(GD&TĐ) - Năm học 2012-2013, bên cạnh những kết quả đạt được trong côgn tác quản lý, dạy - học... Giáo dục Hà Nội đã triển khai, nhân rộng thành công mô hình trường học mới và triển khai thí điểm phương pháp "Bàn tay nặn bột".
Triển khai mô hình trường học mới – VNEN
Năm học 2012 - 2013, Hà Nội có một trường được tham gia Dự án mô hình trường học mới – VNEN, Trường Tiểu học Tả Thanh Oai (Thanh Trì). Trường có 29 lớp, với 1.215 học sinh; giáo viên đủ theo định mức 1,5 GV/lớp. Trường bố trí 4 lớp học thử nghiệm theo mô hình trường học mới, gồm: 2 lớp khối 2 với 71 học sinh và 2 lớp khối 3 với 82 học sinh.
Để triển khai tốt mô hình trường học mới, Ban giám hiệu nhà trường đã tổ chức tuyên truyền và giới thiệu mô hình VNEN tới lãnh đạo các cấp của địa phương, giáo viên trong toàn trường và cha mẹ học sinh các lớp tham gia thí điểm. Chính vì vậy, nhà trường đã nhận được sự đồng thuận, quan tâm của HĐND, UBND huyện và UBND xã, sự ủng hộ và nhiệt tình của cha mẹ học sinh nói chung và đặc biệt là phụ huynh có con học ở các lớp tham gia Dự án nên đã tạo điều kiện thuận lợi để nhà trường triển khai mô hình.
Nhà trường thành lập Ban chỉ đạo và xây dựng kế hoạch triển khai mô hình trường học mới cụ thể cho từng tháng và cả năm học. Tập trung chỉ đạo đổi mới hoạt động sư phạm với phương châm: chuyển đổi từ dạy học truyền thụ của giáo viên sang tổ chức hoạt động tự quản, tự học của học sinh dưới sự hướng dẫn của thầy, cô giáo.
Công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên được các cấp quản lí và nhà trường đặc biệt quan tâm và coi đây là một trong những khâu quan trọng quyết định đến chất lượng và sự thành công của các lớp tham gia Dự án. Ngoài việc tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn, các đồng chí giáo viên đã tích cực chủ động trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp, tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của các đồng chí trong Ban giám hiệu nhà trường, tăng cường tự học, tự bồi dưỡng, tự làm đồ dùng dạy học để đáp ứng các yêu cầu của mô hình trường học mới.
Học sinh tự tin, giáo viên thêm linh hoạt, uyển chuyển
Có thể nói, ở mô hình trường học mới-VNEN ta thấy có sự hội tụ, giao thoa của giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình và giáo dục của cộng đồng, xã hội, tạo nên môi trường giáo dục thân thiện và hiệu quả, góp phần tích cực nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. |
Dù mới chỉ sau một năm học triển khai mô hình trường học mới - VNEN nhưng nhà trường đã nhận được sự sự đồng tình hưởng ứng và đánh giá cao về kết quả đạt được của các cấp lãnh đạo địa phương, các cán bộ quản lí giáo dục, các thầy giáo cô giáo và phụ huynh học sinh. Cụ thể là:
Đối với học sinh: thông qua Hội đồng tự quản, các em đã phát huy tốt khả năng điều hành, tổ chức các hoạt động của lớp, của tổ, nhóm. Trong quá trình tham gia các hoạt động học tập và giáo dục, các em học sinh đã có nhiều cơ hội để bộc lộ và phát triển năng lực, nhất là năng lực tự quản, tự học với tinh thần tích cực, chủ động, sáng tạo và tự tin. Đây chính là điểm mới, thể hiện tính ưu việt, sự vượt trội của mô hình trường học mới tại Việt Nam - VNEN.
