Hàng nghìn điểm giao cắt đường bộ - đường sắt tiềm ẩn TNGT
Ghi nhận của PV Báo Giao thông những ngày đầu tháng 10/2019 tại Km 77+160 tuyến đường sắt Bắc - Nam là lối đi tự mở từ xã Hiển Khánh, huyện Vụ Bản (tỉnh Nam Định) ra QL1, lưu lượng phương tiện rất đông đúc. Tuy nhiên, bên trái lối đi hướng từ đường xã ra QL1 lại bị che khuất tầm nhìn bởi nhà xưởng san sát. Bề mặt giao cắt đường bộ - đường sắt tại đây cũng không êm thuận, chỉ đổ đá lổn nhổn. Vì vậy, nơi đây thường xuyên tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT đường sắt.
Còn tại đường ngang biển báo Km 101+290 (đường vào xã Tam Thanh, huyện Vụ Bản), phần đường bộ trước khi vào đường ngang đã có gồ giảm tốc, lại có cả khung sắt chắn ngang để giới hạn phương tiện giao thông tải trọng lớn đi qua. Tuy vậy, tại vị trí này vẫn thường xuyên xảy ra TNGT đường sắt. Nguyên nhân do đường ngang này có độ dốc cao, hai bên tầm nhìn bị che khuất bởi công trình nhà dân và cây cối.
Ông Hoàng Minh Mẫn, Phó trưởng phòng Kĩ thuật an toàn, Công ty CP Đường sắt Hà Ninh cho biết, đây là vị trí giao cắt rất nguy hiểm, năm nào cũng xảy ra tai nạn chết người. Chỉ tính từ đầu năm đến nay đã xảy ra 2 vụ tai nạn đường sắt.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Võ Thanh Hiền, Phó trưởng phòng Kết cấu hạ tầng giao thông, Cục Đường sắt VN cho biết, điểm đen và điểm tiềm ẩn TNGT là thực trạng nhức nhối trên toàn mạng lưới đường sắt. Nếu phân loại theo Nghị định 65/2018, hiện còn tồn tại tới hơn 1.890 vị trí giao cắt đường bộ - đường sắt là điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT đường sắt, bao gồm cả lối đi tự mở và đường ngang.
Quy rõ trách nhiệm
Nghị định 65 quy định, các tỉnh phải xây dựng kế hoạch, lộ trình quản lý, giảm, xóa bỏ các lối đi tự mở và lập hồ sơ chi tiết quản lý, theo dõi vị trí nguy hiểm đối với ATGT đường sắt. Địa phương cũng có trách nhiệm tổ chức cảnh giới, chốt gác tại các vị trí nguy hiểm có nguy cơ gây tai nạn cao; Tổ chức giao thông tại các vị trí này nhằm hạn chế các phương tiện giao thông đường bộ qua lại...
Ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt VN cho biết, trách nhiệm quản điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT đường sắt thuộc về nhiều bên liên quan. Lý do ở đây bao gồm cả đường ngang, lối đi tự mở và cả hành lang. Nghị định 65 cũng quy định rõ trách nhiệm của từng chủ thể: UBND các cấp có đường sắt đi qua, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, các cơ quan quản lý Nhà nước.
Đặc biệt, Luật Đường sắt 2017 và các văn bản dưới Luật quy định rất cụ thể trách nhiệm của UBND các cấp phải thực hiện các biện pháp nhằm khắc phục ngay các điểm đen TNGT đường sắt để không xảy ra hoặc giảm thiểu TNGT đường sắt tại các vị trí này. Đồng thời, tổ chức thực hiện giảm, xóa bỏ những vị trí nguy hiểm đối với ATGT đường sắt.
“Tuy nhiên, đến nay rất nhiều tỉnh, thành chưa thực hiện”, ông Khôi nói và cho biết, nguyên nhân là do địa phương chưa nhận thức rõ cũng như chưa tích cực thực thi vai trò, trách nhiệm theo Luật. Mặt khác, nhiều địa phương viện lý do không có kinh phí.
Ông Nguyễn Bôn, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Đồng Nai chia sẻ, Luật Đường sắt và Nghị định 65 đã quy định rõ trách nhiệm của địa phương. Nhận thức được điều đó, những năm qua, Đồng Nai phối hợp chặt với đơn vị đường sắt rà soát, thống kê, lập danh sách các vị trí nguy hiểm và các vị trí cần ưu tiên để đề xuất biện pháp xử lý. Về kinh phí, tỉnh huy động vốn từ nhiều nguồn, kể cả theo hình thức “nhà nước và nhân dân cùng làm” như: Tỉnh bỏ kinh phí để làm hàng rào; huyện bỏ kinh phí làm đường gom như thuê máy móc, nhân công, vật liệu; người dân tự nguyện “cắt” phần đất chồng lấn hành lang ATGT đường sắt để làm đường gom.
“Với cách làm này, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã xóa bỏ hơn 50/66 lối đi tự mở; hoàn thành hơn 6km đường gom, đồng thời lắp đặt hơn 11,7km hàng rào tôn lượn sóng bảo vệ hành lang đường sắt. Vì vậy, điểm đen TNGT trên địa bàn Đồng Nai gần như bị loại bỏ”, ông Bôn nói.
Ông Đinh Xuân Hùng, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Nam Định cho biết, tỉnh xác định các giải pháp ưu tiên làm đường gom, không để phát sinh lối đi tự mở trên địa bàn. Đặc biệt, Nam Định đã thu hẹp 37/45 lối đi tự mở; rào đóng xóa bỏ 19 lối đi tự mở nguy hiểm trên địa bàn; duy trì cảnh giới, chốt gác ATGT đường sắt tại 11 vị trí giao cắt nguy hiểm. Riêng về xử lý điểm đen, ông Hùng cho biết, Nam Định huy động nhiều nguồn để giải phóng mặt bằng, trong đó có cả nguồn từ Quỹ Bảo trì đường bộ hoặc nguồn xử phạt hành chính vi phạm ATGT. “Thời gian tới, Nam Định sẽ tiếp tục thu thập thông tin, dữ liệu về các điểm đen đường sắt trên địa bàn để có biện pháp xử lý dứt điểm”, ông Hùng nói.