'Ám ảnh' kỳ nghỉ hè kín lịch học

GD&TĐ - Nhiều quan điểm xung quanh việc nghỉ hè có nên cho con học thêm hay không.

Cha mẹ không nên biến kỳ nghỉ hè của con thành nỗi sợ hãi vì học quá nhiều. Ảnh minh họa.
Cha mẹ không nên biến kỳ nghỉ hè của con thành nỗi sợ hãi vì học quá nhiều. Ảnh minh họa.

Có ý kiến cho rằng đây là thời gian để con ôn luyện kiến thức tốt nhất. Ngược lại, có cha mẹ cho con chơi cho đúng nghĩa của nghỉ hè.

Đến sợ vì… nghỉ hè

Nhiều cha mẹ có suy nghĩ, nghỉ hè, nếu cứ “nhốt” các con ở nhà trong bốn bức tường thì cũng bí bách và không an toàn. Nguy cơ về tai nạn, thương tích sẽ xảy ra bất cứ lúc nào ngay trong chính căn nhà của mình. Chính vì vậy, việc tìm lớp cho con học hè là một giải pháp an toàn nhất. Các con đi học vừa có kiến thức, bố mẹ vừa yên tâm.

Chị Lê Kim Thoa (Cán bộ Công ty Manulife) đã tìm được lớp học hè cho các con. Ngoài các môn học chính là Văn, Toán, Ngoại ngữ... con gái chị sẽ được học thêm múa và đàn, còn con trai sẽ tham gia lớp học cờ vua mỗi tuần ba buổi.

“Chi phí cho các con học hè chắc chắn đội lên rất nhiều so với trong năm học, nhưng vẫn phải chấp nhận. Vì thời gian nghỉ hè dài mà không học thêm thì sẽ quên kiến thức. Chưa kể là nhiều bạn đi học hè triền miên nên vào năm học đã nắm vững kiến thức rồi, nếu con mình không học thì chỉ sợ không theo kịp các bạn”.

Không thể lãng phí thời gian dài khi chỉ sang năm thôi con gái sẽ phải bước vào kỳ thi vượt cấp quan trọng, chính vì vậy, hè năm nay đối với gia đình chị Hoàng Thu Thảo (Hoàng Mai, Hà Nội) sẽ là một “cuộc chiến” để lấy lại phong độ, sức bật cho con khi năm học mới đến.

Chị Thảo cho biết, từ khi nghỉ hè, hai mẹ con chị đã thảo luận để đưa ra thời khóa biểu học hè. “Thấy con bé khó chịu, mặt mày nhăn nhó, mẹ phải động viên con cố gắng hết năm nay, sang năm đỗ vào trường mong muốn rồi bố mẹ sẽ “thưởng” thì con gái mới đồng ý”, chị Thảo chia sẻ.

Thế là, lịch học hè của cô con gái sắp vào lớp 6 bắt đầu bằng 10 ngày tham gia trại hè Anh ngữ bán trú tại một trung tâm tiếng Anh có tiếng. Giá cả cho trại hè này rất đắt đỏ, nhưng bù lại, con chị sẽ được “ăn tiếng Anh, ngủ tiếng Anh” cải thiện khả năng nghe, nói theo nguyện vọng của chị. Tiếp đến là lịch học kín mít các môn Văn, Toán tại nhà giáo viên. Để tiện việc đưa đón, chị Thảo cũng sẽ gửi con học bán trú luôn tại nhà cô.

“Lịch học hè của con gái sẽ kết thúc trước tháng 9 đúng một tuần, con sẽ có một tuần để xả hơi trước khi vào năm học mới. Mặc dù biết như vậy con sẽ khá mệt nhưng không còn cách nào khác. Tuyển sinh vào đầu cấp ở Hà Nội càng ngày càng khó khăn, nếu muốn vào trường tốt, mẹ con chỉ còn biết cố gắng hết sức mình mà thôi”, chị Thảo nói.

