Cách phòng tránh bệnh mùa hè

GD&TĐ - Mùa nào bệnh ấy là điều không thể tránh ở nước ta. Xuân qua, hè tới cũng là lúc những căn bệnh mùa hè bắt đầu xuất hiện. 

Cách phòng tránh bệnh mùa hè

Năm nào cũng vậy, tùy vào ý thức phòng bệnh của mỗi cá nhân hay cả cộng đồng mà bệnh có thể lưu hành rải rác ở một số nơi hoặc đổ bộ rầm rộ khiến hàng ngàn người mắc phải vào viện điều trị. Điều này cho thấy, dịch bệnh đến - đi là quy luật nhưng kiến thức, hành vi dự phòng bệnh vẫn chưa được nhiều người quan tâm và thực hiện.

Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp

Ghi nhận của Bộ Y tế, năm 2017, sốt xuất huyết và tay chân miệng gia tăng ở một số địa phương khiến ngành y tế và người dân lao đao. Sau một thời gian nỗ lực thực hiện các biện pháp, dịch bệnh đã được khống chế.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thời tiết thay đổi thất thường, thiên tai diễn ra ngày một nhiều trong khi tập quán, thói quen người dân chưa có sự chuyển biến theo hướng tích cực, nhiều khả năng dịch bệnh tiếp tục quay trở lại nếu chúng ta không chủ động phòng ngừa.

Dự báo của các chuyên gia dịch tễ, trong năm 2018, tình hình dịch bệnh vẫn sẽ tiếp tục có các diễn biến phức tạp, nguy cơ bệnh mới nổi và nguy hiểm phát sinh, tiếp tục gia tăng tại nhiều nước trên thế giới xâm nhập vào nước ta (bệnh Ebola, cúm A/H7N9, bệnh MERS-CoV...) trong khi đó các bệnh dịch lưu hành trong nước luôn tiềm ẩn bùng phát cục bộ.

Bệnh dịch chờ thời cơ bùng phát nhưng các hoạt động phòng chống dịch bệnh vẫn còn khó khăn, thách thức. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, báo cáo của các địa phương cho thấy, cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận để tiêm chủng, giám sát dịch bệnh ở một số nơi.

Bằng chứng là năm 2017, khi dịch sốt xuất huyết bùng phát, Hà Nội triển khai công tác phòng chống dịch bệnh trên toàn địa bàn nhưng vẫn có hộ dân từ chối hợp tác, thậm chí còn đuổi đánh nhân viên y tế.

Công tác phòng dịch đã vậy, tại cơ sở y tế, bác sĩ cũng rơi vào cảnh sợ hãi khi bị người bệnh đe dọa do không được nhập viện điều trị dù bệnh viện đang trong tình trạng quá tải, chỉ tiếp nhận bệnh nhân nặng...

Sốt xuất huyết tiềm ẩn nguy cơ bùng phát

Hiện sốt xuất huyết đang lưu hành tại 128 quốc gia, là nguyên nhân khiến xấp xỉ 390 triệu người nhiễm bệnh mỗi năm. Ở nước ta, sốt xuất huyết tập trung chủ yếu ở khu vực phía Nam. Các tỉnh phía Bắc chỉ ghi nhận rải rác nhưng năm 2017 di chuyển và bùng phát tại Hà Nội.

Hơn 184.000 người mắc, trong đó 32 trường hợp tử vong vì một nốt muỗi đốt thực sự là nỗi ám ảnh với người dân và y bác sĩ. Sang năm 2018, 10 tuần đầu năm, cả nước ghi nhận 11.385 trường hợp mắc, 1 người tử vong. So với cùng kỳ năm 2017, số mắc giảm 36,9%.

Theo Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Đặng Quang Tấn, bệnh sốt xuất huyết đã giảm trong những năm gần đây. Ở nước ta, tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết thấp nhất so với các quốc gia trong khu vực, tuy vậy hàng năm ghi nhận trung bình 50.000 - 100.000 trường hợp mắc, 50 -100 trường hợp tử vong.

Tính đến thời điểm này, sốt xuất huyết chưa gia tăng đột biến ở bất kỳ địa phương nào. Tuy nhiên, dự báo trong thời gian tới, đây vẫn là căn bệnh có diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ lan rộng ở nhiều nơi nếu công tác phòng chống dịch không được thực hiện quyết liệt từ tuyến cơ sở.

Ngoài sốt xuất huyết, mùa hè cũng là mùa của bệnh tay chân miệng, cúm, viêm não Nhật Bản, thủy đậu, tiêu chảy... Do vậy, chỉ cần sơ sảy, bệnh có thể xuất hiện và lây lan trong cộng đồng.

Dịch bệnh xảy ra ai cũng có thể mắc nhưng trẻ em vẫn là nhóm dễ bị nhiễm bệnh và lây lan do sức đề kháng yếu trong khi phần lớn trẻ lại học tập, sinh hoạt tập trung trong cùng môi trường. Do đó, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng, công tác phòng chống dịch cần bắt đầu từ gia đình, trường học và cộng đồng.

Nhiều dịch bệnh mùa hè có thể dự phòng nhờ tiêm chủng nhưng hiện còn 20/713 quận,huyện (2,8%) có tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi dưới 80% do chưa quản lý tốt đối tượng đã được tiêm chủng, thiếu vắc xin cục bộ, ảnh hưởng của bão lụt. Trong đó, 17/20 quận/huyện có tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ báo cáo thấp tập trung tại TP Hồ Chí Minh, 2 huyện của tỉnh Bình Phước và 1 huyện của tỉnh Quảng Bình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