Cách học sinh giữ gìn bản sắc Việt trong dịp Tết cổ truyền

GD&TĐ - Tự gói bánh chưng, tìm hiểu mâm cơm đoàn viên, dọn nhà sạch sẽ tinh tươm đón năm mới, tham dự Hội chợ Xuân với nhiều trò chơi dân gian...

Học sinh Ban Mai School thi tài gói bánh chưng.
Học sinh Ban Mai School thi tài gói bánh chưng.

Đó là cách học sinh Thủ đô đang phát huy, gìn giữ bản sắc truyền thống dân tộc Việt trong dịp Tết cổ truyền.

Giáo dục tình thân gắn kết

Bên thềm năm mới, chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024, nhiều học sinh Thủ đô có cơ hội được trực tiếp trải nghiệm, tìm hiểu ý nghĩa, tinh hoa văn hoá của dân tộc nhân dịp Tết cổ truyền.

Tại Ban Mai School (quận Hà Đông) trong hai ngày (5 - 6/2), gần 2000 học sinh khối Tiểu học, Mầm non đã háo hức tham gia các hoạt động đón xuân ý nghĩa: Gói bánh chưng, thưởng thức mâm cơm đoàn viên, vui Hội chợ Xuân, dọn dẹp bàn ghế, lớp học sạch đẹp, đón chào năm mới,... Đặc biệt, nhiều hoạt động trong Hội chợ Xuân với các trò chơi dân gian như Viết thư pháp, câu đối, chơi ô ăn quan, bịt mắt đập trống, nhảy dây, đổi thẻ nhận quà,... được học sinh thích thú tham gia.

Học sinh Ban Mai School thi tài gói bánh chưng.

Học sinh Ban Mai School thi tài gói bánh chưng.

Mỗi hoạt động trải nghiệm đều mang đến một bài học ý nghĩa, giúp học sinh kết nối các giá trị của quá khứ với hiện tại, từ đó nâng cao ý thức cho các em trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Chia sẻ với Báo GD&TĐ, cô Lê Thị Mai Hương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ban Mai cho biết, với mục tiêu nuôi dưỡng các thế hệ công dân toàn cầu, bên cạnh việc đào tạo học sinh giỏi về học thuật, kỹ năng, các em còn phải có lòng yêu quý, trân trọng và gìn giữ bản sắc Việt.

"Thầy cô Ban mai School xác định dù năm năm, mười năm sau nữa, từng thế hệ học trò của nhà trường có đặt chân tới bất kì nơi nào trên thế giới, tiếp xúc với bao nhiêu nền văn hóa, thì Tết vẫn mang những giá trị truyền thống, xúc cảm diệu kỳ của tình thân gắn kết. Tết không chỉ là phần ký ức tươi đẹp, mà còn là nơi những đứa con trở về với tình yêu gia đình, nhà trường...”, cô Lê Thị Mai Hương chia sẻ.

Học sinh Ban Mai School hân hoan chào năm mới.

Học sinh Ban Mai School hân hoan chào năm mới.

Cùng hưởng ứng khám phá các hoạt động ngày Tết cổ truyền, học sinh bậc THCS, THPT tại Ban Mai School cũng hào hứng với các trải nghiệm hữu ích, như: Tìm hiểu Tết Việt & More; Dọn nhà đón Tết; Radio Blog: Tết Việt Nam và các nước; Buffet Tết đoàn viên; Hội chợ Xuân 2024 “Xuân gắn kết – Tết rạng ngời”. Thông qua chuỗi hoạt động ý nghĩa này, 100% học sinh được thể hiện vai trò lãnh đạo, dẫn dắt với tâm thái tự tin, tự chủ.

Học sinh Ban Mai School diện áo mới, hân hoan đón Tết tại trường.

Học sinh Ban Mai School diện áo mới, hân hoan đón Tết tại trường.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ban Mai cũng nhấn mạnh, tạo sân chơi để học sinh phát triển năng khiếu, giữ gìn phát huy giá trị bản sắc văn hóa là một trong những mục tiêu giáo dục trọng điểm của Nhà trường.

Để tối ưu nhiệm vụ quan trọng này, bên cạnh việc tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh nhân dịp các ngày lễ lớn trong năm, Nhà trường còn chú trọng lồng ghép các giá trị văn hoá truyền thống vào trong các môn học và dự án học tập, giúp học sinh được tiếp cận thường xuyên, đầy đủ.

