Sự khác biệt tâm lý của bé trai và bé gái trong học tập

Trong học tập, tâm lý của các bé trai và bé gái cũng không hề giống nhau trong cách giải quyết bài vở, tiếp thu kiến thức cũng như phản ứng trước những điểm số cao hay thấp. Hiểu được sự khác biệt này sẽ giúp cha mẹ nắm bắt được tâm lý con cái để có những ứng xử phù hợp.

Sự khác biệt tâm lý của bé trai và bé gái trong học tập

Cùng bị lĩnh điểm kém trong một môn học, nhưng phản ứng của Tâm và Minh không hề giống nhau. Mẹ Tâm kể rằng bạn ấy được 4 điểm môn tiếng Anh nên tâm lý khá bất ổn. Ngay khi mẹ đón Tâm ở ngoài cổng trường, mẹ đã thấy Tâm khóc thút thít ngay từ lúc bước lên xe mẹ.

Cho tới một tuần sau, Tâm vẫn cứ buồn và tiếp tục nhiều lần chảy nước mắt mặc dù gia đình vẫn cứ động viên và không có bất kỳ sức ép nào với Tâm cả.

Minh học cùng lớp với Tâm, cũng bị điểm 4 môn Tiếng Anh nhưng bố của Minh lại kể: Thằng bé chỉ có vẻ buồn buồn hôm đầu tiên nhưng ngay hôm sau, tâm lý của “hắn” lại như bình thường.

“Hắn” vui vẻ đi học, vui vẻ chơi cùng các bạn hàng xóm như không hề có chuyện gì xảy ra. Minh dường như đã quên hẳn điểm 4 môn tiếng Anh ở trường dù hôm qua “hắn” vẫn còn hậm hực là bài không quá khó nhưng chẳng hiểu sao “hắn” lại làm bài ẩu thế.

Các bé trai và bé gái khác nhau trong lĩnh vực học tập như thế nào?

Các bé gái thường dành nhiều thời gian cho bài vở, chú ý nhiều đến các chi tiết và biết sắp xếp, tổ chức bài vở của mình tốt hơn bé trai.

Ngoài ra, các bé gái rất mạnh dạn trong việc đi tìm sự hỗ trợ trong học tập như hỏi bài thầy cô, hỏi bài bố mẹ hay bạn bè những điều mà chúng chưa hiểu.

Con gái cũng thường cẩn thận hơn con trai trong việc trình bày vở ghi chép, vở bài tập… Với việc học, các bé gái thường hướng về điều này với một thái độ tích cực, cởi mở. Bởi vậy, bé gái có chút ít triển vọng hơn các bé trai trong vấn đề học tập, nhất là những năm đầu tiên đi học.

Sự khác biệt tâm lý của bé trai và bé gái trong học tập ảnh 1

Tuy nhiên, mọi thứ không hề dễ dàng cho các bé gái. Ngoài những điều tích cực kể trên, các bé gái nói chung thường quá “quan trọng hoá” chuyện học hành.

Chúng có những phản ứng tiêu cực khá mạnh mẽ nếu chúng chưa làm tốt một “nhiệm vụ” nào đó ở trường học, ví dụ như đi học muộn, bị điểm kém, trả lời không đúng với yêu cầu của giáo viên trong phần kiểm tra miệng ở trên lớp…

Thậm chí, nhiều bé gái còn tự trách bản thân nếu không may chúng có sai sót gì ở trường học. Nhìn chung, bé gái thường đặt mục tiêu cao cho việc học và sẽ thất vọng nhiều nếu mọi thứ không được như ý.

Các bé trai thường không quá “mê mẩn” việc học nên không chú tâm lắm vào chuyện này. Các bé ít có sự cố gắng và dễ dàng bỏ cuộc ngay từ đầu.

Bé trai hay bị phân tâm trong lúc học bài và muốn giải quyết đống bài tập thật nhanh để quay sang chơi chiếc xe tăng hay đuổi nhau với cậu bạn hàng xóm nên bài tập thường làm ẩu, viết chữ xấu và sai be bét.

Tuy nhiên, các bé trai lại có ưu điểm là khả năng “lội ngược dòng” tốt hơn các bé gái. Vì thế, sau khi bị điểm kém hoặc bị giáo viên phê bình quá nhiều, nếu có sự cố gắng, các bé trai có thể tập trung hơn trong việc học và dành được rất nhiều điểm cao, bù lại cho những điểm số thấp trước đó.

Sự khác biệt tâm lý của bé trai và bé gái trong học tập ảnh 2

Tại sao có sự khác biệt này?

Về trình độ nhận thức, những bé gái thường có bộ não “đỉnh” hơn các bé trai: khả năng ghi nhớ, khả năng tổ chức, sắp xếp bài vở, khả năng tiếp nhận thông tin. Những ưu điểm này giúp các bé gái rất nhiều trong học tập.

Một ví dụ được đưa ra: 4 trong 5 học sinh mắc phải hội chứng tăng động giảm chú ý lại là các bé trai. Điều này liên quan tới tiến trình xử lý thông tin và khả năng nhận thức, quyết định của bộ não.

Nói về sự phát triển, thường thì các bé gái phát triển trước và nhanh hơn các bé trai. Vì thế, các bé gái không chỉ phát triển về bộ não, về khả năng nhận thức mà còn “đứng đắn”, “trưởng thành” hơn các bé trai ở cùng độ tuổi nữa.

