Bộ GD&ĐT giao trường sư phạm mở mã ngành đào tạo giáo viên các môn học mới theo Chương trình GDPT 2018: Tin học và Công nghệ (cấp tiểu học); Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý (cấp THCS). Hiện tại, nhiều trường đã triển khai để bổ sung nguồn tuyển dụng cho các địa phương.
Khóa sinh viên tốt nghiệp đầu tiên
Trường ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội là cơ sở đào tạo giáo viên đầu tiên trong cả nước nghiên cứu, thiết kế và mở chương trình đào tạo giáo viên cấp THCS cho các môn mới trong Chương trình GDPT 2018. Theo đó, nhà trường tuyển sinh ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên năm 2019, Sư phạm Lịch sử và Địa lí năm 2020. Năm nay, lứa sinh viên tốt nghiệp ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên đầu tiên sẽ ra trường.
Theo PGS.TS Nguyễn Chí Thành, Chủ nhiệm khoa Sư phạm, Trường ĐH Giáo dục triển khai mô hình TPACK trong đào tạo giáo viên theo hướng tích hợp sử dụng công nghệ với cơ sở vật chất, phương pháp sư phạm hiện đại, kiến thức chuyên môn trong đào tạo. Vào khoảng tháng 5 hàng năm, kế hoạch tuyển sinh với các thông tin chi tiết, cụ thể được thông báo trên websites của nhà trường.
Để tuyển chọn được sinh viên có đam mê, nhiệt huyết, năng lực phù hợp trở thành giáo viên tương lai, nhà trường tuyển sinh theo các nhóm ngành. Trong đó, nhóm GD1 cho các ngành: Sư phạm Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học cấp THPT; Khoa học tự nhiên cấp THCS. Nhóm ngành GD2 cho các ngành: Sư phạm Ngữ văn, Lịch sử cấp THCS; Lịch sử và Địa lý cấp THCS.
Sau hai học kỳ chính của năm thứ nhất, trường sẽ xét phân ngành cho sinh viên nhóm ngành GD1, GD2, GD3 dựa trên các căn cứ là điều kiện được phân ngành (học đủ số học phần theo kế hoạch học tập của trường; nguyện vọng vào cuối học kỳ 2 năm thứ nhất của sinh viên - sau khi có điểm các môn năm thứ nhất).
Kết quả cuối cùng được tính dựa trên điểm xét phân ngành theo công thức công bố ngay từ đầu dựa trên tiêu chí nguyện vọng, kết quả học tập các môn liên quan, đặc biệt là môn học chuyên môn mà sinh viên sẽ dạy trong tương lai. Thực tế triển khai cho thấy đây là phương thức hiện đại, đánh giá được năng lực thực tế của sinh viên, không chỉ dựa vào nguyện vọng hay kết quả học tập phổ thông để phân ngành.
Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng bắt đầu tuyển sinh, đào tạo các ngành học theo Chương trình GDPT 2018 từ năm 2020 với 5 ngành Sư phạm: Khoa học Tự nhiên, Lịch sử - Địa lý, Tin học và Công nghệ Tiểu học, Công nghệ và Giáo dục Công dân.
Theo ThS Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Công tác sinh viên, năm đầu tuyển sinh, thí sinh chưa đăng kí nhiều do các em và gia đình thiếu hiểu biết về ngành học mới, cũng như ở bậc phổ thông chưa có các môn học này. Nhưng đến nay, các ngành đào tạo giáo viên theo Chương trình GDPT 2018 của trường dần ổn định và tuyển sinh rất tốt. Cơ bản sử dụng hết chỉ tiêu mà Bộ GD&ĐT giao hàng năm với 1 - 2 lớp được mở mỗi ngành. Năm 2024, sẽ có khóa sinh viên đầu tiên tốt nghiệp và dạy đúng chuyên ngành đào tạo.
“Năm 2023, dù vẫn đang chờ được duyệt chỉ tiêu cuối cùng trên cơ sở nhu cầu xã hội và thống kê của các địa phương, tuy nhiên nhà trường đã chủ động tăng cường đội ngũ, cơ sở vật chất để đáp ứng công tác đào tạo khi được giao chỉ tiêu.
Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng là 1 trong 7 trường sư phạm chủ chốt nên được Bộ GD&ĐT tin tưởng giao nhiều chỉ tiêu trong các năm qua và trường cũng tuyển đủ sinh viên với chất lượng đầu vào khá tốt. Chúng tôi hy vọng khóa sinh viên tốt nghiệp tới đây sẽ được các địa phương đón nhận và bố trí công tác phù hợp với chuyên môn đào tạo”, ThS Nguyễn Vinh San chia sẻ.
Ảnh minh họa INT. |
Thúc đẩy ngành học mới
Trên thực tế, bên cạnh những thuận lợi, việc triển khai đào tạo các ngành học mới đáp ứng nhu cầu đội ngũ theo Chương trình GDPT 2018 còn khó khăn, nhất là những năm đầu triển khai. Theo ThS Nguyễn Vinh San, bên cạnh việc xã hội, phụ huynh, thí sinh chưa có hiểu biết về các ngành học mới thì khó khăn còn ở ngành học mới đòi hỏi cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, nguồn lực tài chính cao hơn.
Muốn thúc đẩy sự phát triển, ThS Nguyễn Vinh San cho rằng, Bộ GD&ĐT cần đầu tư nhiều hơn về cơ sở vật chất cho các trường sư phạm, phối hợp tốt với địa phương nhằm xác định đúng nhu cầu giáo viên các môn học mới trong tương lai. Các địa phương ưu tiên bố trí giáo viên tham gia giảng dạy đúng chuyên ngành đào tạo. Các trường sư phạm cần tổng kết đánh giá và cải tiến chương trình đào tạo sau khi có khóa sinh viên tốt nghiệp đầu tiên.
Từ thực tiễn triển khai tại Trường ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội, khó khăn được PGS.TS Nguyễn Chí Thành chia sẻ liên quan đến triển khai Nghị định 116. Theo đó, dù Nghị định 116 có nhiều ưu điểm, nhưng khi triển khai vào thực tế còn bất cập như:
Dự báo của các địa phương chưa sát thực tế; nhiều địa phương rà soát nhu cầu sử dụng thường chậm muộn thậm chí chưa triển khai rà soát nhu cầu, sự phối hợp giữa các ban ngành của một tỉnh còn hạn chế. Do vậy, chỉ tiêu của các ngành này thường quá thấp (chỉ khoảng 15 - 20 chỉ tiêu/ngành) dẫn đến khó khăn trong tuyển sinh, từ đó ảnh hưởng một phần đến việc đầu tư đội ngũ giáo viên nhà trường.
Từ đó, PGS.TS Nguyễn Chí Thành đề xuất, Bộ GD&ĐT cần chỉ đạo các địa phương tăng cường rà soát, thống kê, báo cáo nhu cầu sử dụng giáo viên. Bộ đồng thời cần xây dựng, ban hành chương trình và chuẩn chương trình đào tạo khối ngành đào tạo giáo viên nói chung, ngành đào tạo giáo viên Khoa học tư nhiên, Lịch sử và Địa lí nói riêng.
Cùng đó, nghiên cứu đề xuất sửa đổi và tiếp tục triển khai Nghị định 116 của Chính phủ, các văn bản khác liên quan cho phù hợp với thực tiễn; chủ động rà soát, cập nhật chương trình hàng năm; tổ chức các diễn đàn chung giữa các cơ sở đào tạo giáo viên đã triển khai đào tạo giáo viên các ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí để nâng cao chất lượng đào tạo.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Thụ, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2: Nhà trường đã trình Bộ GD&ĐT hồ sơ mở ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên, Sư phạm Lịch sử - Địa lý, dự kiến tuyển sinh từ 2023. Nhà trường đồng thời chuẩn bị nhân lực để mở các ngành đào tạo giáo viên các môn năng khiếu như Âm nhạc, Mĩ thuật.