Cách điều trị và phòng ngừa viêm thanh quản

GD&TĐ - Môi trường làm việc đặc biệt, nghề nghiệp đặc thù phải dùng giọng nói thường xuyên, nên thầy cô giáo hay mắc chứng bệnh viêm thanh quản. Bệnh thường gây khó chịu nếu không chữa trị kịp thời dễ dẫn tới mạn tính.

Viêm thanh quản là bệnh nghề nghiệp của giáo viên.	Ảnh: TG.
Viêm thanh quản là bệnh nghề nghiệp của giáo viên. Ảnh: TG.

Phiền hà khi mắc bệnh

Viêm thanh quản là căn bệnh thường gặp ở những người mà dây thanh quản phải hoạt động nhiều trong đó có nghề giáo. Khi người bệnh bị viêm thanh quản đồng nghĩa với dây thanh bị kích thích và gây viêm nhiễm. Tình trạng này dẫn đến sự biến dạng của các âm thanh.

Đây là nguyên nhân khiến người bệnh bị khàn giọng thậm chí mất giọng, nói không phát ra âm thanh. Không ít thầy cô giáo trong cuộc đời dạy học của mình đã hai, ba lần mắc phải chứng bệnh viêm dây thanh quản.

Đặc biệt với khí hậu lạnh của mùa đông miền Bắc, nếu không giữ ấm cơ thể khi bị viêm họng cũng rất dễ dẫn tới căn bệnh này.

Cô Nguyễn Thị Tâm, giáo viên Trường Marie Curie - Hà Nội tâm sự: Là giáo viên dạy môn Ngữ văn nên cô thường xuyên phải sử dụng giọng nói để truyền thụ kiến thức cho học sinh. “Thông thường tôi phải dạy từ 5 - 7 tiết một ngày.

Nếu được xếp thời khóa biểu cách tiết các giáo viên còn có thời gian nghỉ để lấy hơi. Nhưng những hôm phải đứng lớp bốn, năm tiết liền thì sau đó cổ họng thường bị trống và khô. Đặc biệt, những thời điểm cuối kỳ và cuối năm, vào đợt ôn tập cho học sinh, cường độ làm việc nhiều hơn, nên chúng tôi cũng hay mắc chứng đau rát họng.

Những tháng mùa đông, thời tiết lạnh khiến cơ thể khó thích nghi nên việc bị viêm họng là không tránh khỏi. Có những lần do nhiễm lạnh, tôi bị đau rát họng nhưng vẫn cố đứng lớp khiến bệnh kéo dài mất cả tiếng tới hai tuần liền.

Khi đi khám, bác sĩ chẩn đoán tôi bị viêm thanh quản và đã kê thuốc kháng sinh điều trị đồng yêu cầu tôi phải hạn chế nói thì mới có thể khỏi bệnh. Lần đó tôi phải nghỉ dạy tới hơn một tuần liền”, cô Tâm cho biết.

Theo cô Vũ Thị Kim Phượng, giáo viên Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội), ngoài thời gian giảng dạy, đa phần các giáo viên phải kiêm nhiệm công tác chủ nhiệm lớp, nên việc nhắc nhở, quán xuyến học sinh cũng khiến các thầy cô phải nói nhiều hơn.

Đặc biệt vào khoảng thời gian sau nghỉ hè, những ngày đầu của năm học mới, không ít giáo viên có hiện tượng viêm họng, mất giọng khi thay đổi tần suất nói đột ngột hơn sau thời gian được nghỉ ngơi.

Trong số đó có những giáo viên trẻ mới ra trường, do chưa biết tiết chế giọng nói khi giảng dạy sẽ hay mắc bệnh viêm dây thanh quản.

Viêm dây thanh quản có thể dẫn tới mất tiếng và kéo theo nhiều hệ lụy khác.

 Viêm dây thanh quản có thể dẫn tới mất tiếng và kéo theo nhiều hệ lụy khác.

Bắt bệnh viêm dây thanh quản

Trao đổi về căn bệnh viêm thanh quản, là người chuyên điều trị các bệnh về đường hô hấp, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Ngọc Hồng, Trưởng khoa Bệnh phổi nghề nghiệp của Bệnh viện Lao Phổi Trung ương cho biết: Trong cổ họng, thanh quản là cơ quan phát âm với cấu tạo dây thanh là 2 nếp gấp của niêm mạc bao bọc phần cơ và sụn.

Giọng nói được phát ra chính là nhờ sự đóng - mở của dây thanh, nếu quá trình này diễn ra liên tục, dây thanh sẽ bị viêm hoặc bị kích thích dẫn tới khàn giọng. Họng xuất hiện dịch nhầy, nặng hơn có thể mất tiếng hoàn toàn.

Thầy cô giáo là những người mà tần suất phát ra âm thanh khá nhiều nên rất dễ mắc chứng bệnh viêm dây thanh quản. Đây là một trong những căn bệnh nghề nghiệp của các giáo viên.

Điều nguy hiểm, căn bệnh viêm thanh quản có thể dẫn tới những biến chứng. Một số trường hợp viêm thanh quản do nhiễm trùng, sau đó có thể lan sang các bộ phận khác của đường hô hấp. Viêm thanh quản mạn tính có thể gây ung thư vòm họng, ung thư thanh quản... đe dọa tính mạng của người bệnh.

Viêm thanh quản cấp tính chỉ kéo dài trong vài ngày. Các triệu chứng bệnh sau khoảng 7 ngày hoặc kéo dài đến 2 tuần là biến mất sau khi được điều trị về triệu chứng. Nếu các triệu chứng viêm thanh quản kéo dài hơn 3 tuần, thì đây là viêm thanh quản mạn tính và cần được điều trị sớm.

Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Hồng, bệnh này có thể gặp ở mọi lứa tuổi, thường gặp ở mùa đông, xuân, mùa hè và giáo viên là đối tượng hay mắc nhiều nhất, do đặc thù nghề nghiệp. Khi người bệnh bị nhiễm trùng đường hô hấp trên, hoặc lạnh sẽ có các biểu hiện ho khan, viêm họng, sốt...

Mắc bệnh viêm thanh quản, người bệnh sẽ có các triệu chứng như: Các hạch bạch huyết sưng (các tuyến bạch huyết) ở cổ, đau khi nuốt; Người bệnh sẽ có cảm giác đầy trong cổ họng, hoặc sổ mũi, có khi bị mất giọng nói khó khăn trong giao tiếp.

“Để phòng tránh bệnh viêm thanh quản mọi người không nên hút thuốc, tránh ngửi phải khói thuốc. Vì khói thuốc sẽ làm khô cổ họng và kích thích dây thanh âm của bạn. Hạn chế rượu và cà phê, điều này khiến bạn mất tổng lượng nước trong cơ thể. Nên uống nhiều nước.

Chất lỏng giúp giữ cho chất nhầy trong cổ họng của bạn mỏng và dễ dàng để làm sạch. Tránh ăn thức ăn cay nóng. Thức ăn cay có thể gây ra axit dạ dày di chuyển vào cổ họng hoặc thực quản, gây ợ nóng hoặc bệnh trào ngược dạ dày (GERD).

Muốn có một cơ thể khỏe mạnh, bạn cần bổ sung ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau trong chế độ ăn uống của mình. Những loại thực phẩm này chứa các vitamin A, E và C, giúp giữ cho các màng nhầy ở trong cổ họng khỏe mạnh; Nên rửa tay thường xuyên, và tránh tiếp xúc với những người bị nhiễm trùng đường hô hấp...”, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hồng đưa ra khuyến cáo.

Viêm thanh quản mạn tính là hậu quả của tình trạng viêm thanh quản kéo dài do cảm lạnh hay nhiễm trùng đường hô hấp. Chanh tươi và mật ong sẽ là bài thuốc dân gian điều trị các bệnh về đường hô hấp như đau họng, viêm amidan, viêm thanh quản mãn tính hiệu quả.
Cách làm: Lấy 1 quả chanh, rửa sạch và dùng dao bén khía lớp vỏ ngoài quả thành hình múi khế. Đặt quả chanh vào một cái chén nhỏ rồi cho thêm mật ong nguyên chất đủ để thấm được vào cả quả. Sau 2 giờ thì lấy chanh ra cắt miếng và ngậm nuốt nước từ từ, uống luôn cả phần nước mật ong và chanh tươi sẽ rất tốt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Mẫu viên nang điều trị mất ngủ có thành phần từ dược liệu: Xấu hổ, vông nem, hậu phác nam và cam thảo nam.

Viên nang dược liệu chữa mất ngủ

GD&TĐ - Các nhà khoa học Đại học Y Dược TPHCM đã nghiên cứu bào chế viên nang hỗ trợ điều trị mất ngủ có thành phần từ dược liệu.
Minh họa/INT.

Phê bình nghệ thuật đang ở đâu?

GD&TĐ - Một thực tế khá phổ biến trong đời sống sinh hoạt nghệ thuật là các nhà phê bình lặng lẽ “đi trốn”, phó mặc “sân chơi” truyền thông, mạng xã hội.
Với tư cách ông bà, bạn có rất nhiều điều để cống hiến cho các thế hệ trẻ trong gia đình mình. (Ảnh: ITN)

Kỹ năng giúp ông bà gần gũi cháu

GD&TĐ - Hãy cùng khám phá những lợi ích của việc kết nối với thế hệ trẻ và cách xây dựng mối quan hệ lành mạnh, giàu cảm xúc với con cháu của bạn.