Cách giúp trẻ xây dựng lòng tự trọng

GD&TĐ - Ngay từ khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ cần giúp con xây dựng sự tự tin và lòng tự trọng...

Phụ huynh cần giúp con giải quyết vấn đề và tìm kiếm sự hỗ trợ. Ảnh minh họa: INT.
Phụ huynh cần giúp con giải quyết vấn đề và tìm kiếm sự hỗ trợ. Ảnh minh họa: INT.

Đồng thời, cha mẹ hỗ trợ trẻ tìm ra sự cân bằng giữa việc chấp nhận cá tính của mình và cảm thấy thoải mái với bạn bè.

Dấu hiệu thiếu tự tin

Mọi phụ huynh đều hy vọng con mình sẽ khỏe mạnh, hạnh phúc và tự tin. Tuy nhiên, ngay cả với những nỗ lực hết mình của cha mẹ, trẻ em vẫn sẽ gặp phải những thăng trầm trong cuộc sống.

Các sự kiện lớn như cái chết của người thân, cha mẹ ly hôn hoặc đại dịch bùng phát, có thể ảnh hưởng đến lòng tự trọng của trẻ bằng cách phá vỡ các thói quen hằng ngày. Những sự gián đoạn này có thể làm xáo trộn cảm giác an toàn và nền tảng cảm xúc của lòng tự trọng trong trẻ.

Tiến sĩ Richard Rende - nhà tâm lý học phát triển, nhà nghiên cứu và nhà giáo dục tại Mỹ cho biết, đối với trẻ em và thanh thiếu niên, lòng tự trọng bao gồm mức độ chúng thích con người mình và mức độ hài lòng của chúng với bản thân. Nhận thức về bản thân này xuất hiện từ thời thơ ấu và có thể thay đổi theo tuổi tác cũng như hoàn cảnh.

Lòng tự trọng là cách một người tự đánh giá bản thân mình như một người có giá trị, có năng lực và đáng được tôn trọng, thương cảm và yêu thương. Lòng tự trọng cao gắn liền với sự tự tin của một người vào giá trị và khả năng của chính mình.

Việc đánh giá cao về bản thân sẽ truyền cảm hứng cho lòng tự trọng và sự tự tin cao của một người. Lòng tự trọng cao mang lại động lực để vượt qua thử thách, đối phó với nghịch cảnh, phát triển các mối quan hệ tích cực với bạn bè và chăm sóc tốt bản thân, đồng thời khiến trẻ em và thanh thiếu niên coi trọng con người của mình. Từ đó, phấn đấu trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.

Trái lại, lòng tự trọng thấp có thể làm suy yếu niềm tin của trẻ vào bản thân và làm giảm động lực.

Trẻ em có lòng tự trọng thấp có thể ít có xu hướng đầu tư vào việc học tập, các hoạt động ngoại khóa và những sở thích khác. Điều này cũng có thể khiến chúng thu mình lại và phát triển những cách không lành mạnh để giải quyết vấn đề. Từ đó, khiến trẻ có nguy cơ mắc chứng lo âu và trầm cảm.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Rende, cha mẹ có thể giúp trẻ em ở mọi lứa tuổi nuôi dưỡng ý thức tích cực về giá trị bản thân. Khi ý thức này ở trẻ bắt đầu suy giảm, cha mẹ có thể giúp con điều chỉnh lại. Bước đầu tiên cha mẹ cần làm là nhận thấy các dấu hiệu trẻ có lòng tự trọng thấp, dấu hiệu của trẻ em tự ti.

“Mỗi đứa trẻ đều sẽ trải qua những thử thách và thất bại. Vậy làm sao cha mẹ biết được khi nào có điều gì đó sâu sắc hơn đang xảy ra hoặc liệu ý thức về bản thân của trẻ có bị lung lay không? Hãy xem xét những dấu hiệu có thể nói lên rằng, trẻ đang tự ti. Trong đó, các vấn đề về thể chất của trẻ ngày càng gia tăng và dai dẳng, đặc biệt là đau đầu và đau bụng, cùng với những biểu hiện chung hơn về cảm giác không khỏe. Trẻ có những thay đổi trong thói quen cơ bản hằng ngày, bao gồm ngủ (quá nhiều hoặc quá ít) và ăn (quá nhiều hoặc quá ít), đặc biệt là vào những ngày đi học”, TS Rende cho biết.

Ngoài ra, trẻ cũng có hành động bộc phát, bất chấp, dễ bực bội hoặc thu mình như không phản ứng, không nói nhiều. Trẻ tự ti sẽ có biểu hiện của sự thất vọng và buồn chán, sự tiêu cực ngày càng tăng về bản thân hoặc lo lắng về khả năng của mình.

TS Rende cho biết, điều quan trọng là cha mẹ phải tìm kiếm những thay đổi có hệ thống trong hành vi của trẻ ngoài những biến động thông thường.

xay-dung-long-tu-trong-o-tre-3.jpg
Lòng tự trọng thấp có thể làm suy yếu niềm tin của trẻ vào bản thân. Ảnh minh họa: INT.

Tìm hiểu gốc rễ

Để giúp trẻ tự tin hơn, trước tiên cha mẹ phải tìm hiểu, đánh giá nguyên nhân gây ra vấn đề. Sau đó, phụ huynh có thể giúp con giải quyết và tìm kiếm sự hỗ trợ.

Để bắt đầu, cha mẹ hãy thúc đẩy giao tiếp cởi mở với con. Phụ huynh hãy là người bắt đầu cuộc trò chuyện và biết cách lắng nghe. Đặt những câu hỏi đơn giản, đặc biệt là câu hỏi mở, thể hiện sự quan tâm và lo lắng cũng như xác nhận cảm xúc của trẻ.

Những câu hỏi như “Mẹ tự hỏi tại sao dạo này con không khỏe?” và “Hôm nay con chơi với ai ở trường?” sẽ giúp trẻ có cơ hội trò chuyện nhiều hơn với cha mẹ. Câu trả lời của trẻ sau đó có thể tạo cơ hội để phụ huynh đưa ra những câu hỏi tiếp theo. Mục tiêu là tạo không gian để trẻ kể cho cha mẹ nghe về nguồn gốc của vấn đề, ngay cả khi cần không ít thời gian. Phụ huynh không nên nghĩ rằng, trẻ nhỏ hơn sẽ không thể tự diễn đạt.

Theo TS Rende, trong quá trình nghiên cứu, ông nhận thấy, ngay cả học sinh lớp Một cũng có thể tự báo cáo chính xác về những nguồn căng thẳng có thể làm giảm lòng tự trọng của mình.

“Là người từng làm việc với trẻ em từ mẫu giáo cho đến học sinh cuối cấp trung học, tôi biết rằng, các vấn đề về lòng tự trọng có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau”, ông nhấn mạnh.

xay-dung-long-tu-trong-o-tre-1.jpg
Để xây dựng sự tự tin và lòng tự trọng cho trẻ, cha mẹ hãy khen ngợi những đặc điểm và hành vi cụ thể. Ảnh minh họa: INT.

Mô hình giải quyết

Khi xác định được nguồn gốc của vấn đề, phụ huynh có thể bắt đầu quá trình giải quyết, tháo gỡ khúc mắc cùng con mình. Trẻ em cảm thấy được hỗ trợ khi chúng hiểu rằng, việc thừa nhận những khó khăn và giải quyết là điều bình thường.

Một số kỹ thuật giải quyết vấn đề mà cha mẹ có thể áp dụng là: Khẳng định với con về những điều trẻ giỏi (bao gồm trở thành người tốt, tử tế và giúp đỡ người khác); Tìm kiếm cơ hội để cải thiện. Lưu ý là phụ huynh không nên so sánh con với người khác.

