Cách thắp hương đúng và điều không nên làm trong ngày Rằm tháng Giêng

GD&TĐ - Thắp hương bàn thờ Rằm tháng Giêng mấy nén là đúng và linh nghiệm nhất? Đây là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm vì không phải ai cũng biết.

Cách thắp hương đúng và điều không nên làm trong ngày Rằm tháng Giêng
Dân gian quan niệm: “Lễ Phật quanh năm không bằng cúng Rằm tháng Giêng”. Việc thắp nén tâm hương lên Đức Phật, Gia Thần, Gia Tiên cùng đồng đẳng chân linh quyến thuộc, nội tộc ngoại tộc đã trở thành tục lệ không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của mỗi gia đình Việt Nam.
Thắp hương ngày Rằm như thế nào để đón tài lộc? Chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà cho rằng: Việc thắp nhang như thế nào cho đúng, phù hợp với văn hóa và phong tục Việt Nam là điều cần biết đối với tất cả mọi người, nó cũng thể hiện văn hóa ứng xử của mỗi người.
1. Ngày Rằm nên thắp mấy nén hương?
Vào mùng 1 hay ngày Rằm, thông thường dân gian sử dụng hương thắp theo số lẻ. Do đó, mọi người có thể thắp 3, 5, 9 nén tùy thuộc vào không gian thờ cúng. Chuyên gia Phong thủy Nguyễn Song Hà giải thích: Ba nén hương theo đạo Phật còn được gọi là Tam Bảo Hương còn thông thường trong dân gian gọi là Tam Tài THIÊN - NHÂN ĐỊA. Ba nén hương có thể linh ứng báo tin, bảo vệ người trong nhà và đánh đuổi tai ương.

Ngoài ra, còn có nhiều quan niệm khác nhau về các con số nén hương:

Một nén hương còn được gọi là Bình An hương. Thắp 1 nén hương thường là thờ cúng thần linh trong nhà. Nếu thắp 1 nén hương chỉ có phần Nhân ở đó, nhằm duy trì bàn thờ hàng ngày.
Thắp 5 nén hay dùng khi cầu cúng tiền tài hoặc thắp ban thần tài mùng 1, ngày rằm.
Thắp 7 nén dùng để mời gọi thiên thần, thiên binh thiên tướng, nếu không bất đắc dĩ thì không nên thắp số hương này.
Thắp 9 nén là dâng tới hàng Phật… Tùy đàn lễ lớn nhỏ mà thỉnh mời, dâng hương. Tuy nhiên, người ta khuyên không nên dùng 9 nén hương tại bàn thờ nhà, bàn thờ tại gia.
2. Lưu ý khi cúng ngày Rằm
Những điều nên làm
Khi thắp hương vào ngày rằm tháng Giêng, gia chủ nên chú ý những điều sau:
Trước khi thắp hương cần lau dọn bàn thờ. Gia chủ có thể lau bụi nhưng không được làm di chuyển bát hương.
Cần ăn mặc chỉnh tề, lịch sự khi thắp hương. Không nên mặc quần áo hở hang, rách khi thắp hương.
Chọn nhang hương cẩn thận: Nên chọn loại hương có mùi thơm nhẹ nhàng và loại hương đảm bảo an toàn chất lượng hương không bị ẩm dễ tắt hương khi đang thắp.
Thắp hương nên đi kèm với lễ vật. Chuẩn bị lễ vật lớn hay nhỏ là tùy vào điều kiện kinh tế của từng nhà. Không nên quá cầu kỳ gây lãng phí hao tổn tiền bạc.
Những điều không nên làm
Khi thắp hương những người xung quanh không nói tục, chửi bậy kẻo bề trên trách phạt.
Trước hôm Rằm ai trực tiếp lo thắp hương lên hương còn gọi là người đứng cúng thì từ ngày 14 âm giữ thân thanh tịnh, không ăn thịt chó thịt mèo, không ăn rùa, ba ba, thịt rắn, không uống rượu rắn, không uống rượu cao hổ cốt, không ăn tiết canh bất kỳ động vật nào đặc biệt tiết canh rùa, baba.
Không ăn tỏi, hành, mắm tôm, mắm tép. Trước khi làm lễ cúng Rằm uống chén trà thơm, tay rửa nước lá thơm, mắt xông lá trầu không.
Kiêng câu cá ngày trăng tròn. Theo quan niệm tâm linh của người Việt, hành động câu cá vào ngày rằm sẽ mang lại cho người đó vận hạn đen đủi. Chính vì điều này, vào ngày rằm người ta thường không đi câu cá.
* Thông tin mang tính tham khảo, chiêm nghiệm!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