Cách phòng bệnh viêm gan B hiệu quả

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Trong 3 loại viêm gan siêu vi phổ biến A, B và C thì viêm gan siêu vi B (gọi tắt là viêm gan B) thường hay gặp nhất.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, hiệu quả bệnh viêm gan B từ cấp tính sẽ chuyển thành mạn tính và có thể dẫn đến xơ gan hoặc ung thư gan. Có thể phòng tránh bệnh viêm gan B nhờ tiêm vắc-xin.

Tác nhân gây bệnh và đường lây truyền

Viêm gan B không phải là bệnh di truyền, mà là một bệnh truyền nhiễm, do virus gây ra. Bệnh xảy ra tại gan gây nên các tổn thương dạng viêm và hoại tử tế bào.

Một điều đáng lưu ý là bệnh viêm gan B thường gặp trong cộng đồng người gốc châu Á hơn là trong các cộng đồng người châu Âu, châu Mỹ hoặc châu Phi. Một số ý kiến cho rằng, điều này là do xuất phát điểm trong cộng đồng châu Á có nhiều người mắc bệnh, vì thế tỉ lệ nhiễm virus viêm gan B hiện hành cũng cao hơn. Các nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ nhiễm bệnh trong cộng đồng người Châu Á có nơi rất cao, chiếm 10 - 20%, nghĩa là cứ 100 người thì có từ 10 đến 20 người nhiễm bệnh viên gan B. Đây quả thật là một con số không hề nhỏ.

Viêm gan B lây lan qua đường tiêm truyền, tình dục không an toàn và đường mẹ con. Bệnh xảy ra lẻ tẻ hiếm khi bùng phát thành dịch lớn.

Các biểu hiện

Bệnh viêm gan B thường diễn tiến âm thầm và kéo dài. Thời kỳ ủ bệnh rất thay đổi, từ 30 - 180 ngày.

Đa số người bị nhiễm virus viêm gan B không thấy có biểu hiện gì. Nhờ tính miễn dịch của cơ thể mà có đến 90% người khoẻ mạnh loại trừ hẳn virus viêm gan B ra khỏi cơ thể.

Số còn lại không có khả năng tạo kháng thể chống lại virus viêm gan B nên bị nhiễm kinh niên (gọi là viêm gan mạn tính - xét nghiệm máu thấy virus tồn tại lâu hơn 6 tháng). Ở những người này, virus có thể tồn tại trong máu và trong gan họ suốt đời.

Đây chính là nguồn lây lan trong cộng đồng. Tuy nhiên, nhiều người trong số họ vẫn sống vui, sống khoẻ như những người bình thường khác. Những người này cần được thăm khám chuyên khoa và xét nghiệm ít nhất mỗi năm một lần để giảm thiểu nguy cơ xơ gan hoặc ung thư gan.

So với viêm gan A thì viêm gan B nguy hiểm hơn nhiều. Xu hướng bệnh tiến triển thành mạn tính cũng cao hơn. Bệnh viêm gan B là nguyên nhân chính dẫn đến ung thư gan ở người châu Á.

Viêm gan B khởi bệnh với những biểu hiện ban đầu không có gì đặc biệt như mệt mỏi, sốt, phát ban, đau khớp. Những biểu hiện này trông có vẻ giống như những trường hợp nhiễm virus khác.

Biểu hiện điển hình của bệnh viêm gan B là vàng da, vàng mắt xuất hiện trong thời kỳ toàn phát. Kéo dài 2 - 8 tuần. Sau đó tất cả các biểu hiện giảm dần, người bệnh cảm thấy khoẻ hơn, ăn uống cảm giác ngon miệng và chuyển sang thời kỳ phục hồi.

Lúc này các biểu hiện trên gần như không còn nữa. Tuy nhiên, các xét nghiệm chức năng gan vẫn còn bất thường. Các xét nghiệm này chỉ ổn định trong vài tuần sau đó.

Một điều đáng lo ngại là cứ 4 người nhiễm virus viêm gan B mạn tính thì có 1 người bị biến chứng thành xơ gan hoặc ung thư gan. Cho nên việc phát hiện sớm bệnh nhân có thể hạn chế đựơc những rủi ro trên nhờ việc tư vấn, theo dõi và điều trị bằng các thuốc mới. Các bác sĩ chuyên khoa sẽ thực hiện điều này.

Việc xét nghiệm phát hiện nhiễm virus viêm gan B là cần thiết để phát hiện người nhiễm bệnh không triệu chứng nhằm tránh những lây lan vô tình cho cộng đồng và “chuyển giao” cho nhiều thế hệ trong cùng một gia đình, gây nên sự ngộ nhận đó là một bệnh di truyền.

Có thể phòng tránh bệnh viêm gan B nhờ tiêm vắc-xin.

Có thể phòng tránh bệnh viêm gan B nhờ tiêm vắc-xin.

Hướng điều trị và chế độ ăn uống

Có nhiều loại thuốc để điều trị viêm gan siêu vi B, như Lamivudine, Adefovir, Interferon… Tuy nhiên, thuốc dùng chỉ có khả năng hạn chế sự tàn phá của virus mà không có khả năng loại bỏ chúng hoàn toàn.

Người bị viêm gan B cần có ý thức giữ cho các tế bào gan được khoẻ mạnh qua việc giới hạn tối đa hoặc dũng cảm nói lời chia tay với rượu, bia. Các tế bào gan đã bị thương tổn sẽ rất nhạy cảm với rượu (dù một lượng nhỏ) so với những người bình thường.

Việc ăn uống là cách đơn giản nhất cũng góp phần làm khoẻ mạnh tế bào gan. Chế độ ăn cần quân bình chất bổ dưỡng và nhiều rau. Rau xanh có thể bảo vệ gan trước tác động của các hoá chất mạnh.

Hiệp hội ung thư Mỹ đã đưa ra một chế độ ăn ít mỡ, ít cholesterol và nhiều chất sợi. Bệnh nhân được khuyên không nên ăn các hải sản vỏ cứng vì khả năng ô nhiễm và có thể mang các loại vi khuẩn rất độc cho gan.

Người bị viêm gan B và viêm gan nói chung không được dùng thuốc một cách tuỳ tiện, bởi vì nhiều loại thuốc được lọc qua gan sẽ gây tổn hại cho những tế bào gan vốn đã mắc bệnh và yếu đuối. Ngoài ra còn tránh hít các loại hoá chất có nguy cơ gây độc cho gan như mùi sơn, keo và các hoá chất tẩy rửa khác.

Phương pháp phòng bệnh

Như đã nói ở trên, bệnh viêm gan B có thể phòng tránh được nhờ thực hiện an toàn trong tiêm truyền, quan hệ tình dục an toàn.

Tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm gan B đủ liều (3 mũi) hiện là phương pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất, ngày càng được nhiều người lựa chọn thực hiện. Sau đây là những điều cần biết để thực hiện việc tiêm phòng có hiệu quả nhất:

Tiêm phòng cho trẻ sơ sinh: Sau khi trẻ cất tiếng khóc chào đời, tiêm càng sớm càng tốt mà không cần làm bất cứ xét nghiệm gì, vì trẻ chưa bị nhiễm HBV- virus gây viêm gan siêu vi B (HBV: Hepatitis B virus).

Tiêm phòng cho trẻ lớn hơn và cho người lớn: Khả năng nhiễm HBV là khó tránh khỏi. Theo các nghiên cứu, có đến 20% đã bị nhiễm HBV trong nhóm đối tượng này. Cho nên, trước khi tiêm văc-xin cần phải làm các xét nghiệm HbsAg và antiHBs để biết đã từng bị nhiễm bệnh và được miễn dịch hay chưa. Nếu, HBsAg (-) và antiHBs (-) là chưa bị nhiễm bệnh và cũng chưa có miễn dịch. Nên cần phải tiêm ngừa.

HBsAg (-) và antiHBs (+) là đã nhiễm bệnh, nhưng khỏi hẳn và tạo được miễn dịch bảo vệ. Không cần tiêm ngừa nữa. Tốn tiền, lại… đau vô ích.

HBsAg (+) và antiHBs (-) là đang nhiễm bệnh, chưa tạo được miễn dịch. Người có kết quả xét nghiệm này không cần tiêm ngừa, vì không còn tác dụng nữa. Tùy theo biểu hiện cụ thể của người đó bác sĩ sẽ quyết định theo dõi thêm hay kê đơn điều trị ngay.

Lịch tiêm: Công thức thời gian 0-1-6, nghĩa là mũi tiêm thứ hai cách mũi thứ nhất 1 tháng và mũi thứ ba cách mũi thứ nhất 6 tháng. Đó là những khoảng thời gian cần thiết để cơ thể tạo miễn dịch ban đầu và nhắc lại bền vững.

Riêng ở trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm HBV mạn tính thì cần tiêm đến 4 mũi theo lịch 0-1-2-12, nghĩa là 3 mũi tiêm đầu tiên mũi này cách mũi kia đúng 1 tháng. Mũi thứ tư tiêm khi trẻ… thôi nôi (12 tháng). Nếu trẻ có mẹ đang mắc bệnh viêm gan siêu vi B thì cần tiêm ngay trong ngày đầu sau sinh là tốt nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đây là lần thứ hai NHNN hủy đấu thầu vàng miếng.

Tiếp tục huỷ phiên đấu thầu vàng

GD&TĐ - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa gửi đi thông báo hủy bỏ cuộc đấu thầu vàng miếng ngày 25/4 đến các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp.