Nguy cơ tử vong khi bị kẹt trong ô tô khi rơi xuống nước không phải là hiếm. Phần lớn nguyên nhân là do người trên xe không có kiến thức để tự cứu bản thân cùng tâm lý hoảng loạn.

Thầy Lê Việt Hoàng (Trung tâm Đào tạo lái xe Hà Nội) chia sẻ các cách để thoát hiểm: Lái xe cần cố định vô lăng bằng cả hai tay theo vị trí 9-3 giờ. Khi thân xe vừa va chạm với nước, túi khí trên xe sẽ bung ra. Khi đó, phần đầu của tài xế rất dễ bị va đập và tạo ra chấn thương. Do đó, mỗi lái xe phải nhớ cơ chế bung của túi khí chỉ diễn ra trong vòng 0.04 giây sau khi được kích hoạt. Điều này yêu cầu tài xế phải tỉnh táo và phản xạ cực nhanh.

Khi ô tô bị rơi xuống nước thì việc tất cả mọi người trong xe nên làm là tháo dây an toàn ngay lập tức. Người trên xe cần nhanh chóng mở cửa sổ xe khi xe vẫn hoạt động trong khoảng 2 - 3 phút để có thể thoát ra ngoài.

Nếu cửa sổ bị kẹt và không mở được, thì việc tìm cách phá vỡ cửa sổ cần phải thực hiện ngay sau đó. Hãy tập trung vào những cửa phụ hay phần kính sau xe vì đây sẽ là những vị trí dễ phá. Dùng búa thoát hiểm có sẵn trên xe hay những vật như C lê, mỏ lết, tua vít lớn... hay bất cứ vật có cạnh nhọn để đập cửa kính thoát thân.

Khi đã tìm được đường ra ngoài, chúng ta cần hít hơi thật sâu và bơi ra ngay khỏi xe khi có cơ hội. Nước sẽ tràn vào nhanh chóng, nên người trong xe nên bỏ lại những vật dụng không cần thiết để có thể nhanh chóng bơi ra ngoài, bảo vệ tính mạng của bản thân.

“Trong mọi tình huống, cần dạy trẻ bình tĩnh để tìm cách xử trí, đồng thời trang bị cho con kiến thức, kỹ năng cơ bản để thoát hiểm. Cha mẹ cũng nên hướng dẫn con về tác dụng của một vài bộ phận quan trọng trong xe để con nắm được thay vì chỉ giảng dạy lý thuyết. Ví dụ cần bấm còi thì cũng phải chỉ rõ cho trẻ vị trí còi ở đâu, đèn khẩn cấp ở đâu…”, thầy Lê Việt Hoàng nhấn mạnh.

Những kỹ năng kể trên sẽ có thể giúp cứu mạng trong tình huống nguy hiểm. Tuy nhiên biện pháp quan trọng nhất vẫn là sự lưu ý, quan tâm của người lớn, người điều khiển xe, người giám sát đối với những thành viên trên xe. Trước khi xuống xe, cần kiểm tra thật kỹ từng dãy ghế, đảm bảo không sót một ai để không còn những câu chuyện thương tâm, đáng tiếc xảy ra nữa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vua chúa Việt ăn Tết thế nào?

Vua chúa Việt ăn Tết thế nào?

GD&TĐ - Độc giả tò mò muốn biết thời xưa, vua chúa nước Việt ăn, chơi Tết thế nào có thể tìm hiểu trong cuốn “Tết chốn vàng son” của tác giả Lê Tiên Long.