Dạy con cách thư giãn
Trẻ em cần học cách điều chỉnh cả phản ứng cảm xúc và thể chất của chúng mỗi khi lo lắng, sợ hãi. Một số kỹ thuật giúp con thư giãn là:
- Hít thở sâu: Dạy con bạn cách hít vào, thở ra chậm rãi và suy nghĩ về những điều yêu thích giúp làm chậm nhịp tim và thư giãn cơ bắp của chúng. Thực hành việc này thường xuyên sẽ cho phép trẻ bình tĩnh hơn mỗi khi phải đối diện với điều chúng lo sợ.
- Thư giãn cơ bắp: Hầu hết trẻ em đều bị căng thẳng cơ bắp khi cảm thấy lo lắng. Nhiều đứa trẻ thậm chí còn nín thở. Vì thế, bạn nên dạy trẻ làm căng một nhóm cơ cụ thể (ví dụ cánh tay, bàn tay, cổ, vai), giữ trong 5 giây rồi thả lỏng hết cỡ, nhớ chú ý cảm giác của chúng. Làm tương tự như vậy từ đầu tới chân để hiểu được rằng lo lắng có thể ảnh hưởng tới tất cả các cơ bắp trên cơ thể.
- Tạo một bộ dụng cụ thư giãn: Hãy tạo ra một chiếc hộp giúp con thư giãn. Trong hộp có thể chứa dụng cụ âm nhạc, sách tô màu, đồ chơi, đất sét hay thú nhồi bông, tùy vào sở thích của từng đứa trẻ.
Viết ra lo lắng
Viết ra những lo lắng sẽ giúp trẻ học cách trút bỏ cảm xúc bất an trong lòng. Những đứa trẻ lo lắng cũng có xu hướng nội tâm hóa những suy nghĩ lo sợ trong thời gian dài.
Dành thời gian để viết cảm xúc 15 phút mỗi ngày và duy trì đều đặn vào một thời điểm cụ thể hàng ngày, ví dụ trước khi đi ngủ, sẽ giúp con nhẹ nhõm hơn rất nhiều.
- Viết và xé: Cho trẻ viết hoặc vẽ ra lo lắng của chúng lên một tờ giấy, yêu cầu chúng đọc to rồi xé, ném tờ giấy đi trước mặt bạn.
- Nhật ký lo lắng: Viết một cuốn nhật ký lo lắng sẽ cho phép trẻ nhìn nhận được lo lắng của mình và cải thiện nỗi lo sợ theo thời gian.
- Hộp lo lắng: Đây là một công cụ tuyệt vời để sử dụng trước khi đi ngủ. Bạn có thể sử dụng hộp đựng khăn giấy hay bất cứ thứ gì tương tự, dán nhãn vào.
Giúp con viết lo lắng của chúng mỗi ngày, nhét vào trong hộp sau khi con chia sẻ về lo lắng với bạn. Cuối cùng là mang hộp về phòng của bạn và đề nghị giữ hộp lo lắng giúp con.
Đối thoại với lo lắng
Khi trẻ biết rằng chúng được đối thoại với lo lắng, chúng cảm giác mình được trao quyền đối phó với những tác nhân gây lo lắng. Dạy con rằng những suy nghĩ lo sợ làm chúng ta bất lực nhưng khi đối thoại với nỗi lo, chúng ta có thể kiểm soát được tình hình.
Cách dễ nhất là tạo ra một nhân vật đại diện cho sự lo lắng. Sẽ dễ dàng hơn để trẻ đối thoại với một nhân vật mà trẻ có thể tự hình dung ra.