Để củng cố lòng tự tin ở trẻ, cha mẹ cũng có thể tổ chức ăn mừng khi con có những chiến thắng nhỏ. Ví dụ, khi trẻ tiến bộ hơn trong một kỹ thuật khiêu vũ, làm phép nhân tốt hơn, biết học cách bảo vệ quyền của mình với bạn bè, cha mẹ cũng nên cổ vũ con.

“Phụ huynh cần tập trung sự chú ý vào những đặc điểm tích cực của con. Đồng thời, đưa ra chiến thuật để có thể mang đến cho con một góc nhìn mới và giúp trẻ thoát khỏi vòng xoáy tiêu cực. Điều này cũng có thể giúp trẻ cảm thấy có năng lực trong khả năng đưa ra các chiến lược giải quyết vấn đề. Cha mẹ nên truyền đạt cho con rằng, một phần của việc giải quyết khó khăn là tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người quan tâm đến chúng”, chuyên gia gợi ý.

Theo TS Emily Edlynn - nhà tâm lý học lâm sàng tại Mỹ, để tập trung vào việc xây dựng sự tự tin và lòng tự trọng cho trẻ, cha mẹ hãy khen ngợi những đặc điểm và hành vi cụ thể, như: “Mẹ rất thích cách con sử dụng trí tưởng tượng của mình để tạo ra trò chơi thú vị đó! Con rất sáng tạo!”.

Phụ huynh cần nhớ rằng, điều quan trọng là lời khen phải có chọn lọc và chân thành. Nếu cứ năm giây, cha mẹ lại khen là “Con làm tốt lắm!”, thì điều đó sẽ trở nên vô nghĩa.

Ở độ tuổi đang phát triển, trẻ em nhận thức rõ hơn về sự giống nhau và khác biệt của mình với các bạn. Vì vậy, cha mẹ cũng có thể lồng ghép vào các cuộc trò chuyện hằng ngày về việc thật tuyệt khi mỗi người đều là cá thể riêng và độc đáo.

Cha mẹ hãy hỏi con xem trẻ nghĩ điều gì khiến mình khác biệt với những đứa trẻ khác. Hoặc, trẻ có thể chia sẻ về điều con thích hoặc không thích về những điểm khác biệt đó. Cha mẹ hãy nêu những điều mình thích về sự khác biệt của trẻ. Thông điệp tích cực nhất quán này từ cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp mỗi đứa trẻ cảm thấy tự tin và có lòng tự trọng cao.

Ngoài ra, hãy quan sát sự tương tác giữa trẻ với bạn bè. Trong trường hợp phụ huynh nghĩ rằng con mình đang bị bạn bè bắt nạt vì những điểm khác biệt, cha mẹ cần chuyển hướng từ việc xây dựng sự tự tin ở nhà sang quan sát những gì đang diễn ra trong thế giới của chúng. Trẻ có thể nhận thấy phản ứng của những đứa trẻ khác là tiêu cực.

Trong trường hợp đó, cha mẹ cần quan sát các tương tác nếu có thể, nói chuyện với giáo viên của trẻ về những gì đang xảy ra và trao đổi với trẻ. Dù bằng cách nào, phụ huynh cũng có thể truyền đạt cho con thông điệp rằng, trẻ được yêu thương vì chính con người của mình.

“Việc hướng đến sự tự tin và lòng tự trọng đặt nền tảng cho sự an toàn về mặt cảm xúc. Từ đó, giúp trẻ có các công cụ để quản lý những gì cha mẹ không thể kiểm soát khi trẻ bước ra xã hội. Điều quan trọng là cha mẹ luôn ở đó vì con, tôn vinh con người thật của trẻ. Khi trẻ hiểu rõ con người thật của mình, chúng sẽ biết rằng mình là người đặc biệt. Điều này có sức mạnh lớn trong việc xây dựng sự tự tin và lòng tự trọng của trẻ”, TS Emily Edlynn chia sẻ.

Theo Parents

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