(GD&TĐ) - Ở Huế, hiện nay còn lưu dấu di tích một mái trường “đặc biệt”, có đóng góp rất lớn trong việc đào tạo đội ngũ cán bộ quân sự cho Quân đội ta từ những ngày đầu cách mạng tháng 8/1945. Đó là Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế.
Đặc biệt ở chổ, trường không nằm trong hệ thống các trường đào tạo cán bộ quân sự của cách mạng, mà do Chính phủ Trần Trọng Kim thành lập. Trường chỉ tồn tại đúng hai tháng 2 tháng (16/6/1945 - 14/8/1945) và đào tạo đúng một khóa với 43 học viên. Thế nhưng từ ngôi trường và khóa học viên đặc biệt này đã đóng góp cho quân đội ta một đội ngũ tướng lĩnh nỗi tiếng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.
Theo lịch sử cách mạng TT-Huế, thì sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp (ngày 9/3/1945), ngày 17/4/1945, Chính phủ thân Nhật Trần Trọng Kim được thành lập, với nội các gồm 10 bộ; trong đó có Bộ Thanh Niên do Luật sư Phan Anh làm Bộ trưởng và ông Tạ Quang Bửu làm “Đặc vụ ủy viên”. Xuất thân là hai nhà trí thức yêu nước, Luật sư Phan Anh và giáo sư Tạ Quang Bữu đã xúc tiến thành lập một lớp đào tạo cán bộ chỉ huy quân sự cho đất nước.
Di tích hiện tại của Trường TNTT Huế |
Nhưng để tránh sự nhòm ngó của quân đội Nhật và những thành phần chống cộng trong chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim, trường không lấy tên quân sự mà chỉ đơn thuần là Trường Thanh niên Tuyền tuyến. Ngày 16/6/1945, Chính phủ Trần Trọng Kim ra Sắc lệnh số 15 thành lập Trường. Và khai giảng vào ngày 2/7/1945 với 47 người trong đó có 4 giáo viên và 43 học viên. Luật sư Phan Anh đã mời ông Phan Tử Lăng làm Hiệu trưởng. Ông Phan Tử Lăng cũng là một trí thức yêu nước lúc bấy giờ là Chỉ huy trưởng Bảo an binh, có trách nhiệm giữ gìn trật tự an ninh cho cố đô Huế. 43 học viên xin được tuyển vào Trường với nhiều nguồn khác nhau, nhưng đều qua sự lựa chọn cẩn thận của hai nhà sáng lập trường là Luật sư Phan Anh và Giáo sư Tạ Quang Bửu.
Tuy xuất thân từ những tầng lớp xã hội khác nhau, nhưng cả lớp đều là những thanh niên trí thức, giàu lòng yêu nước, có cảm tình với Việt Minh. Trong đó có những thanh niên là con của các quí tộc, quan lại, đại thần Triều Nguyễn như, Tôn Thất Hoàng là con của thượng thư Tôn Thất Quảng; ông Đặng Văn Việt, con cụ Đặng Văn Hướng làm tổng đốc Nghệ An, từng ba lần giữ chức thượng thư; ông Võ Sum là con quan án sát Võ Chuẩn; Lê Thiệu Huy con trai cụ Lê Thước, giải nguyên Hán học; Hoàng Xuân Bình, em ruột giáo sư Hoàng Xuân Hãn; Nguyễn Thế Lương là con của một nhà thầu khoán... Địa điểm đứng chân của Trường Thanh niên Tiền tuyến là một ngôi nhà ngói cũ của một trại lính hộ thành xưa trước cửa Quảng Đức (nay là Trụ sở Trung tâm công viên cây xanh Thành phố Huế). Trường được tổ chức theo lối tự quản, còn việc ăn ở, bếp núc…học viên phải tự lo. Chương trình đào tạo của trường ngoài sử dụng vũ khí, kỹ chiến thuật cái nhân, chỉ huy cấp phân đội, đại đội…Luật sư Phan Anh và giáo sư Tạ Quang Bữu còn dịch Binh pháp Tôn Tử đưa vào chương trình giảng dạy trong trường nhằm đào tạo nên những cán bộ quân sự cao cấp sau này cho đất nước. Tuy bề ngoài là trường của chính phủ Trần Trọng Kim, nhưng bên trong là nơi đào tạo các cán bộ quân sự để phục vụ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của Đảng ta. Học viên của trường đã đóng góp tích cực ngay từ phút mở màn