Sự khác biệt tâm lý của bé trai và bé gái trong học tập ảnh 3

Lý do cho sự khác biệt tiếp theo giữa bé trai và bé gái là do chính xã hội quy định. Các bé trai được giáo dục và nuôi dưỡng theo khuỵnh hướng hoạt động nhiều, hướng về các sở thích ít liên quan đến học hành hơn như chơi thể thao trong khi các bé gái lại được giáo dục theo hướng cần phải chăm chỉ, chịu khó, cẩn thận…

Không có gì bất thường nếu một số bé trai không tập trung trong học tập?

Một số bà mẹ phàn nàn: Con trai tôi rất khó tập trung trong việc học. Lúc phải làm bài tập ở nhà, thằng bé vừa viết được một chữ rồi đứng lên đi lại loanh quanh trong phòng. Lúc thì quay ra với miếng bim bim, lúc lại lấy cái tẩy, lúc lại ra uống nước…

Sự khác biệt tâm lý của bé trai và bé gái trong học tập ảnh 4

Thực tế cho thấy rằng các bé trai hoạt động hiệu quả hơn khi giờ học không phải ngồi gò bó một chỗ. Ví như như các tiết thí nghiệm ở trên lớp, học tập theo nhóm, một số môn học được tự do đi lại ở trong lớp…

Cha mẹ không nên vội kết luận con trai mình kém tập trung, đặc biệt là rơi vào hội chứng “tăng động giảm chú ý” nếu thấy bé có vẻ lơ là hoặc dễ dàng bị phân tâm trong lúc học. Thông thường, khả năng tập trung của một bé trai độ tuổi tiểu học là 7 phút.

Nếu bạn thường xuyên tự hỏi tại sao bé không thể ngồi yên một chỗ quá 10 phút đồng hồ và tự kết luận rằng: Con kém tập trung thì bạn nhầm rồi đấy. Bé đã tập trung dư được 3 phút so với khả năng tập trung của các bé trai.

Vấn đề của bé chỉ là trẻ cần được hoạt động một chút mà thôi. Vì thế, đừng cằn nhằn khi bé lấy cớ đứng lên, lấy hết cái này đến cái kia trong lúc đang làm bài tập. 7 phút là quá đủ với bé rồi.

Tại sao các bé trai thường tự đưa ra những lời bào chữa cho bản thân khi chúng làm sai điều gì?

Tâm lý chung của phái mạnh là “cái tôi” luôn đặt lên hàng đầu, thậm chí đối với cả trẻ em. Đó là lý do tại sao các bé trai luôn tìm mọi lý do để bào chữa cho mình khi bị điểm kém. Các bé thường đổ lỗi cho sự kém may mắn, thiếu thời gian làm bài, do quá nhanh nhẩu đoảng hoặc do chúng chưa thèm bỏ hết công sức vào bài kiểm tra chứ không phải do kém khả năng.

Không có gì tồi tệ hơn việc một bé trai bị chê là ngu dốt, kém thông minh nên các bé thường tìm mọi cách để tự bảo vệ mình.

Sự khác biệt tâm lý của bé trai và bé gái trong học tập ảnh 5

Để giúp con tự tin và có động cơ trong học tập, cha mẹ nên trò chuyện với con, hướng cho con xác định mục đích học tập của bản thân.

Thay vì so sánh với nhiều bạn khác để cố làm sao bằng bạn bằng bè, trước hết con nên học tốt hơn chính bản thân mình trong học kỳ I để nâng cao điểm số. Điều này sẽ giúp trẻ biết hướng đến năng lực của bản thân nhiều hơn là tự so sánh mình với các bạn khác.

Làm thế nào để giúp các bé gái bớt bị stress trước mớ bài tập, bài kiểm tra ở trường học?

Lo lắng về bài vở, bài kiểm tra ở lớp học với các bé gái là không giới hạn. Các bài tập, bài học hàng ngày có thể khiến bé mệt mỏi và căng thẳng. Nếu bạn để ý thấy con gái có biểu hiện quá lo lắng, hãy cố gắng giúp con sắp xếp lại cách học, cách giải quyết bài ở cả ở trường và ở nhà.

Có rất nhiều cách giúp bé “đối đầu” với những nỗi lo lắng. Cách thứ nhất là phải biết chuẩn bị bài vở cho tốt trước các tiết học và các bài kiểm tra.

Cách thứ hai là giúp bé tập trung vào những thứ mà bé có thể kiểm soát tốt. Ví dụ, bé có thể “kiểm soát” việc chuẩn bị tốt kiến thức trước kỳ thi bằng cách ôn luyện những bài tập giáo viên đã cho làm.

Tuy nhiên, bé lại không tập trung vào vấn đề này mà lại cứ loay hoay với câu hỏi liệu đề bài kiểm tra ngày mai có khó không, liệu bé có đủ thời gian làm bài không… Khi trẻ quá chú ý đến những yếu tố không cần thiết như vậy, trẻ đã mang đủ lo lắng vào người rồi trong khi quên bẵng mất việc chính là ôn lại những kiến thức đã học hoặc làm lại những bài tập giáo viên đã ôn kỹ.

Sự khác biệt tâm lý của bé trai và bé gái trong học tập ảnh 6

Nhiệm vụ của bố mẹ lúc này là yêu cầu trẻ quay trở về với mục đích chính chứ đừng lo nghĩ viển vông. Nhưng nếu sự lo lắng vẫn tiếp diễn và không có chuyển biến tốt, bạn nên yêu cầu trẻ dừng học, nghỉ ngơi một chút bằng cách tập một số động tác thể dục, hít thở hoặc nghe nhạc. Những bài tập chân tay đơn giản giúp trẻ thả lỏng cơ bắp, thư giãn tâm trí và làm tươi mới lại đầu óc.

Theo songmoi.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