Cách ly ông Thăng, cấp dưới khai ký dưới sự ủy quyền

GD&TĐ - Tại phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng (cựu Chủ tịch HĐTV PVN) và đồng phạm trong vụ án góp vốn 800 tỷ đồng của PVN vào OceanBank, ngay sau phần thủ tục ban đầu HĐXX đã cách ly bị cáo Đinh La Thăng để lấy lời khai của các đồng phạm.

Bị cáo Nguyễn Xuân Thắng tại tòa.
Bị cáo Nguyễn Xuân Thắng tại tòa.

Cách ly ông Thăng để thẩm vấn các bị cáo

Sáng 19/3, phiên tòa xét xử vụ án liên quan đến việc góp vốn 800 tỷ đồng của PVN vào Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank) gây thiệt hại 800 tỷ đồng bước vào phần thẩm vấn.

Phiên tòa xét xử các bị cáo về các tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Theo đó, HĐXX đã tiến hành xét hỏi các bị cáo Ninh Văn Quỳnh - nguyên Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính kế toán và Kiểm toán PVN, các bị cáo khác nguyên là thành viên Hội đồng thành viên (HĐTV) PVN gồm: Vũ Khánh Trường, Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm và Phan Đình Đức. Hai bị cáo chưa xét hỏi là Đinh La Thăng - cựu Chủ tịch HĐTV PVN và Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Phó Tổng Giám đốc (TGĐ) PVN.

Hội đồng xét xử yêu cầu lực lượng cảnh sát dẫn giải bị cáo Đinh La Thăng và Phan Đình Đức vào phòng cách ly.

Cấp dưới đều khai ký văn bản góp vốn dưới sự ủy quyền của ông Thăng

Bị cáo Vũ Khánh Trường – nguyên thành viên HĐTV PVN cho biết, trong 3 đợt PVN góp vốn vào OceanBank, bị cáo tham gia việc góp vốn 2 đợt là lần thứ 2 và 3 vào Oceanbank; ký nghị quyết góp vốn sau khi các thành viên HĐQT đồng ý, theo ủy quyền của ông Đinh La Thăng.

Trong việc góp vốn lần đầu vào OceanBank, Chủ tịch HĐTV Đinh La Thăng ký công văn xin ý kiến Thủ tướng vào tháng 8/2010 và Thủ tướng có chỉ đạo: đồng ý cho PVN góp vốn vào OceanBank. Tuy nhiên Nghị quyết số 4658 của HĐQT PVN được ký vào tháng 5/2010 khi chưa xin ý kiến Thủ tướng.

Bị cáo Trường khai là người đồng ý trong đợt góp vốn lần thứ ba của PVN vào OceanBank, khi Ban TGĐ PVN trình lên HĐTV đề nghị điều chỉnh kế hoạch tăng vốn tại OceanBank lên 4.000 tỷ đồng và PVN góp thêm 100 tỷ đồng nhằm duy trì tỷ lệ nắm giữ của PVN tại OceanBank là 20%.

Bị cáo Trường thừa nhận nghị quyết góp 100 tỷ đồng vào Oceanbank được PVN thông qua song chưa báo cáo Thủ tướng vì cho rằng khi ký chưa cần mà trước lúc chuyển tiền mới cần báo cáo.

Bị cáo Vũ Khánh Trường cho rằng mình không cố ý và đã làm hết chức trách của mình tại PVN.

Bị cáo Nguyễn Xuân Thắng, nguyên Thành viên HĐTV PVN có tham gia vào việc góp vốn trong cả 3 lần khi các thành viên khác đã đồng ý và ký trước.

Bị cáo Thắng cũng thừa nhận nghị quyết góp 100 tỷ đồng vào Oceanbank được PVN thông qua song chưa báo cáo Thủ tướng.

Tòa tiếp tục gọi thẩm vấn các cựu thành viên HĐTV PVN còn lại gồm Nguyễn Thanh Liêm, Phan Đình Đức đều tham gia trong cả 3 lần PVN góp vốn vào OceanBank.

Bị cáo Liêm khẳng định mình không cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế theo cáo buộc của Viện Kiểm sát.

Còn bị cáo Đức cho biết trong cả 3 lần góp vốn, bị cáo chỉ ký vào báo cáo và không có ý kiến bảo lưu "không thể hiện đồng ý hay không đồng ý". Bị cáo khai rằng mình được lấy ý kiến và lúc ấy chưa hề biết việc Luật các Tổ chức tín dụng đã có hiệu lực.

Theo cáo trạng, trong thời gian giữ chức Chủ tịch HĐQT PVN (giai đoạn từ 2008-2011), ông Thăng không thông qua Hội đồng quản trị mà đã ký thỏa thuận tham gia góp vốn với Hà Văn Thắm (khi đó là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương - OceanBank).

Ông Thăng quyết định việc góp vốn vào OceanBank khi biết rõ năng lực yếu kém của ngân hàng này; ký ban hành nghị quyết thực hiện các lần góp vốn, bổ sung vốn khi chưa được sự đồng ý của Thủ tướng; không thực hiện yêu cầu của Bộ Tài chính để đảm bảo các điều kiện về góp vốn…

Sau đó, ông Thăng tiếp tục ký quyết định giao cho bà Vũ Thị Thanh Hương, người đại diện phần vốn của PVN tại Oceanbank với tỷ lệ 20% vốn điều lệ.

Ông Thăng tiếp tục uỷ quyền điều hành chỉ đạo ông Nguyễn Ngọc Sự và ông Nguyễn Xuân Sơn ký Nghị quyết 4266 về việc chấp thuận điều chỉnh vốn điều lệ của Oceanbank và PVN góp bổ sung 100 tỷ đồng, nâng tổng số vốn lên 800 tỷ đồng để duy trì nắm giữ 20% vốn điều lệ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.