Cùng với khả năng độc lập suy nghĩ, mạnh dạn bộc lộ ý kiến của chính mình, các em đã biết chia sẻ, hợp tác, trao đổi, tranh luận, biết tự đánh giá bản thân và đánh giá các bạn trong tổ nhóm, lớp. Nhiều em học sinh đã thể hiện được khả năng của mình khi điều khiển và có thể hướng dẫn các bạn khác học, thay cho việc thụ động tuân thủ theo sự giảng giải hướng dẫn của thầy cô giáo như trước đây.
Các em mạnh dạn, tự tin, linh hoạt hơn trong học tập và các hoạt động giáo dục để tự phát hiện và chiếm lĩnh kiến thức mới. Được học tập, hoạt động và trải nghiệm theo mô hình trường học mới VNEN, các em học sinh đã có những tiến bộ rõ rệt, những phẩm chất và năng lực cần thiết đã được hình thành, phát triển, tạo cho các em niềm tin, ý chí và phương pháp tự học, tự nghiên cứu.
Đối với giáo viên: tham gia thử nghiệm mô hình VNEN, giáo viên phải nghiên cứu kĩ Tài liệu học tập để điều chỉnh một số hoạt động cho phù hợp với đối tượng học sinh; cùng học sinh và cha mẹ học sinh làm đồ dùng dạy học, tạo điều kiện thuận lợi để các em học tập đạt kết quả tốt.
Thông qua việc hướng dẫn sử dụng, nghiên cứu Tài liệu học tập và định hướng tổ chức các hoạt động học tập cho học sinh, giáo viên đã khắc phục được lối thuyết giảng, biểu diễn, thao tác mẫu, làm thay và áp đặt đối với học sinh. Thay vào đó là sự linh hoạt, uyển chuyển trong việc quan sát, theo dõi, giúp đỡ các nhóm làm việc; theo dõi tiến độ hoàn thành các bài tập, bài học của cá nhân và của các nhóm học sinh.
Để giúp học sinh hoàn thành tốt mục tiêu bài học, đáp ứng được các băn khoăn thắc mắc của HS một cách thỏa đáng theo cách học VNEN, các đồng chí giáo viên đã tự vươn lên để hoàn thiện mình, tự học, tự bồi dưỡng, tích cực học hỏi, trao đổi chuyên môn cùng các đồng nghiệp.
Thực tế cho thấy sau một năm tham gia thử nghiệm, các đồng chí cán bộ quản lí và nhất là giáo viên trực tiếp giảng dạy các lớp VNEN của trường Tiểu học Tả Thanh Oai đã có những trải nghiệm quý báu, vững vàng, trưởng thành trong chuyên môn, đặc biệt là đổi mới phương pháp trong hoạt động dạy học. Đây chính là cơ hội để giáo viên phát huy tối đa tính chủ động, tích cực, sáng tạo của học sinh và hướng các hoạt động dạy học, hoạt động giáo dục vào người học theo đúng nghĩa của khái niệm này.
Đối với cha mẹ học sinh: khác với tâm lí đầu năm học, đến nay, những phụ huynh có con em học ở các lớp VNEN đã thật sự an tâm, phấn khởi và tin tưởng vào kết quả học tập, rèn luyện của con em mình. Cha mẹ học sinh đã có sự gắn kết, phối hợp chặt chẽ với giáo viên chủ nhiệm, với các thầy cô giáo và nhà trường trong việc giáo dục, giúp đỡ các em.
Hàng ngày, hàng tuần, phụ huynh biết được con mình đang học gì, học như thế nào, kết quả ra sao để kịp thời động viên, giúp đỡ các cháu nhiều hơn trong việc liên hệ, ứng dụng kiến thức đã và đang học vào cuộc sống. Cha mẹ học sinh đã vào cuộc như “những giáo viên thực hành” ở nhà của con em mình.
Nhân rộng mô hình
Từ thực tế của Trường Tiểu học Tả Thanh Oai, nhằm phát huy tốt kết quả triển khai mô hình trường học mới-VNEN, Sở GD-ĐT Hà Nội chủ trương nhân rộng mô hình trong năm học 2013 - 2014.