"Việc đưa các nội dung giáo dục mang bản sắc văn hóa dân tộc vào chương trình học thông qua nhiều hoạt động thiết thực không chỉ giúp học sinh lưu giữ giá trị văn hóa mà còn giúp các em bồi đắp nhân cách sống, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng, góp phần nuôi dưỡng tinh hoa Việt trên hành trình trở thành công dân toàn cầu...", nữ Hiệu trưởng bày tỏ.

Sân trường ngập tràn niềm vui và hạnh phúc

Ngày hội “Tết yêu thương - Xuân hạnh phúc” của thầy và trò Trường THCS Ba Đình đã mang tới với không khí rộn ràng, rực rỡ chào Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Cô Đặng Thị Ngọc Hường - Hiệu trưởng Trường THCS Ba Đình chúc Tết tại chương trình.
Cô Đặng Thị Ngọc Hường - Hiệu trưởng Trường THCS Ba Đình chúc Tết tại chương trình.

Cô Đặng Thị Ngọc Hường - Hiệu trưởng Trường THCS Ba Đình cho biết, thầy và trò nhà trường đã có một trải nghiệm ý nghĩa với những hương vị Tết Việt ngập tràn niềm vui và hạnh phúc qua ngày hội “Tết yêu thương - Xuân hạnh phúc” tại sân trường, ngày 5/2.

Chương trình “Tết yêu thương – Xuân hạnh phúc” được tổ chức với các nội dung: Hội chợ xuân, trò chơi dân gian diễn ra vào buổi sáng và Gala văn nghệ, quay thưởng xổ số may mắn vào buổi chiều. Đây là một hoạt động ý nghĩa, một sân chơi bổ ích, lý thú giúp các em học sinh được trải nghiệm, khám phá và phát huy năng khiếu của bản thân.

Gala văn nghệ tại Chương trình “Tết yêu thương – Xuân hạnh phúc” của học sinh Trường THCS Ba Đình.

Gala văn nghệ tại Chương trình “Tết yêu thương – Xuân hạnh phúc” của học sinh Trường THCS Ba Đình.

Mở đầu chương trình là những tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Đó là những làn điệu dân ca quan họ ngọt ngào, những màn biểu diễn đậm sắc xuân của thầy và trò nhà trường. Chương trình năm nay được tổ chức với nhiều hoạt động phong phú và đa dạng. Các em học sinh sẽ được tham gia vào các gian hàng trưng bày sản phẩm, các trò chơi dân gian, các hoạt động văn nghệ và nhiều hoạt động hấp dẫn khác. Bên cạnh nhiều hoạt động của học sinh, các thầy cô giáo cũng rất tích cực tham gia hội thi gói bánh chưng, mang không khí Tết ngập tràn không gian.

Học sinh tham gia trò chơi dân gian.

Học sinh tham gia trò chơi dân gian.

"Ngày hội Tết yêu thương - Xuân hạnh phúc của thầy và trò nhà trường là cơ hội để các em học sinh được giao lưu, học hỏi, thể hiện tài năng và khẳng định bản thân. Đồng thời, cũng là dịp để nhà trường tuyên truyền, giáo dục các em về ý nghĩa của Tết cổ truyền, về truyền thống văn hóa dân tộc...", cô Ngọc Hường chia sẻ.

Hoạt động gói bánh chưng tại ngày hội.

Hoạt động gói bánh chưng tại ngày hội.

Cô Ngọc Hường cũng nhấn mạnh, hương vị Tết Việt đã được thầy và trò nhà trường tạo nên bởi hương vị của tình thân, tình bạn, tình thầy trò. Và tất cả đã mang Tết yêu thương- Xuân Hạnh phúc đến với tập thể trường THCS Ba Đình.

Việc được tự tay gói những chiếc bánh chưng, tìm hiểu mâm cơm đoàn viên, dọn nhà sạch sẽ tinh tươm đón năm mới, tham gia vẽ tranh chữ bằng mực tàu trên giấy ngay tại sân trường, dự hội chợ Xuân với trò chơi dân gian bên cạnh thầy cô và bè bạn không chỉ giúp các em học sinh được gần hơn với phong vị Tết xưa của dân tộc mà còn là cơ hội để kết nối tình cảm, sự gắn bó giữa học sinh với thầy cô, với trường với lớp. Đó chính là cách học sinh Thủ đô đang phát huy, gìn giữ bản sắc truyền thống dân tộc Việt trong dịp Tết cổ truyền.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.

Hỗ trợ thiết kế hộp quà tặng doanh nghiệp in logo