Cách mạng tháng Mười Nga. ảnh Internet |
1. Tháng 7/1920, khi đang hoạt động trong phong trào công nhân Pháp, tham gia sinh hoạt tại Đảng xã hội Pháp, Hồ Chí Minh được đọc Sơ thảo lần thứ nhất Những luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, đăng trên báo Nhân đạo, số ra ngày 16-17/7/1920. Luận cương của Lênin với 12 luận điểm đặc biệt quan trọng, đề cập đến những vấn đề mà Hồ Chí Minh đang trăn trở: như quyền bình đẳng thực sự giữa các dân tộc, tình đoàn kết chiến đấu giữa giai cấp vô sản ở các nước tư bản và cuộc đấu tranh của nhân dân ở các thuộc địa, về vấn đề chính quyền…đã đem đến cho Hồ Chí Minh một định hướng chính trị rõ ràng và Người khẳng định chắc chắn: “Hỡi đồng bào bị đoạ đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”(2).
Sau đó, tại Đại hội lần thứ 20 của Đảng xã hội Pháp, họp ở thành phố Tua (12/1920), chính chiếc cẩm nang thần kỳ này đã giúp Người tự tin, quyết định bỏ phiếu cho Quốc tế thứ III của Lênin, trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên, một trong những người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Từ đây, những hoạt động lý luận và thực tiễn của Hồ Chí Minh đều nhằm mục đích hướng công cuộc giải phóng dân tộc Việt Nam vào quỹ đạo của cách mạng vô sản - con đường thắng lợi của cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại.
Bằng các bài viết xuất hiện liên tục trên báo Nhân đạo, Đời sống công nhân, Tạp chí cộng sản, đặc biệt là Người cùng khổ, Hồ Chí Minh đã công khai lên án tội ác của chủ nghĩa thực dân Pháp, kêu gọi sự ủng hộ của người lao động Pháp với cuộc đấu tranh của người ở các thuộc địa. Đồng thời, trên các phương tiện thông tin, trên các diễn đàn, Hồ Chí Minh cũng trực tiếp tuyên truyền cho Quốc tế cộng sản, cho thắng lợi của cách mạng tháng Mười, cho CNXH mà Lênin và những người đồng chí của mình đang thực hiện ở nước Nga và kỳ vọng sẽ thực hiện thắng lợi ở nhiều nơi khác.
Đồng chí Nguyễn Ái Quốc với một số chiến sĩ cách mạng châu Phi trong thời gian hoạt động tại Liên Xô. ảnh TL |
Khát vọng “độc lập cho Tổ quốc tôi, tự do cho đồng bào tôi” và bài học kinh ngiệm của cách mạng tháng Mười đã hấp dẫn Hồ Chí Minh, thôi thúc Người tìm đường đến với đất nước của Lênin. Tuy nhiên, khi Hồ Chí Minh có mặt ở Liên xô chưa được bao lâu, thì Lênin đã qua đời. Dù chưa có điều kiện được gặp vị lãnh tụ kính yêu của giai cấp vô sản, song thực tiễn đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội , giáo dục trên đất nước Liên xô, tình cảm của nhân dân Liên xô đối với Lênin, đặc biệt là tình cảm của Lênin đối với các dân tộc thuộc địa đã khiến Hồ Chí Minh xúc động. Trong niềm cảm phục và tiếc thương vô hạn, Hồ Chí Minh đã viết bài Lênin và các dân tộc thuộc địa. Bài báo được đăng trang trọng trên báo Sự thật (Liên xô), số ra ngày 27/1/1924, ngày truy điệu Lênin.
Hồ Chí Minh đã viết, tin Lênin qua đời “đến với mọi người như sét đánh ngang tai, truyền đi khắp các bình nguyên phì nhiêu ở châu Phi và các cánh đồng xanh tươi ở châu Á”, bởi rằng “họ coi Lênin là người giải phóng cho họ” (3) khỏi ách áp bức bóc lột của kẻ thống trị. Được sống, học tập và làm việc ở nước Nga, Hồ Chí Minh nhận thấy, Lênin không chỉ là lãnh tụ của nhân dân Liên xô, Người còn là lãnh tụ của tất cả những người bị đoạ đầy đau khổ. Lênin là người đầu tiên đánh giá đúng vị trí, vai trò của nhân dân thuộc địa trong sự nghiệp giải phóng xã hội, giải phóng con người, và chính Ông “đã không quản thời gian và sức lực chăm lo đến sự nghiệp giải phóng” của nhân dân ở các thuộc địa. Lênin đã mất, nhưng Quốc tế thứ III - Quốc tế Cộng sản do Người sáng lập (6/3/1919), để lãnh đạo phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, luôn nêu cao “ngọn cờ của quốc tế cho những người bị áp bức” vẫn sống mãi trong lòng nhân dân yêu chuộng tự do, hoà bình và công lý trên toàn thế giới. Với ý nghĩa lớn lao đó, “khi còn sống, Người là cha, thầy học, đồng chí và cố vấn của chúng ta. Ngày nay, Người là ngôi sao sáng chỉ đường cho chúng ta đi tới cuộc cách mạng xã hội. Lênin bất diệt sẽ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta” (4).
