Cần được tôn trọng trước khi biết tôn trọng:

'Chìa khoá' xây dựng lòng tự trọng ở trẻ

GD&TĐ - Lòng tự trọng hình thành và phát triển thông qua các trải nghiệm của trẻ với mọi người và hoạt động xung quanh. 

Sự tiến bộ của trẻ cần được ghi nhận. Ảnh minh hoạ.
Sự tiến bộ của trẻ cần được ghi nhận. Ảnh minh hoạ.

Những trải nghiệm thời thơ ấu đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành lòng tự trọng.

Để dạy trẻ về lòng tự trọng ngay từ khi còn bé, cha mẹ hãy giúp con vượt qua những thất bại đầu đời. Đồng thời, giúp trẻ nuôi dưỡng cảm giác tự hào, tự tôn và tin tưởng vào khả năng của bản thân khi đối mặt với những thử thách trong cuộc sống.

Trẻ thiếu tự trọng luôn sợ sai

Theo các chuyên gia, khi thiếu tự trọng và tự tin, trẻ sẽ khó thành công trong việc học, cũng như công việc và cuộc sống sau này. Trẻ cũng sẽ luôn cảm thấy bản thân tồi tệ, thiếu tình thương. Bên cạnh đó, trẻ thiếu lòng tự trọng thường nuôi dưỡng suy nghĩ tiêu cực về bản thân, thông qua việc khái quát hành vi và hậu quả trong quá khứ.

Những trẻ thiếu tự tin thường không dám đặt ra bất cứ mục tiêu nào cho bản thân vì không tin rằng mình xứng đáng hay có cơ hội thành công. Thậm chí, khi thiếu tự trọng, trẻ luôn sợ thất bại, sợ sai và lo sẽ bị người từ chối. Trẻ cũng dễ bị tự ái, tổn thương và có thái độ phòng thủ với mọi người xung quanh.

Lòng tự trọng hay quan điểm cá nhân tích cực giống như là một tấm áo giáp bảo vệ trẻ trước những thử thách của cuộc sống. Những đứa trẻ biết được ưu và nhược điểm của bản thân sẽ có thể dễ dàng đối diện với khó khăn. Khi đó, trẻ có khả năng loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực nếu gặp áp lực trong cuộc sống.

Ngược lại, những đứa trẻ có quan điểm cá nhân thiếu tích cực sẽ thường cảm thấy lo lắng hoặc chán nản khi đối mặt với thử thách. Trẻ cũng sẽ gặp phải nhiều khó khăn trong việc tìm cách giải quyết vấn đề. Nếu có những suy nghĩ tiêu cực và tự kiểm điểm, ví dụ như “tôi không tốt” hoặc “tôi không thể làm được việc gì”, các em sẽ dễ dàng bị rơi vào tình trạng thụ động, rút lui hoặc chán nản. Khi đối diện với thử thách mới, cách phản ứng của trẻ thường sẽ là “tôi không thể”.

Tự trọng cũng tương tự như là cách chúng ta cảm thấy và trân trọng bản thân. Lòng tự trọng thường hình thành từ thời thơ ấu và tiếp tục được nuôi dưỡng cho đến khi chúng ta trưởng thành. Vì vậy, cha mẹ cần bồi dưỡng lòng tự trọng cho trẻ ngay từ nhỏ. Khi cố gắng nhưng thất bại, sau cùng có thể đạt được thành công, trẻ sẽ dần có nhận thức về khả năng của mình.

Theo các chuyên gia, sự giúp đỡ của cha mẹ là chìa khóa để trẻ có nhận thức đúng đắn và hiểu rõ giá trị bản thân.

Cha mẹ cần bình tĩnh khi con mắc lỗi. Ảnh minh hoạ.

Cha mẹ cần bình tĩnh khi con mắc lỗi. Ảnh minh hoạ.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), trẻ có lòng tự trọng cao dễ hợp tác, cũng như thành công ở trường. Trẻ cũng sẽ có nhiều bạn, thích những thách đố, ham học và thích nghi với stress tốt hơn. Trái lại, trẻ có lòng tự trọng thấp thường ngại nói điều mới, dễ bỏ cuộc.

Bác sĩ Khanh lý giải, trẻ có lòng tự trọng thấp thường nghĩ xấu về mình, cho rằng bản thân kém cỏi. Song, ý nghĩ này có thể xuất phát từ cách giáo dục của phụ huynh.