Để việc nhân rộng mô hình trường học mới đạt kết quả tốt, Sở GD-ĐT Hà Nội đã tổ chức Hội thảo giới thiệu mô hình tới các Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo của 29 quận, huyện, thị xã. Hội thảo tập trung vào một số nội chính như: Đề mô mô hình trường học mới; những ưu điểm vượt trội, những thuận lợi, khó khăn khi triển khai mô hình trường học mới.
Sau khi quán triệt tinh thần chỉ đạo của Sở GD-ĐT và tổ chức Hội thảo về mô hình trường học mới, các phòng giáo dục đã căn cứ điều kiện thực tế và sự tự nguyện của các nhà trường để đăng kí triển khai nhân rộng trong năm học 2013-2014. Hiện nay thành phố Hà Nội đã có thêm 50 trường tiểu học đăng kí tham gia với 96 lớp 2 và 90 lớp 3.
Triển khai thí điểm phương pháp dạy học “Bàn tay nặn bột”
Được học theo PPBTNB, các em học sinh đã thực sự có hứng thú trong học tập, say mê với việc tìm tòi, khám phá thế giới xung quanh. |
Năm học 2012-2013 là năm học thứ 2 Hà Nội triển khai thí điểm phương pháp “Bàn tay nặn bột” tại 30 trường tiểu học, gồm 60 lớp và hơn 2.000 học sinh thuộc 15 quận huyện. Mỗi Phòng GD&ĐT chọn 2 trường, mỗi trường chọn 2 lớp tham gia triển khai thí điểm dạy học theo PPBTNB.
Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các phòng giáo dục, các nhà trường xây dựng kế hoạch, cung cấp đủ tài liệu bồi dưỡng cho giáo viên và triển khai thực hiện nghiêm túc, định kì báo cáo kết quả về Sở GD-ĐT
Để chỉ đạo và triển khai hiệu quả phương pháp “Bàn tay nặn bột” (PPBTNB) tại các trường tham gia thử nghiệm, Sở GD-ĐT Hà Nội đã đổi mới công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên trong hè và cả trong năm học.
Cùng với việc tổ chức tốt các lớp tập huấn, trong năm học vừa qua, Sở GD-ĐT đã tổ chức được 4 chuyên đề với sự tham dự của gần 200 cán bộ quản lý và giáo viên; chỉ đạo các phòng GD&ĐT tổ chức được 30 chuyên đề cho 100% CBQL và giáo viên cốt cán trên địa bàn tham dự.
Mỗi đơn vị trường tổ chức ít nhất 2 tiết chuyên đề về PPBTNB cho toàn thể cán bộ, giáo viên dự sau đó Hội thảo trao đổi rút kinh nghiệm, thống nhất nội dung và phương pháp dạy học sao cho phù hợp với từng đối tượng học sinh và từng loại bài; mỗi bài dạy, giáo viên cần xác định rõ các hoạt động; mỗi hoạt động cần phân định rõ vai trò của thầy cô giáo, và nhiệm vụ của các em học sinh.
Trong đó hoạt động của trò là trọng tâm, trò là người chủ động đưa ra các câu hỏi đề xuất, dự kiến các câu trả lời và chủ động thực hành thí nghiệm để tìm ra kiến thức, giáo viên đóng vai trò tổ chức, người hướng.
Sau 2 năm triển khai thực hiện dạy học theo PPBTNB, các nhà trường, cán bộ quản lí, các thầy giáo, cô giáo đều có chung nhận định: “Bàn tay nặn bột” là phương pháp dạy học tích cực dựa trên thí nghiệm, nghiên cứu, áp dụng cho việc tổ chức dạy một số bài trong môn Tự nhiên-Xã hội lớp 1, 2, 3 và môn Khoa học lớp 4 & 5.
