Lúc này, việc dành thời gian quan sát con, trò chuyện cùng con là điều cần thiết để Bố Mẹ có thể hiểu thêm về con mình, đặc biệt là ở khía cạnh tài năng thiên bẩm của bé, giúp bé phát huy tài năng của mình và phát triển một cách toàn diện hơn.
Đừng lãng phí tài năng của trẻ!
Khi xem con chơi đùa cùng bạn bè đồng trang lứa hay tự do làm điều các bé yêu thích, say mê, nhiều mẹ đã giật mình nhận ra rằng mình đã chưa thực sự hiểu hết về trẻ. Bé còn rất nhiều tiềm năng, tố chất để phát huy và không ai khác, chính cha mẹ sẽ là người giúp con phát triển, nâng bước con vào đời. Đó là những điều mà đoạn phim nói về “Một thử nghiệm chứng minh bé thông minh hơn bạn nghĩ” đã truyền tải.
Xem phim, nhiều mẹ đã chia sẻ như bắt gặp hình ảnh của chính gia đình mình trong đó và vô cùng xúc động khi nghe những câu nói hồn nhiên nhưng đầy khát khao của các bé: "Con học võ để lớn lên làm công an, con sẽ bảo vệ mọi người, bảo vệ Mẹ”, “Con rất giỏi chơi lego, con xây tòa lâu đài này dành cho Mẹ”,…bởi từ trước đến nay, các mẹ chỉ đặt kì vọng ở con học giỏi toán hay văn, mà vô tình quên đi những ước mơ đáng yêu này.
Mong ước con mình nổi bật trong trường lớp hay học giỏi tất cả các môn học là mong ước chung và rất chính đáng của các bậc cha mẹ. Thế nhưng, đặt những quan niệm ấy sang một bên để thật sự lắng nghe con, các bậc phụ huynh đã tìm thấy niềm tự hào về con cái mang tên tố chất thiên bẩm như: hát múa, vẽ, chơi lắp ráp, thể thao,…
Tâm lý hướng đến chuẩn an toàn
Có một thực trạng đang diễn ra là mặc dù dần nhận ra rằng, học giỏi toán, làm tính nhanh… không phải là tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá năng lực của con nhưng các bậc phụ huynh vẫn cố hướng bé học thật tốt những môn này vì lo ngại trẻ sẽ không đạt thứ hạng cao ở trường và tụt lại đằng sau bạn bè đồng trang lứa. Tâm lý hướng đến chuẩn an toàn theo số đông và mặt bằng chung xã hội cũng khiến các phụ huynh vô tình dễ bỏ qua những mặt mạnh khác của con.
Theo thuyết Trí thông minh đa diện do Tiến sĩ Thomas Armstrong, Giám Đốc Viện nghiên cứu tiềm năng con người Hoa Kỳ phát triển và đã được công nhận rộng rãi tại các nước phát triển trên thế giới, con người không chỉ sở hữu một loại trí thông minh mà còn rất nhiều tài năng khác như: thông minh ngôn ngữ, logic-toán học, không gian-thị giác, âm nhạc-nhịp điệu-tiết tấu, vận động cơ thể, tương tác-xã hội, nhận thức bản thân và trí thông minh tự nhiên. Điều cốt lõi của học thuyết này là đằng sau mỗi loại thông minh, mỗi trẻ sẽ có cách thức học hỏi, tiếp nhận kiến thức, mở mang trí tuệ khác nhau. Khi các bé được định hướng và phát huy trí thông minh mình sở hữu sẽ đồng thời tạo nền tảng để những trí thông minh khác phát triển theo. Đây chính là chìa khóa cho vấn đề để các bậc phụ huynh vừa giúp khơi dậy năng khiếu của con vừa giúp bé phát triển toàn diện.
Mỗi con người là một cá thể khác biệt với những tài năng riêng cần được bồi dưỡng. Nếu Bố Mẹ hiểu được điều này và ủng hộ con phát triển đúng thiên hướng của mình, việc học tập, phát triển của trẻ sẽ trở nên dễ dàng hơn, tài năng của trẻ cũng sẽ không bị lãng phí. Các bé chắc chắn sẽ luôn chủ động ham thích, khám phá tìm tòi bằng chính say mê, hứng thú của mình.