Trong đó, việc cha mẹ thiếu khen ngợi, tình cảm, cũng như quan tâm, không công nhận thành quả của bé có thể là nguyên nhân góp phần khiến trẻ có lòng tự trọng thấp. Cha mẹ cũng có thể thường xuyên phê phán hay hành động gây xúc phạm, tổn thương trẻ, hoặc so sánh bất lợi với anh chị em của bé. Việc thiếu động viên về sự tự chăm sóc bản thân, không sinh hoạt thể dục đều đặn cũng góp phần làm nên những trẻ thiếu tự trọng.

Để giúp trẻ xây dựng lòng tự trọng, bác sĩ Khanh khuyến cáo, phụ huynh cần khen ngợi đúng , kịp thời. Phụ huynh có thể nói với trẻ là mình sẵn sàng chăm sóc con khi cần. Đồng thời, hãy dạy trẻ trở thành người bạn tốt.

Cha mẹ cũng nên động viên trẻ tự xây dựng mục tiêu, tự đánh giá thành quả, tự lập. Phụ huynh hãy khuyến khích trẻ bày tỏ ý kiến, giúp bé có tính hài hước và cho phép con tự quyết định nếu đúng.

Khi trẻ có ý nghĩ xấu về bản thân, cha mẹ cần giải thích cho con hiểu rằng, sai không có nghĩa là thất bại hoàn toàn. Sau đó, hãy kể gương của bản thân hay người khác về sự vượt khó. Khi đó, trẻ sẽ hiểu rằng, ai cũng có lỗi và không ai hoàn hảo.

Cha mẹ cũng cần giúp trẻ ứng xử đúng với điều chán nản, nhất là khi thay đổi môi trường mới, năm học mới. Đồng thời, không nên kỳ vọng quá nhiều ở trẻ.

Phụ huynh nên chấp nhận cảm xúc của con. Ảnh minh hoạ.

Phụ huynh nên chấp nhận cảm xúc của con. Ảnh minh hoạ.

Cho phép trẻ mắc lỗi

Trong khi đó, bác sĩ Lê Thu Phương - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cho biết, nuôi dưỡng lòng tự trọng của trẻ độ tuổi mẫu giáo là một trách nhiệm khó khăn. Bởi, ngay cả những người lớn tự tin nhất đôi khi cũng cảm thấy không tốt về bản thân.

Để giúp trẻ có lòng tự trọng, phù hợp với lứa tuổi, cha mẹ cần yêu thương con vô điều kiện. “Hãy âu yếm, hôn và vỗ nhẹ vào lưng của trẻ, thường xuyên bày tỏ rằng bố mẹ yêu con nhiều như thế nào, bất kể con là ai hay làm gì. Lòng tự trọng của trẻ nảy nở khi bạn chấp nhận con người thật của bé, bất kể ưu hay khuyết điểm, mọi tính khí và khả năng của con”, bác sĩ Phương gợi ý.

Trong trường hợp phải kỷ luật trẻ, cha mẹ hãy nói rõ rằng, hành vi của con là không thể chấp nhận được, chứ không phải bố mẹ ghét con. Ví dụ, thay vì nói: “Con nghịch quá! Tại sao không chịu ngoan ngoãn vậy?”, cha mẹ hãy nói: “Đẩy ngã bạn như thế là không hay, vì có thể làm đau bạn. Hứa với mẹ không đẩy bạn nữa nhé”.

Một yếu tố quan trọng khác để giúp trẻ xây dựng lòng tự trọng là dành cho con một khoảng thời gian riêng với bố mẹ. Phụ huynh và con có thể cùng nhau đi dạo hoặc trò chuyện trực tiếp trong 30 phút trước khi đi ngủ. Điều này sẽ giúp bé nâng cao nhận thức về giá trị bản thân. Bởi, hành động đó khiến trẻ hiểu rằng, con rất quan trọng với bố mẹ.

Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần đặt ra những giới hạn và yêu cầu trẻ nghiêm túc chấp hành. Thực tế, một số quy tắc gia đình sẽ giúp xây dựng lòng tự trọng của trẻ. Cha mẹ cần rõ ràng và nhất quán. Hãy cho trẻ thấy rằng, cha mẹ tin tưởng và luôn mong trẻ làm điều đúng đắn.