Phương pháp này chú trọng đến việc hình thành kiến thức cho học sinh bằng các trải nghiệm, thực hành nghiên cứu giúp học sinh tự tìm tòi khám phá để chính các em tìm ra câu trả lời cho các vấn đề đặt ra trong mỗi bài học và cuộc sống thông qua các thí nghiệm, quan sát, nghiên cứu tài liệu hay điều tra, kiểm chứng, trao đổi thảo luận…
Mục tiêu của PPBTNB là tạo được sự ham muốn khám phá, yêu thích và say mê tìm hiểu, nghiên cứu khoa học cho học sinh, đồng thời, rèn luyện cho các em kỹ năng diễn đạt một cách logic, khoa học thông qua ngôn ngữ nói và viết.
Được học theo PPBTNB, các em học sinh đã thực sự có hứng thú trong học tập, say mê với việc tìm tòi, khám phá thế giới xung quanh. Từ việc đặt vấn đề, định hướng mục tiêu, nội dung bài học của thầy cô giáo, các em đã chủ động ghi lại những suy nghĩ, những dự đoán, cách giải thích và các đề xuất thí nghiệm.
Các em được hợp tác, trao đổi cùng các bạn trong nhóm và mạnh dạn nêu lên những băn khăn, thắc mắc, những câu hỏi của riêng mình. Qua việc trực tiếp tham gia thực hành thí nghiệm, các em học sinh có cơ hội rèn luyện, phát triển tư duy khoa học, tư duy ngôn ngữ và tiếp thu kiến thức một cách chủ động, tích cực.
Có thể nói PPBTNB đã mang lại cho các nhà trường và giáo viên một cách nhìn mới, cách làm mới trong việc tổ chức các hoạt động dạy và học, giúp các em học sinh có điều kiện, cơ hội phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo và thực sự được làm chủ trong các hoạt động học tập và giáo dục trong nhà trường với vai trò trung tâm.
Hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật của học sinh cấp Trung học
Ban chỉ đạo cuộc thi, lãnh đạo Sở GD-ĐT và các phòng ban chỉ đạo sát sao các hoạt động của cuộc thi. Ngay từ đầu năm học, Sở đã ban hành kế hoạch của cuộc thi trong đó hướng dẫn chi tiết, rõ ràng về mục đích, yêu cầu, quy chế, thể lệ cuộc thi, các mốc thời gian cụ thể cho các hoạt động, tổ chức phát động và phổ biến quy chế, thể lệ cuộc thi đến các trường THPT để triển khai tới các em học sinh. Vận động các cá nhân, tập thể tài trợ kinh phí cho học sinh nghiên cứu đề tài.
Thành lập Hội đồng tư vấn gồm các nhà khoa học trong các lĩnh vực nghiên cứu tham gia tập huấn về tiêu chí của cuộc thi, tiêu chí làm việc của nhà tư vấn khoa học, Hội đồng tư vấn đi tới các cụm trường nghe tác giả các đề tài báo cáo, tư vấn cho giáo viên, học sinh trong quá trình nghiên cứu và tổ chức cuộc thi cấp cụm trường.
Cuộc thi cấp thành phố: có 55 đề tài của 33 trường THPT thuộc 11 lĩnh vực, trong đó nhiều nhất là lĩnh vực Khoa học môi trường (11 đề tài); Vật liệu và công nghệ sinh học (7 đề tài); Vật lý và thiên văn (6 đề tài).
Trong cuộc thi cấp thành phố có 8 trường THPT được khen thưởng là đơn vị có thành tích xuất sắc trong cuộc thi. Giải cá nhân: 6 giải Nhất các lĩnh vực. Ban tổ chức chọn 14 đề tài dự thi cấp quốc gia, kết quả: đạt giải lĩnh vực gồm 4 giải Nhất, 6 giải Nhì, 2 giải Ba và 2 giải KK; giải toàn cuộc gồm 2 giải Nhất, 3 giải Nhì, 4 giải Ba và 1 giải KK.
4 trong tổng số 5 đề tài của Việt Nam tham dự, trong đó đề tài Nghiên cứu khả năng lọc vi khuẩn trong nước của màng vỏ trứng gà của học sinh trường THPT Hà Nội - Amsterdam đã đạt giải Tư chung cuộc.
Nguyễn Hữu Độ
(Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội)