Vì hiện nay, đối với bậc mầm non cách phát âm ba chữ cái trên là khác nhau, còn cấp tiểu học phát âm ba chữ cái trên đều giống nhau.
Về nội dung này, Bộ GD&ĐT cho biết: Hiện nay, việc dạy đọc và dạy viết trong môn Tiếng Việt cho học sinh tiểu học được thực hiện tại Chương trình giáo dục phổ thông ban hành theo Quyết định 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05/5/2006.
Theo đó, cách đọc (cách đánh vần) với các chữ cái “c, k, q” như sau: Đánh vần chữ c đọc là /cờ/, chữ k đọc là /ca/, chữ q đọc là /quờ/. Cách đọc này được áp dụng đại trà ở các trường tiểu học.
Để đảm bảo sự liên thông giữa giáo dục mầm non và tiểu học, Chương trình Giáo dục mầm non ban hành theo Thông tư 17/2009/TT-BGDĐT và Thông tư 28/2016/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Chương trình Giáo dục mầm non quy định cho học sinh mẫu giáo biết làm quen, nhận mặt chữ cái; làm quen với cách đọc và viết tiếng Việt.
Theo đó, cách đọc với các chữ cái “c, k, q” cũng là: đánh vần chữ c đọc là /cờ/, chữ k đọc là /ca/, chữ q đọc là /quờ/.
Ngoài ra, hiện nay, ở một số trường tiểu học đang tự nguyện áp dụng thí điểm dạy học theo tài liệu Tiếng Việt - công nghệ giáo dục cho học sinh lớp 1. Học theo tài liệu này, cách đọc với các chữ cái “c, k, q” đều đánh vần là /cờ/.
Về mặt khoa học ngôn ngữ và khoa học sư phạm cả hai cách đánh vần trên đều hướng tới mục tiêu cơ bản của tiểu học là đọc thông, viết thạo. Do vậy, các trường, các địa phương lựa chọn tài liệu nào sẽ hướng dẫn học sinh đánh vần theo cách tài liệu đó hướng dẫn.
Dù chọn cách nào cũng sẽ không ảnh hưởng đến kết quả học tập, sử dụng tiếng Việt của các em sau này vì thực tế việc phát âm này chỉ dừng ở giai đoạn đầu khi học sinh bắt đầu học chữ.