Đó mới chỉ là một số trong vô vàn khó khăn mà doanh nghiệp Việt phải đối diện nếu muốn thúc đẩy xuất khẩu.
Để tháo những nút thắt trong xuất khẩu, bà Phạm Chi Lan cho rằng: Doanh nghiệp cũng cần tăng mức độ linh hoạt và khả năng nắm bắt các cơ hội thị trường trong bối cảnh thị trường thay đổi nhanh, mạnh. Doanh nghiệp phải có chiến lược tốt (tránh mang tính ngắn hạn, thời cơ).
Cạnh tranh chủ yếu phải dựa vào chất lượng, hiệu quả là một trong những giải pháp mà chuyên gia kinh tế nêu ra, cùng với đó là việc nâng cao mức độ tinh thông trong hoạt động của doanh nghiệp. Trong khi các doanh nghiệp lớn cần cải thiện hệ thống quản trị, sự gắn kết và bổ trợ nội bộ và liên kết với các doanh nghiệp khác. Đồng thời, giảm khoảng cách về hiệu quả hoạt động và năng suất giữa khu vực doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.
Doanh nghiệp tự giới thiệu những ứng dụng trong sản xuất là một cách khẳng định chất lượng sản phẩm |
Hiện nay, Việt Nam mới có khoảng 300 doanh nghiệp đủ năng lực tham gia chuỗi cung ứng (nhưng là cung ứng thay thế, không phải sản xuất). Trong đó, cũng chỉ có 2% là doanh nghiệp lớn, 2 - 5% là doanh nghiệp vừa, còn lại là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Chuyển đổi, nâng cấp liên tục về công nghệ, quản trị, kỹ năng, nhân lực cũng là những đòi hỏi để tháo nút thắt trong xuất khẩu. Cùng với đó là việc chạy đua với thời gian, biến động thị trường mà doanh nghiệp phải đối diện. Thực tế đã có những doanh nghiệp Việt Nam thành công trong sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu khi đạt được sản phẩm tiêu chuẩn chất lượng cao, như Vinamilk đầu tư trang trại và nuôi bò đạt tiêu chuẩn Global GAP… Hay như công ty Unifarm trồng nông sản đạt chất lượng quốc tế xuất khẩu không đủ “cung” cho phía có “cầu” nhập khẩu.
Ông Đoàn Anh Tuân cũng cho rằng: Nhà nước cần có chính sách ưu đãi các doanh nghiệp mở hệ thống phân phối tại nước ngoài. Cần có chính sách khuyến khích kiều bào tích cực phân phối hàng Việt ở nước ngoài. Đề xuất của ông Đoàn Anh Tuấn là: Nhà nước cần đầu tư xây dựng hình ảnh đất nước thông qua sản phẩm. Xây dựng hình ảnh, định vị 1 số ngành hàng có thế mạnh của đất nước. Cũng cần phải có giải pháp tổng thể. Ví dụ, đầu tư cho GD-ĐT, khoa học công nghệ (bởi thiếu công nghệ mạnh thì không thể có được sản phẩm mạnh).
Nói đến giải pháp xuất khẩu, ông Đỗ Văn Long (Công ty Infiniti Blockchain Labs) cho rằng, chính việc minh bạch thông tin cho thương hiệu nông sản Việt, với tăng cường truy xuất nguồn gốc, sẽ như một công cụ nâng cao giá trị xuất khẩu hàng cho mặt hàng nông sản Việt Nam.
Ông Đỗ Văn Long khẳng định: Truy xuất nguồn gốc thực phẩm đang là mối quan tâm lớn của người tiêu dùng và toàn ngành công nghiệp thực phẩm. Truy xuất nguồn gốc giúp người tiêu dùng theo dõi toàn bộ đường đi của thực phẩm, từ khâu nuôi trồng qua công đoạn chế biến, phân phối và vận chuyển đến nơi tiêu thụ.
Tuy nhiên, thách thức đặt ra là các giải pháp truy xuất nguồn gốc hiện nay vẫn chưa thể cung cấp chính xác nguồn gốc thực phẩm. Trong khi đó, thông tin truy xuất còn khá sơ sài, thiếu tính khách quan, thiếu minh bạch và còn phụ thuộc chủ yếu vào nhà sản xuất, thông tin chưa được kiểm chứng một cách độc lập.