Cách nào hạn chế khó khăn về tâm lý của trẻ 6 tuổi vào lớp 1?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chuyển tiếp từ mầm non lên tiểu học đóng vai trò vô cùng quan trọng, GV cần chuẩn bị cho trẻ 5-6 tuổi những kỹ năng cần thiết khi vào lớp 1.

Giải pháp hạn chế khó khăn về tâm lý của trẻ 6 tuổi vào lớp 1.
Giải pháp hạn chế khó khăn về tâm lý của trẻ 6 tuổi vào lớp 1.

Theo ThS Nguyễn Thị Phương Anh, Khoa Giáo dục Mầm non, Trường Cao đẳng sư phạm Trung ương Tp Hồ Chí Minh: Giai đoạn chuyển tiếp từ mầm non lên tiểu học được cho là điểm khởi đầu cho việc học tập có chủ đích. Sự khởi đầu thành công ở trường học có mối liên hệ chặt chẽ với kết quả học tập và nhận thức xã hội trong tương lai của trẻ.

Hạn chế ngày đầu

Theo ThS Nguyễn Thị Phương Anh, chuyển tiếp từ mầm non lên tiểu học đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc đời đứa trẻ. Đây là khoảng thời gian trẻ phải đối mặt với nhiều thay đổi và thách thức, đây là điểm khởi đầu cho việc học tập có chủ đích. Sự khởi đầu thành công ở trường học có mối liên hệ chặt chẽ với kết quả học tập và nhận thức xã hội trong tương lai của trẻ. Những trải nghiệm của trẻ trong giai đoạn này sẽ có tác động lâu dài đến khả năng thích nghi đối với sự thay đổi của trẻ.

Khó khăn tâm lí của trẻ đầu lớp 1 là sự thiếu hụt phẩm chất tâm lí cần thiết cho hoạt động học tập và sinh hoạt trong nhà trường của học sinh những ngày đầu đi học tiểu học, gây cản trở cho hoạt động học tập và sinh hoạt của học sinh và khiến cho các hoạt động này kém hiệu quả. Thế nên, việc chuẩn bị cho trẻ mầm non vào tiểu học là đảm bảo sự chuyển tiếp, liên thông giữa mầm non và tiểu học, đòi hỏi cả 3 đối tượng phải luôn sẵn sàng là trẻ mầm non sẵn sàng, nhà trường - giáo viên sẵn sàng, gia đình sẵn sàng.

ThS Nguyễn Thị Phương Anh trình bày giải pháp hạn chế khó khăn về tâm lý của trẻ 6 tuổi vào lớp 1.

ThS Nguyễn Thị Phương Anh trình bày giải pháp hạn chế khó khăn về tâm lý của trẻ 6 tuổi vào lớp 1.

ThS Phương Anh chia sẻ: Bước vào lớp 1, trẻ đơn thuần không phải chỉ làm quen với cô giáo mà sẽ phải sẽ làm quen với nhiều thầy cô mới trong một môi trường học tập mới, đặc biệt các em sẽ tiếp xúc rất nhiều với giáo viên chủ nhiệm của mình. Ở trường mầm non, mối quan hệ giữa cô giáo và trẻ là mối quan hệ gần gũi. Trẻ bộc lộ tình cảm với cô một cách tự nhiên như nhõng nhẽo, âu yếm. Cô khuyến khích động viên trẻ tình cảm, bằng sự trìu mến, nhẹ nhàng.

Nhưng khi đến tiểu học, mọi chú ý đều hướng đến cô giáo. Vì vậy, nếu giáo viên luôn nghiêm khắc thì trẻ sẽ càng khó khăn hơn trong việc bộc lộ tâm tư của mình hơn, trong lớp sẽ thụ động và cảm giác sợ cô giáo, rụt rè khi đứng lên trả lời, sợ cô giáo la mắng về câu trả lời của mình. Ngoài việc phải thích nghi với môi trường học tập mới thì việc kết bạn đối với trẻ là một điều rất quan trọng. Có nhiều trẻ lại hạn chế trong việc kết bạn, do tính cách trái ngược với các bạn khác nên không thể hoà nhập chung được.

Ở trường mầm non, mối quan hệ giữa cô giáo và trẻ là mối quan hệ gần gũi.

Ở trường mầm non, mối quan hệ giữa cô giáo và trẻ là mối quan hệ gần gũi.

Vì vậy trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn như là luôn trong tình trạng khép mình, không dám tiếp xúc với ai, sợ khi giao tiếp với bạn bè sẽ bị họ xa lánh và khiến trẻ sợ đi học vì không có bạn nào chơi cùng với mình cả. Học sinh dễ giận nhau nhưng cũng dễ làm lành nên khi được giáo viên giải thích, hướng dẫn thì mối quan hệ nhanh chóng trở về bình thường, lúc đó cần có sự quan tâm từ giáo viên kể cả gia đình để kịp thời giúp trẻ thoát khỏi những áp lực và răn dạy những bạn khác trên tinh thần yêu thương.

Giải pháp khắc phục

Theo ThS Nguyễn Thị Phương Anh, lúc này vai trò của giáo viên hết sức quan trọng. Giáo viên cần chuẩn bị cho trẻ MN đặc biệt là những trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi gia nhập vào những mối quan hệ rộng lớn hơn trước để giúp trẻ làm quen một số hành vi đạo đức và cách ứng xử giữa người và người, hình thành những động cơ xã hội tích cực để trẻ dễ dàng thích ứng mối quan hệ mới. Giáo viên cần nhìn nhận đánh giá trẻ hành động vì động cơ thích được khen hay muốn làm người khác vui lòng để kịp thời điều chỉnh uốn nắn trẻ.

Giáo viên cũng cần trang bị cho trẻ những kỹ năng cần thiết: Thông qua các hoạt động giáo dục, những bài học thực tế, trò chơi phù hợp với nhận thức của trẻ, giáo viên mầm non cần hình thành và tổ chức cho trẻ rèn luyện các kĩ năng để trẻ chủ động làm quen với môi trường mới như: Kỹ năng tự lập, Kỹ năng giao tiếp, Kỹ năng biết cảm thông và chia sẻ, Kỹ năng thể hiện bản thân, Kỹ năng bảo vệ bản thân.

Các sinh viên thực hành sư phạm tại trường mầm non.

Các sinh viên thực hành sư phạm tại trường mầm non.

ThS Nguyễn Thị Phương Anh cũng cho rằng, với vai trò là trường Sư phạm trong việc đào tạo giáo viên mầm non. Các cơ sở đào tạo cần chú trọng đào tạo vào những công việc giáo viên mầm non và tiểu học có thể làm để giúp trẻ vượt qua giai đoạn chuyển tiếp một cách nhẹ nhàng nhất. Ngoài ra giảng viên trường Sư phạm có thể lồng ghép vào chương trình giảng dạy nội dung hỗ trợ trẻ trong giai đoạn chuyển tiếp từ mầm non lên tiểu học phù hợp.

Các nhà trường cũng cần xây dựng học phần GD kỹ năng sống cho trẻ mầm non chính thức trong chương trình đào tạo GVMN thuộc tổ hợp môn chuyên ngành. Thường xuyên trao đổi với nhà tuyển dụng về đánh giá nhận thức và kỹ năng của các sinh viên ra trường trong công tác chuẩn bị cho trẻ đến trường phổ thông. Hướng dẫn cho sinh viên kỹ năng giao tiếp với phụ huynh cũng như tổ chức các buổi họp, hội thảo nhằm tuyên truyền công tác chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1.

Trẻ được cần được trang bị đầy đủ kỹ năng để sẵn sàng vào lớp 1.

Trẻ được cần được trang bị đầy đủ kỹ năng để sẵn sàng vào lớp 1.

Đề xuất xây dựng mới Chuyên đề thay thế khóa luận tốt nghiệp “Chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1” cho sinh viên năm 3 sau khi học các học phần chuyên ngành Phương pháp, Lập kế hoạch và Đánh giá trong GDMN, chuyên đề tập trung vào tìm hiểu những khó khăn tâm lý của trẻ 6 tuổi khi vào lớp 1, các biện pháp khắc phục khó khăn tâm lý cho trẻ, đánh giá các kỹ năng xã hội cần có của trẻ 6 tuổi trước khi vào lớp 1, hướng dẫn tổ chức chuẩn bị cho trẻ mẫu giáo sẵn sàng học đọc, học viết và học toán theo hướng liên thông với chương trình lớp 1.

ThS Nguyễn Thị Phương Anh cũng cho rằng, các cơ sở đào tạo sư phạm cần đưa nội dung cụ thể về đánh giá trẻ trong giai đoạn chuyển tiếp từ mầm non lên tiểu học vào học phần Đánh giá trong GDMN. Trường Sư phạm cần phối hợp với Sở GD&ĐT và các Phòng GD trong việc cập nhật đổi mới Chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi cũng như thường xuyên khảo sát việc đánh giá năng lực học đường của trẻ dựa trên Kết quả mong đợi trong chương trình GDMN và các chỉ số trong Chuẩn.

Vai trò của trường sư phạm trong đào tạo giáo viên mầm non là rất quan trọng, đặc biệt trong đó là cần đảm bảo tính liên thông giữa Mầm non và Tiểu học. Giáo viên cần được trang bị kỹ năng giúp trẻ mầm non giảm bớt khó khăn về tâm lý khi vào lớp 1. Để hiệu quả việc này, quá trình nghiên cứu xây dựng chương trình đào tạo giáo viên mầm non cần có tính liên thông các cấp học. Đây là yêu cầu rất quan trọng để tăng sự hiệu quả và tính khả thi, cần bám sát thực tiễn giáo dục của từng chương trình đào tạo. – ThS Nguyễn Thị Phương Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