Em Nguyễn Tùng Quân (học sinh Trường Tiểu học Ngọc Khánh, Hà Nội) chia sẻ: “Nghỉ hè khổ lắm, thà cứ đi học ở trường còn hơn vì nghỉ hè, lịch học thêm của em còn kín hơn trong năm học lại không được gặp bạn bè thân thiết để chia sẻ, giải tỏa những áp lực”.

Còn em Lê Ngọc Phương Mai (Đống Đa, Hà Nội) thì cho rằng, nghỉ hè không còn là thời gian em mong chờ nữa mà thậm chí còn thấy sợ. Vì hầu hết em không có thời gian nghỉ, thay vào đó là lịch học kín tuần. Em chỉ được nghỉ 1 tuần ngay sau khi kết thúc năm học. Chưa kể đến việc nếu năm học nào điểm đạt được không ở mức kỳ vọng thì kỳ nghỉ hè sẽ còn đau đầu hơn vì sẽ được nhồi nhét kiến thức để lấp đầy.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Đừng đánh mất tuổi thơ của trẻ

Nói về những kỳ nghỉ hè cho trẻ, các chuyên gia giáo dục cho rằng, quãng thời gian hè vô cùng quý giá.

ThS Nguyễn Thị Hòa (Học viện Tư duy và phát triển kỹ năng Global) cho biết, suốt 9 tháng, học sinh đã ở trong bốn bức tường của trường học, về nhà lại quay cuồng bởi bài tập. Các em rất thiếu những trải nghiệm từ thực tế. Chính vì vậy, nếu những tháng hè lại phải tiếp tục cái guồng quay ấy thì những đứa trẻ sẽ bị “đánh mất tuổi thơ”.

Theo cô Hòa, không phải chỉ toàn là kiến thức sách vở, Văn, Toán, ngoại ngữ…, các con còn rất nhiều thứ khác có thể học và cần được trang bị trong những tháng nghỉ hè quý giá - những điều mà trường học hiện nay chưa đủ thời gian để dạy chuyên sâu cho các con. Do đó, cha mẹ có thể tìm cho con các khóa học về kỹ năng sinh tồn, tự chủ, kỹ năng tự phục vụ bản thân, các khóa học MC, kỹ năng chống xâm hại, bạo lực, các khóa âm nhạc, múa, vẽ, võ, học bơi… để trẻ bộc lộ cá tính, năng lực và điểm mạnh. Đó cũng là một cách giúp các con phát triển toàn diện.

Cô Hòa cho biết thêm: Tùy vào từng cấp học, có thể sắp xếp cho trẻ những kế hoạch hè phù hợp. Thí dụ, học sinh ở lứa tuổi tiểu học, các con chưa có thói quen tự học, chưa hình thành nền nếp thì vẫn nên cho các con học hè một cách hết sức nhẹ nhàng mỗi tuần một - hai buổi, mỗi buổi một - hai tiếng để các con đỡ quên kiến thức.

Đối với lớp 1, lớp 2, có thể là các bài học luyện viết, luyện tính toán, luyện tư duy, luyện đọc… Những bài học có thể không theo sách vở, mà học sinh được hướng dẫn bởi giáo viên hoặc chính bố mẹ và không được tạo sức ép cho các con. Chỉ nên là cách khơi gợi kiến thức hay ôn luyện cho trẻ.

“Nghỉ hè nên để cho trẻ tham gia các hoạt động văn hóa, vui chơi… Phụ huynh nên đặt mục tiêu làm thế nào để con mình có một tuổi thơ đẹp, một tâm hồn và thể chất khỏe mạnh, trong sáng chứ đừng nặng về kiến thức và học lực. Không phải ngẫu nhiên mà người ta đặt ra kỳ nghỉ hè dài cho học sinh. Đây cũng không phải quy định của riêng nước ta mà ở nhiều nước trên thế giới. Vì vậy, kỳ nghỉ hết sức có nghĩa này hãy để cho các em nạp năng lượng chuẩn bị bước vào một năm học mới”, cô Hoà nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.