Lênin vĩ đại, không những muốn giải phóng nước Nga của mình, mà còn muốn giải phóng tất cả các dân tộc khác. Vì thế “thật dĩ nhiên là tất cả những hy vọng của người nô lệ bị áp bức ở các nước thuộc địa vào một tương lai tốt đẹp đều gắn với tên tuổi của Lênin”. Trong Quốc tế Cộng sản do Lênin lãnh đạo, vấn đề thuộc địa, công cuộc giải phóng nhân dân các thuộc địa luôn được quan tâm sâu sắc. Phát biểu tại Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ V (6/1924), Hồ Chí Minh không những phê phán Đảng Cộng sản Pháp chưa quan tâm thoả đáng đến vấn đề thuộc địa, mà còn đồng thời khẳng định Lênin là người “đã đặt cơ sở cho một kỷ nguyên mới, thật sự cách mạng trong các nước thuộc địa”. Từ đó, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Vì chúng ta tự coi mình là học trò của Lênin, cho nên chúng ta cần phải tập trung tất cả sức lực và nghị lực để thực hiện trên thực tế những lời di huấn quý báu của Lênin đối với chúng ta về vấn đề thuộc địa cũng như các vấn đề khác” (5).
Thời gian ở nước Nga, Hồ Chí Minh có điều kiện tham dự Hội nghị Quốc tế nông dân (1923), Quốc tế cứu tế đỏ (1924), Quốc tế thanh niên (1924), Quốc tế công đoàn (1924)…và trở thành một người chiến sĩ kiên cường của phong trào cộng sản quốc tế. Không chỉ ngưỡng mộ, kính yêu Lênin, Hồ Chí Minh còn kiên quyết bảo vệ và phát triển những luận điểm của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, đồng thời đặt nền móng cho tình hữu nghị giữa nhân dân Nga và nhân dân các dân tộc khác đã từng có những đại diện đến thực tế ở nước Nga.
Dù thời gian không dài, song những kiến thức trong những năm tháng ở nước Nga đã giúp Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc hơn về Lênin và học thuyết cách mạng của người, về cách mạng tháng Mười và những bài học kinh nghiệm quý báu của nhà nước Nga Xôviết, để từ đó hoạch định một lộ trình cho công cuộc giải phóng dân tộc Việt Nam.
2. Cuối năm 1924, Hồ Chí Minh rời nước Nga trở về gần Tổ quốc, đem những khát vọng về giải phóng, về độc lập, tự do, hạnh phúc, về tình đoàn kết quốc tế của Lênin vĩ đại về thực hiện ở Việt Nam, và đó là con đường mà Hồ Chí Minh đã chọn. Và tháng 11/1924, từ Quảng Châu- trung tâm cách mạng của châu Á, Hồ Chí Minh bắt đầu xây dựng những cơ sở ban đầu cho sự ra đời của một chính Đảng kiểu mới ở Việt Nam theo nguyên tắc Mácxít Lênin nít. Từ những bài giảng của mình cho những thanh niên Việt Nam yêu nước- những hội viên của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, Hồ Chí Minh đã thổi một luồng sinh khí mới cho phong trào cách mạng trong nước, thông qua những luận điểm, những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác- lênin và hơi thở của thời đại mới được thể hiện rõ trong tác phẩm Đường Kách mệnh (xuất bản 1927).
Lênin và cách mạng tháng Mười Nga, tầm quan trọng và ảnh hưởng sâu sắc của nó trong tâm khảm Hồ Chí Minh đã được thể hiện qua những nhận định, đánh giá trong tác phẩm lý luận kinh điển này. Và Người đã khẳng định chắc chắn: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là thành công, và thành công đến nơi” và “cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì dân chúng (công nông) làm gốc, phải có Đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin” (6).
Những bài giảng ở lớp huấn luyện chính trị tại Quảng Châu trong những năm 1925-1927, đã góp phần tạo dựng một đội ngũ những người cán bộ cách mạng cốt cán, có đức và có tài. Họ được trang bị phương pháp đấu tranh, vận động cách mạng mới và những kiến thức cơ bản về CNCS, về Đảng Cộng sản, đã ngày một trưởng thành trong thực tiễn. Cách mạng Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới. Các tổ chức cộng sản lần lượt xuất hiện, và không thể để nguy cơ chia rẽ, tranh giành ảnh hưởng, làm mất đoàn kết ở bộ phận ưu tú, tác động xấu đến sự phát triển của phong trào cách mạng cả nước, thấm nhuần lời dạy của Lênin về sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, Hồ Chí Minh đã bằng uy tín và kinh nghiệm của mình, đưa đến thành công của Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam đầu năm 30 của thế kỷ XX. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng do Hồ Chí Minh soạn thảo mà nội dung cốt lõi là: Độc lập dân tộc và CNXH đã được Hội nghị thông qua.
