Hướng tới Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4), nhiều người đặt câu hỏi làm sao để người Việt chăm đọc sách hơn cũng như cách nào để thay đổi thói quen đọc của người Việt?
Nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa đọc, ngày 24/2/2014 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 284/QĐ-TTg chọn ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam.
Quyết định này nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách, nâng cao nhận thức của cộng đồng về ý nghĩa to lớn cũng như tầm quan trọng của việc đọc sách đối với phát triển kiến thức, kỹ năng, tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.
Những con số đáng buồn
Thế nhưng, sau gần 10 năm thói quen đọc sách của người Việt rất ít tiến triển dù lượng sách phát phát hành năm sau cao hơn năm trước. Một khảo sát quốc tế năm 2016 cho thấy, người Việt Nam đọc sách ít hơn nhiều so với các nước trong khu vực.
Trong khi người Ấn Độ đọc gần 11 giờ/tuần, người Đài Loan đọc 5 giờ/tuần, người Nhật Bản đọc 4 giờ/tuần, Hàn Quốc 3 giờ/tuần… và người Việt Nam trung bình đọc chưa tới 1 giờ/tuần.
Số liệu năm 2019 khi kỷ niệm 5 năm Ngày Sách Việt Nam, cho thấy có gần 160.000 xuất bản phẩm với gần 1,9 tỉ bản sách. Lấy con số này chia cho hơn 90 triệu dân thì trung bình mỗi người Việt Nam hưởng thụ hơn 4,2 bản sách/năm. Tuy nhiên, trong số đó đã hơn 3 cuốn là sách giáo khoa, sách tham khảo – nghĩa là người Việt chỉ đọc 1 cuốn sách/năm.
Mỗi năm, một người Việt Nam chỉ bỏ ra 2 USD để mua sách, trong khi một người Trung Quốc chi 10 USD và ở các nước phát triển thì bình quân mỗi người chi 200 USD để mua sách.
Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á lại cho ra số liệu, 26% dân số Việt Nam không bao giờ đọc sách, 44% thỉnh thoảng đọc và 30% đọc thường xuyên.
Còn theo số liệu khảo sát của Viện Nghiên cứu Xã hội - Kinh tế và Môi trường về việc sử dụng thời gian: 41,7% số bạn trẻ được hỏi trả lời là lên mạng, 20% xem phim, 16,7% nghe nhạc và chỉ có 15% trả lời là đọc sách.
Trong một khảo sát đối với sinh viên TPHCM: 47,26% sinh viên nhận thức được tầm quan trọng của sách, 26,37% cho rằng đọc sách là cần thiết, 25,15% nghĩ việc đọc sách là bình thường - có hay không cũng được, 1,22% nghĩ rằng việc đọc sách là không cần thiết.
Số liệu tổng kết mới đây của Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết, tỉ lệ đọc của người Việt tăng từ 4,1 đầu sách/người/năm (năm 2014) lên 6,02 bản sách/người/năm (2022).
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ TT&TT thì cơ cấu tỉ lệ sách còn thiên về sách giáo khoa, sách tham khảo (khoảng 40%) trong khi ở các nước phát triển con số này chỉ khoảng 30%. Bởi vậy, cần thúc đẩy thói quen đọc sách để tiếp cận tri thức theo cách tự nhiên chứ không chỉ dừng lại ở chương trình học bắt buộc.
Theo thống kê, số bạn trẻ tham gia truy cập mạng đa số để xem phim, nghe nhạc, nói chuyện phiếm, rất ít người lên mạng để đọc sách. Ảnh minh họa: IT. |
Gieo đam mê để gặt thói quen tốt
“Giải pháp để người Việt chăm đọc sách hơn cùng với luật, chính sách hỗ trợ của Nhà nước cần khuyến đọc trong gia đình (như xây dựng tủ sách, đọc sách cho con nghe...). Ở cộng đồng phải phát triển tủ sách tư nhân, tủ sách ở khu dân cư, nhà văn hóa, thư viện công cộng. Trong trường là phát huy chức năng của thư viện nhà trường, các hoạt động khuyến đọc gắn với tự học. Ngoài ra là vấn đề truyền thông, lập quỹ khuyến đọc, các hoạt động giao lưu, diễn thuyết...” - Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương.
Cho đến nay, sau rất nhiều cuộc tọa đàm liên quan đến sách và khuyến đọc, giới nghiên cứu vẫn chưa thể đưa ra đáp án thỏa mãn cho câu hỏi vì sao người Việt lười đọc sách? Nhiều ý kiến chỉ ra rằng có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc lười đọc sách, trong đó có gia đình, trường học, bản thân mỗi người cũng như điều kiện hình thành thói quen.
Trong Tọa đàm “Xây dựng thói quen đọc sách của người Việt” diễn ra vào tháng 5/2022, ông Lê Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - khẳng định, thực trạng lười đọc hiện nay là hệ quả của việc thiếu quan tâm, nuôi dưỡng thói quen đọc sách từ nhỏ cho trẻ. Trường học không có tiết đọc sách chính thức, gia đình không quan tâm xây dựng và phát triển thói quen đọc sách cho con từ sớm.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, nhà nghiên cứu - dịch giả Nguyễn Quốc Vương lại khẳng định người Việt thực dụng theo thói “ăn xổi ở thì”: Nhiều người không chỉ thắc mắc đọc sách để làm gì, mà còn hỏi đọc sách có ra tiền không? Câu trả lời rất dễ mà lại khó - cái khó ở Việt Nam là mọi thứ đều “quy ra thóc”, mà “thóc” không phải bao giờ cũng là thứ có thể gặt ngay.
Ông Vương cũng cho biết, hiện nay rất nhiều trường học đã thành lập được hệ thống thư viện quy mô, đa dạng sách và có nhiều mô hình khuyến đọc thiết thực.
“Tôi đến rất nhiều trường để nói chuyện về lợi ích của việc đọc sách, và thấy rằng học sinh rất hứng thú khi được gieo đam mê. Tuy nhiên, thư viện trường học cần có nhân viên chuyên trách có đủ năng lực nghề và tiến hành khuyến đọc thường xuyên để nuôi dưỡng những đam mê ấy”, ông Vương cho hay.
Về khía cạnh tác động của gia đình đối với thói quen đọc sách của trẻ, ông Vương cho rằng, nếu mỗi gia đình đều đọc sách cho trẻ từ 0 - 6 tuổi nghe mỗi tối dù chỉ là 10 phút thì chẳng mấy sẽ có dân tộc đọc sách. Ở Nhật Bản hay các nước Tây Âu việc trẻ dưới 6 tuổi được cha mẹ, người thân, giáo viên mầm non đọc sách cho nghe là rất bình thường và phổ biến.
Ông Vương cho biết thêm: “Tôi có đọc một tài liệu, trung bình trẻ em Nhật Bản trước khi vào tiểu học (được) đọc từ 500 – 1.000 cuốn Ehon. Ở trường mầm non Nhật Bản nơi con tôi học luôn có tủ sách ở hành lang chỗ để giày để cha mẹ có thể tự ký sổ mượn sách về nhà đọc cho con.
Trong khi đó, ở Việt Nam đa số các gia đình chưa có tủ sách trong nhà, chưa có sách tranh thích hợp dành cho trẻ dưới 6 tuổi, chưa đọc cho trẻ nghe”.