Cách phân biệt quy tắc với giới hạn và thói quen trong gia đình

GD&TĐ - Theo chuyên gia, cha mẹ cần phân biệt quy tắc với giới hạn và thói quen. Và chỉ khi để các quy tắc có hiệu quả nhất thì tất cả thành viên trong nhà thống nhất bởi nguyên tắc chung.

Khi nghĩ những việc nho nhỏ mỗi ngày là thành lập thói quen cho cả nhà thì ai nấy cũng thấy nhẹ nhàng hơn. Ảnh minh họa.
Khi nghĩ những việc nho nhỏ mỗi ngày là thành lập thói quen cho cả nhà thì ai nấy cũng thấy nhẹ nhàng hơn. Ảnh minh họa.

Trẻ con không được ý kiến

Theo ThS Trần Minh Hường – Chủ nhiệm bộ môn Tâm lý học (Học viện Sáng tạo Thanh thiếu niên), việc tạo ra luật lệ không phải để áp đặt trẻ nhỏ hành động theo ý bố mẹ. Mục đích là giúp cho mọi thành viên trong gia đình cư xử với nhau đúng mực, có trách nhiệm với bản thân và người khác.

Chính vì vậy, các quy tắc có hiệu quả nhất khi được tạo ra và thống nhất bởi tất cả thành viên trong nhà.

“Mỗi gia đình đều có những nền nếp, cách sống riêng. Tuy nhiên, có khá nhiều gia đình quá khắt khe như “trẻ em không được ý kiến” và luôn áp đặt mệnh lệnh cũng như không tôn trọng cảm xúc của trẻ. Ngược lại có những gia đình lại quá lỏng lẻo khiến trẻ “nhờn”… Vì thế, việc này tưởng như đơn giản nhưng không hề dễ dàng” – cô Hường nói.

Cũng theo Chủ nhiệm bộ môn Tâm lý học, mục đích cuối cùng của việc xây dựng nền nếp, quy tắc trong gia đình là các thành viên sẽ có thói quen tốt. Từ đó, con cái được phát triển lành mạnh, trở thành người có ích cho xã hội. Vì vậy, việc thực hiện quy tắc trong gia đình nên có sự linh hoạt, nghiêm túc nhưng vẫn cần mềm mại.

Khi xây dựng nền nếp, quy tắc thì cả người lớn và trẻ em đều nên thực hiện nghiêm túc. Cha mẹ cũng nên tham khảo ý kiến của trẻ khi thiết lập quy tắc trong gia đình. Bởi những “điều lệ” này đều có ảnh hưởng tới con. Và mục đích của người lớn khi đưa ra quy định là mong muốn các thành viên đều thực hiện theo, trong đó có trẻ. Vì vậy, khi được nêu ý kiến cho những quy định đó, trẻ sẽ tôn trọng và dễ nghe theo hơn.

Trên thực tế, nhiều trẻ cảm thấy bức bối vì người lớn chỉ đưa ra ý kiến và con “cứ thế mà làm”. Không phải ở độ tuổi nào trẻ cũng dễ bảo và nói gì nghe nấy. Nhất là trong giai đoạn dậy thì, trẻ thường mong muốn được lắng nghe và bày tỏ quan điểm riêng. Nếu cứ cứng nhắc ép trẻ “miễn bàn luận” sẽ có những tác dụng ngược.

Cũng theo cô Hường, ngược lại, con cái nên chấp nhận quyết định của cha mẹ với lòng tôn trọng. Điều này rất quan trọng, nhưng thường bị bỏ qua. Nếu bạn không được như ý và bắt đầu tranh cãi với cha mẹ thì lần tới sẽ càng khó cho chính mình. Ngược lại, nếu bạn sẵn lòng vâng lời, có lẽ cha mẹ sẽ dễ nới lỏng một số quy tắc để phù hợp hơn cho bạn.

Quy tắc dễ nhầm với thói quen

Khi được hỏi về quy tắc nhất định, nhiều người cho rằng, điều này dễ bị nhầm lẫn với giới hạn và thói quen. Giới hạn phải hết sức cụ thể và chính xác khi hướng dẫn trẻ. Đó là kim chỉ nam cho các quyết định hành động của con.