của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền và bảo vệ chính quyền Cách mạng ở Thừa Thiên Huế. Dưới sự lãnh, chỉ đạo của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế. Như, Treo cờ đỏ sao vàng trên Kỳ đài Huế ngày 22/8/1945. Tổ chức bảo vệ trật tự cuộc mít tin chào mừng khởi nghĩa thắng lợi, ra mắt Ủy ban Nhân dân Cách mạng Trung bộ và Ủy ban Nhân dân Cách mạng Thừa Thiên Huế, lễ thoái vị của vua Bảo Đại…Tước vũ khí các lực lượng vũ trang của chính quyền cũ, bắt giữ một số đối tượng nguy hiểm có âm mưu phá hoại cách mạng. Hộ tống cố vấn Vĩnh Thụy ra Hà Nội. Xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, thành lập 25 trung đội Giải phóng Quân đầu tiên của Thừa Thiên-Huế, các học viên trường Thanh niên Tiền tuyến đều được phân công làm trung đội trưởng.Tổ chức các đơn vị Nam Tiến chi viện cho các mặt trận miền Nam; chi viện cho mặt trận Lào…
Giáo sư Tạ Quang Bửu (1910 - 1986) và Luật sư Phan Anh (1912 - 1990) |
Cách mạng tháng tám thành công, các học viên của trường Thanh niên Tiền tuyến Huế cũng chấm dứt khóa học, theo tiếng gọi thiêng liêng của đất nước tham gia trên khắp các mặt trận. Họ đã đem kiến thức từ mái trường “đặc biệt” ấy phục vụ quân đội Cách mạng và trở thành những chỉ huy lừng danh trên các mặt trận trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Hai ông Phan Anh và Tạ Quang Bửu là người tổ chức chỉ đạo học sinh, hướng họ về với cách mạng, đã trở thành hai Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước ta. Còn các học viên đã có 8 người mang quân hàm cấp tướng, 10 người mang hàm đại tá và các học hàm khác giảng dạy trong các trường quân sự của nước ta như: Trung tướng Cao Văn Khánh - Phó tổng tham mưu trưởng QĐNDVN; thiếu tướng Nguyễn Thế Lâm (Nguyễn Kèn), tư lệnh bộ đội tăng - thiết giáp; thiếu tướng Cao Pha - phó tư lệnh bộ đội đặc công; các thiếu tướng Mai Xuân Tần – Đại đoàn Trưởng Đại đoàn quân Tiên Phong, Võ Quang Hồ - Cục Phó Cục tác chiến Bộ tổng Tham mưu QĐNDVN, Đoàn Huyên – Tư Lệnh Bộ đội Phòng Không, Phan Hàm – Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu, Đào Hữu Liêu – Phó chủ nhiệm Tổng cục Kinh tế Bộ Quốc phòng. Cùng nhiều Đại tá nổi tiếng như: Phan Tử Lăng – Cục trưởng cục Quân Chính, Đặng Việt Châu – Trung Đoàn trưởng Trung đoàn 74 được mênh danh là “Con hùm xám đường số 4”…
Thời gian đi qua, những học viên năm xưa của Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế, những vị tướng, tá tài danh của Quân đội ta đã không còn. Trong cuộc gặp mặt lịch sử (có lẽ là lần gặp mặt cuối cùng)của các học viên trường TNTT Huế được tổ chức ngày 16/8/2010 tại Khu nghĩ dường Lăng Cô –TT-Huế, chỉ còn lại 5 gương mặt đại tá Lâm Quang Minh (từ Đà Nẵng), “con hùm xám đường số 4” Đặng Văn Việt, GS. Lê Quang Long, Đại tá Phan Viên (từ Hà Nội), PGS. Tôn Thất Hoàng (từ TP. Hồ Chí Minh). Thế nhưng trong sự phát triển hùng mạnh của quân đội ta hiện nay, tên tuổi của họ những vị tướng lừng danh một thời xuất thân là học viên Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế vẫn sống mãi cùng Quân đội nhân dân Việt nam. Hiện nay Tỉnh Thừa Thiên Huế đang hoàn tất hồ sơ để đề nghị công nhận Trường TNTT Huế là Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia. Còn với người dân TT-Huế khi nhắc đến Trường TNTT Huế đều gọi đó là “mái trường của những vị tướng”.
Ngô Minh Thuyên