Dưới ngọn cờ độc lập, tự do của Hồ Chí Minh, với đường lối chính trị đúng đắn của Đảng, cách mạng tháng Tám 1945 ở Việt Nam đã thành công. Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, một nhà nước kiểu mới được tổ chức trên cơ sở chọn lọc những yếu tố tích cực của mô hình tổ chức nhà nước Xôviết và các nhà nước dân chủ khác, phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam, đã đồng hành cùng nhân dân vững vàng bước vào cuộc trường chinh chống thực dân Pháp, và tiếp đó là cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.
Giữa những năm tháng khó khăn, ác liệt đó, khắc ghi lời “Lênin dạy đoàn kết toàn dân và đoàn kết giai cấp để chiến thắng kẻ thù”, “Lênin dạy chúng ta giản đơn và khiêm tốn, trong sạch và chính trực”, “Lênin dạy chúng ta không sợ gian nan, cực khổ, và tin chắc vào lực lượng quần chúng, vào tương lai của cách mạng” .v.v.. Hồ Chí Minh đã cùng Trung ương Đảng và Chính phủ đưa nhân dân ta vượt qua mọi khó khăn, trường kỳ kháng chiến, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp. Với Hiệp định Giơnevơ (7/1954), nhân dân Việt Nam bước vào một thời kỳ lịch sử mới. Miền Bắc đi lên CNXH, miền Nam tiếp tục cuộc chiến tranh giải phóng, thực hiện thống nhất nước nhà.
Tháng 11/1957, khi nói về tầm quan trọng của cách mạng tháng Mười, Hồ Chí Minh khẳng định: “Dưới ngọn cờ vẻ vang của chủ nghĩa Mác-Lênin, đi theo con đường mà cách mạng tháng Mười đã vạch ra, với lòng tin cậy hoàn toàn ở quần chúng và niềm tin tưởng tuyệt đối vào thắng lợi, chúng ta dũng cảm và kiên quyết tiến tới tương lai sung sướng và rực rỡ, tiến tới hữu nghị và hoà bình lâu dài, tiến tới xã hội xã hội chủ nghĩa” (7). Đồng thời, tiếp tục đi theo con đường đã lựa chọn, tiếp tục giữ vững lòng tin son sắt vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp chính nghĩa, vào khát vọng độc lập, hoà bình, thống nhất và CNXH, dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác- Lênin, cùng tinh thần thi đua yêu nước XHCN “ra sức thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm”, nhân dân miền Bắc đã quyết tâm “mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt”, và trở thành hậu phương lớn của miền Bắc XHCN.
Đặc biệt, không chỉ “mang đến” vũ khí tư tưởng của thời đại - đó là chủ nghĩa Mác-Lênin, nhân dân Liênxô còn cổ vũ, giúp đỡ cả vật chất và tinh thần, cùng các nước XHCN anh em và nhân dân các nước yêu chuộng hoà bình trên thế giới góp sức cùng nhân dân Việt Nam giành những thắng lợi to lớn trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Tháng 7/1969, trả lời phỏng vấn của đồng chí Sác-lơ Phuốc-ni-ô, phóng viên báo Nhân đạo, về chủ nghĩa Lênin và cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Chủ nghĩa Lênin như cái cẩm nang thần kỳ và Lênin cùng những lời dạy của Người luôn có mặt trong cuộc chiến đấu chống lại sự thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai, trong công cuộc xây dựng CNXH của nhân dân Việt Nam. Đồng thời do cố gắng vận dụng những lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, “nhưng vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp với thực tế Việt Nam ngày nay, mà chúng tôi đã giành được những thắng lợi to lớn” (8).
Nhờ vũ khí không gì thay thế được là chủ nghĩa Mác-Lênin, trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và trong hai cuộc trường chinh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, nhân dân ta đã giành được thắng lợi.
Ngày nay, trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, dưới ánh sáng tư tưởng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, phát huy vai trò sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, kết hợp sức mạnh dân tộc và thời đại, chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng: “Cái gì đem đến thắng lợi cho chúng ta trong chiến tranh, ắt cũng sẽ đem đến thắng lợi cho chúng ta trong hoà bình” và nhất định một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sẽ ngày càng khẳng định vị thế của mình trong cộng đồng quốc tế.
Văn Thanh Mai (TCTG)
----------------------------
Chú thích:
1, 2. Hồ Chí Minh, Về Lênin và cách mạng tháng Mười, Nxb. Sự Thật, H, 1985, tr154, tr155
3, 4. Hồ Chí Minh, Sđd, tr18, tr19
5, 6. Hồ Chí Minh, Sđd, tr43, tr65
7, 8. Hồ Chí Minh, Sđd, tr122, tr222