Những lỗi chính tả thường gặp
Bà Lê Thị Lập - Phó Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Phú Yên đưa ra con số: Khảo sát 3.300 bài thi và kiểm tra trong năm học 2012 - 2013 ba môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí của học sinh 5 trường THPH ở Phú Yên, có tới trên 80% số bài phạm lỗi chính tả.
Lỗi vi phạm thường gặp là vi phạm quy tắc viết hoa; lỗi do viết tắt, dùng kí hiệu, chữ nước ngoài, lối ghi biến cách của “ngôn ngữ chat”; lỗi do ảnh hưởng của phát âm địa phương.
Những từ ít dùng thường bị viết sai. Do vậy, học sinh viết sai chính tả trong bài kiểm tra Ngữ văn nhiều hơn các môn học khác.
Vì khi làm văn, học sinh viết theo dòng suy nghĩ của bản thân, nên có những từ nói theo tiếng địa phương, từ mới, ít dùng dẫn đến viết sai.
Bà Lê Thị Lập cho biết, trong bài làm, học sinh viết tắt và sử dụng kí hiệu rất nhiều, đặc biệt là ở môn Lịch sử và Địa lí.
Những lối viết biến cách của “ngôn ngữ chat” không tràn lan như trên mạng nhưng vẫn xuất hiện trong bài kiểm tra, chủ yếu ở môn Ngữ văn.
Tuy nhiên, học sinh THPT Phú Yên mắc lỗi chính tả nhiều nhất và phức tạp nhất là do ảnh hưởng của phát âm địa phương, trong đó chủ yếu là phần vần như các âm chính o/ô, ă/â , i /iê, u/ uô, ê/ iê; các âm cuối t/c, n/ng; thanh hỏi và thanh ngã.
Các cặp phụ âm đầu tr/ch; r/d, gi; s/x phương ngữ Phú Yên có phân biệt trong phát âm nhưng học sinh vẫn viết sai do gần âm. Học sinh dân tộc thiểu số viết lẫn lộn y/i trong cặp vần ay/ai; không viết dấu thanh.
Thanh điệu, chủ yếu lẫn lộn thanh ngã và thanh hỏi. Học sinh dân tộc thiểu số còn bị lỗi mất dấu thanh và lẫn lộn các thanh điệu khác…
Lỗi về vần trong bài viết của học sinh THPT Phú Yên khá phức tạp, có thể thấy một số hiện tượng như mất âm đệm; lẫn lộn các âm chính trong vần; lẫn lộn giữa âm chính với tổ hợp âm đệm cộng âm chính o/oa; lẫn lộn các cặp phụ âm cuối n/ng, nh; t/ c, ch.
Ngoài lỗi do ảnh hưởng của phát âm địa phương còn có những trường hợp sai do học sinh không nắm vững mặt âm - chữ của từ.
Đa dạng nguyên nhân
Theo Phó Chánh văn phòng Lê Thị Lập, phát âm địa phương có ảnh hưởng trực tiếp đến việc viết chính tả của học sinh. Đọc lệch chuẩn đã dẫn đến viết sai. Người ta thường nói “đọc thông viết thạo”. Học sinh đọc chưa thông, phát âm lệch chuẩn thì khó viết đúng chính tả.
Học sinh viết sai vì phần nhiều chưa hiểu nghĩa của từ và tiếng (hình vị). Chẳng hạn, những tiếng sau nếu không hiểu nghĩa sẽ khó phân biệt để viết đúng: vương/vươn, đắc/đắt, sắc/sắt, dịu/diệu, nổi/nỗi, bương/bươn, trải/chải.
Chính tả tiếng Việt chủ yếu là chính tả ngữ âm học, phát âm thế nào thì viết thế ấy. Phát âm địa phương đã ảnh hưởng đến việc viết. Chính vì thế, bà Lê Thị Lập cho rằng, cần chú ý chính tả ngữ nghĩa - dựa vào nghĩa của từ để viết đúng.
Việc nắm nghĩa của từ rất quan trọng. Hiểu nghĩa của từ là một trong những cơ sở giúp học sinh viết đúng chính tả.
Ngoài ra, thói quen viết theo quy ước trong khi chat với bạn bè hàng ngày đã ảnh hưởng đến chính tả trong bài kiểm tra của học sinh.
Hậu quả của nó không những làm ngôn ngữ trở nên thiếu trong sáng mà còn khiến học sinh có nguy cơ sai chính tả khi làm bài kiểm tra.
Vấn đề cốt yếu là học sinh chưa có ý thức trong việc trau dồi chính tả. Giáo viên chưa thực sự quan tâm đến mặt chính tả trong bài viết của học sinh, đặc biệt là những môn không phải Ngữ văn cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng các em phạm lỗi chính tả một cách phổ biến.
Cần sớm có Luật Tiếng Việt
Theo Phó Chánh văn phòng Lê Thị Lập, về mặt vĩ mô, cần sớm có Luật Tiếng Việt, trong đó bao gồm cả những quy định về chính tả để xã hội và nhà trường có ý thức hơn trong việc sử dụng tiếng nói của dân tộc.
Về phía nhà trường, cần quan tâm giáo dục học sinh viết đúng chính tả. Đối với học sinh THPT, có những loại lỗi chỉ cần có ý thức là khắc phục triệt để, như lỗi về c/k/q; g/gh; ng/ngh; lỗi viết tắt, dùng kí hiệu.
Giáo viên cần thường xuyên nhắc nhở học sinh về ý thức viết chính tả. Khi chấm bài cần lưu ý hơn việc đánh giá cho điểm đối với những bài viết sai chính tả, quy định mức điểm trừ đối với lỗi chính tả.
Trong giờ học, giáo viên nên kết hợp lưu ý học sinh những tiếng dễ viết nhầm lẫn. Đó vừa là cách giúp học sinh khắc sâu kiến thức vừa nâng cao ý thức chính tả cho các em.
Phát âm ảnh hưởng nhiều đến viết chính tả. Phát âm chuẩn giúp viết đúng chính tả. Nên giúp học sinh có ý thức hướng đến phát âm chuẩn. Tuy nhiên điều lí tưởng này khó khả thi.
Vì vậy, biện pháp tính cực là khuyến khích học sinh đọc nhiều. Rèn luyện thói quen đọc đúng; đọc sách báo nhiều để tăng vốn từ, hiểu nghĩa của từ.
Đọc còn giúp học sinh nhớ mặt chữ của từ để mặc dù phát âm lệch chuẩn mà vẫn viết đúng. Đó là những cơ sở vững chắc cho việc viết đúng chính tả.
“Học sinh THPT đã có kiến thức cơ bản về Việt ngữ học, có thể vận dụng kiến thức ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp vào việc viết đúng chính tả, chẳng hạn kiến thức về từ Hán Việt, về luật hài thanh trong từ láy (ngang - hỏi - sắc/huyền - ngã - nặng), ...” – bà Lê Thị Lập lưu ý thêm.