Theo bác sĩ Phương, cha mẹ cũng hãy đưa ra các lựa chọn cho trẻ. Ví dụ, đối với trẻ 2 tuổi, phụ huynh hãy đưa cho con 2 lựa chọn. Bởi, ở tuổi này, trẻ chưa thể quyết định quá nhiều. Trong khi đó, trẻ 3 - 4 tuổi có thể xử lý nhiều lựa chọn hơn. Việc cho trẻ lựa chọn sẽ gửi đi thông điệp rằng, cha mẹ tin tưởng vào khả năng phán đoán của con. Điều đó sẽ giúp trẻ nâng cao giá trị bản thân hơn và cũng là cách dạy bé về lòng tự trọng.

Một yếu tố vô cùng quan trọng là cha mẹ hãy cho phép con mắc sai lầm. Đồng thời, hãy giúp con hiểu rằng, ai cũng mắc sai lầm. Vì vậy, trẻ không cần cảm thấy quá thất vọng về bản thân.

“Với bố mẹ cũng vậy. Nếu mắc sai lầm, hãy bình tĩnh và thừa nhận, sau đó tiếp tục cuộc sống. Trẻ cần biết rằng, đôi khi hơi ngu ngốc, ẩu đả một chút cũng không sao. Khi giúp con khắc phục hậu quả êm xuôi, bé cũng dễ dàng chấp nhận những khuyết điểm của mình hơn”, bác sĩ Thu Phương chia sẻ.

Bên cạnh đó, cha mẹ được khuyến khích hãy tạo cơ hội thành công cho trẻ. Ví dụ, phụ huynh có thể lấy một chiếc ghế đẩu để trẻ dễ dàng rửa tay và đánh răng tại bồn rửa. Hoặc, tìm một nơi để đồ chơi và sách vừa tầm với của trẻ. Bằng cách hỗ trợ con tự chăm sóc các nhu cầu của bản thân, cha mẹ sẽ nuôi dưỡng lòng tự trọng và tính độc lập của trẻ. Bé cũng sẽ tự hào về khả năng làm việc của mình.

Cha mẹ cũng cần tôn vinh điều tích cực. Hãy ghi nhận những điều tốt mà trẻ đã làm. Hành động đó sẽ giúp nâng cao cảm giác hoàn thành của trẻ bằng cách cho bé biết chính xác những gì con đã làm đúng.

Ngoài ra, để giúp trẻ xây dựng lòng tự trọng, cha mẹ hãy chấp nhận cảm xúc của con. Ví dụ, khi trẻ quấy khóc dữ dội vì phải rời sân chơi để về nhà, phụ huynh hãy cố gắng hết sức để nhìn nhận điều này theo quan điểm của trẻ.

Bằng cách chấp nhận cảm xúc của con mà không phán xét, cha mẹ sẽ thể hiện sự coi trọng lời nói và suy nghĩ của trẻ. Một lưu ý khác là phụ huynh cần tuyệt đối không so sánh.

“Tránh đưa ra những nhận xét như: “Tại sao con không ngoan như bạn A/giỏi như bạn B?”. Những lời nhận xét kiểu này chỉ làm mất đi lòng tự trọng của trẻ, khiến bé thấy tồi tệ về bản thân. Ngay cả những so sánh tích cực, như nói rằng con giỏi nhất ở lĩnh vực nào đó, cũng có khả năng gây tổn hại cho một đứa trẻ. Vì sau đó, chúng phải cố gắng sống theo hình ảnh này”, bác sĩ Phương cho biết.

Ngoài ra, phụ huynh cũng cần làm mẫu về lòng tự trọng cho trẻ. Hãy thể hiện sự tự hào về bản thân và những nỗ lực, cũng như cố gắng hết sức. Điều quan trọng là phụ huynh hãy khích lệ trẻ.

Theo bác sĩ Phương, khuyến khích có nghĩa là ghi nhận sự tiến bộ, không chỉ là thành tích khen thưởng. Vì vậy, nếu trẻ đang gặp khó khăn trong việc cài nút áo của mình, thay vì lao vào làm hộ con, hãy nói: “Con đang rất cố gắng và sắp làm được rồi đó!”. Điều đó khiến trẻ cảm thấy hài lòng về bản thân ngay cả khi vẫn chưa thành thạo kỹ năng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