Cô Phan Minh Thùy – Cố vấn chuyên môn Trung tâm Rèn luyện Kỹ năng Việt - cho rằng: “Thiết lập các giới hạn là cách mình vẫn thường làm để đảm bảo bọn trẻ có được sự an toàn thể chất và tinh thần. Mình lấy sự an toàn làm kim chỉ nam cho tất cả những giới hạn mà mình thiết lập cùng bọn trẻ. Ví dụ như “Dao là để cắt”, “Bút là để vẽ lên giấy”, “Tránh xa khỏi bếp nóng”, “Luôn đi trên vỉa hè”, “Nếu bị lạc hãy đứng im tại chỗ, bố mẹ sẽ tìm con”, “Người lạ phải tránh xa”…

Cô Thùy cũng nhấn mạnh, thiết lập giới hạn chính là như vậy. Khi thường xuyên nói với bọn trẻ “Bút là để vẽ lên giấy”. Giới hạn “giấy” cho phép bọn trẻ được vẽ trên mọi loại giấy: Giấy báo, giấy vở, giấy dán trên tường nếu trẻ muốn có không gian vẽ rộng, giấy ăn, giấy nhớ… Từ đó, bọn trẻ hiếm khi vẽ trên những chất liệu khác. Nếu chẳng may trẻ vẽ trên tường, người lớn sẽ nhắc lại “Bút là để vẽ lên giấy” để trẻ quay về đúng giới hạn.

Cô Thùy cho biết thêm, quy tắc gia đình đôi khi cũng dễ nhầm lẫn với thói quen. Đi ngủ lúc 9 giờ, ăn cơm trên bàn ăn, cất dọn đồ sau khi chơi, phân loại rác, đọc sách mỗi ngày… Đó đều là những thói quen mà cha mẹ rèn cho con cái chứ không nên là quy tắc mang tính nặng nề.

Thói quen chính là những hoạt động lặp đi lặp lại hàng ngày của cả gia đình. Các thói quen thì có sự điều chỉnh theo sự phát triển của con và sự thay đổi của bố mẹ, môi trường trong gia đình. Thói quen là những điều cả nhà làm cùng nhau hằng ngày, bố mẹ có thói quen ra sao thì con sẽ có thói quen như vậy.

Còn quy tắc giống như khung luật pháp vậy. Nó được áp đặt xuống và không được phép vi phạm. Chúng ta có các quy định ở nơi làm, nơi công cộng. Các quy định này chúng ta chấp nhận nó như vậy dù đồng tình hay không. Mọi người ai cũng rón rén đừng để vi phạm vào quy định nào. Bởi chúng ta đều hiểu rằng nếu dính phải thì sẽ bị phạt.

Bên cạnh đó, khi nghĩ những việc nho nhỏ mỗi ngày là thành lập thói quen cho cả nhà thì ai nấy cũng thấy nhẹ nhàng hơn.

Thói quen không như quy định cần phải tuân thủ ngay. Nó được thành lập hằng ngày, mỗi ngày một ít và cần rất nhiều thời gian. Nếu hôm nay con chưa làm ngay thì cũng không làm cha mẹ khó chịu. Người lớn cũng không thấy bản thân phải có trách nhiệm tuyên dương khen thưởng mỗi lần con làm được. Bởi vì cái mà con đang rèn luyện là thói quen, và thói quen tốt chính là phần thưởng cuối cùng của cả người lớn và trẻ.

“Thói quen thì có thể thoải mái điều chỉnh để phù hợp với môi trường và sự phát triển của các con. Nếu hôm nay sang nhà bạn bọn trẻ đang xem hoạt hình trên tivi, cha mẹ không cần cứng nhắc là cấm không cho con xem. Dù sao một ngày khác với mọi ngày sẽ không phá hỏng thói quen tốt được. Điều này không giống như quy định, khi bị phá vỡ rất đáng lo ngại và cần tìm cách bọc lỗ hổng ngay lập tức” - cô Phan Minh Thùy nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