Cách để không bị áp lực tâm lý phòng thi

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Trước khi bước vào kỳ thi, các em hãy tạo cho mình tâm lý bình tĩnh, thoải mái và tự tin đó là yếu tố quyết định 50% thành công của kỳ thi.

Cô Lê Thị Kim Nhung - tổ trưởng tổ chuyên môn, Trường THPT Hương Khê (Hà Tĩnh) cùng học trò. Ảnh NVCC.
Cô Lê Thị Kim Nhung - tổ trưởng tổ chuyên môn, Trường THPT Hương Khê (Hà Tĩnh) cùng học trò. Ảnh NVCC.

Đó là chia sẻ của cô Lê Thị Kim Nhung - tổ trưởng tổ chuyên môn, Trường THPT Hương Khê (Hà Tĩnh).

Không để bản thân bị mất bình tĩnh

Cô Kim Nhung chia sẻ, đối với môn tiếng Anh, các em hãy hình dung lại đề minh họa với những kiến thức trọng tâm đã được ôn tập kỹ qua các bộ đề cô thầy luyện tập tại lớp và giao ở nhà. Không nên để tâm lý lo lắng khiến cho bản thân bị mất bình tĩnh trong quá trình làm bài thi”.

Theo cô Kim Nhung, để đảm bảo làm bài đạt điểm trung bình trở lên các em cần phải làm đúng ít nhất 25 câu trắc nghiệm trong đề.

Các câu đó bao gồm các câu hỏi nhận biết và thông hiểu về các chủ đề: phối hợp thì, so sánh, bị động, câu hỏi đuôi, động từ nguyên thể và danh từ, động từ, kiến thức về từ loại, phát âm nguyên âm và phụ âm, động từ khuyết thiếu, câu gián tiếp, đại từ liên hệ và lượng từ...

Đối với những thí sinh muốn có điểm số tốt để xét tuyển đại học, cao đẳng: “Các em phải nắm vững thêm một số kiến thức về mạo từ, giới từ, cụm động từ, cụm từ cố định, đảo ngữ, biến đổi câu về thì, từ đồng nghĩa, trái nghĩa”.

Cô Kim Nhung lưu ý các thí sinh, quá trình làm bài đọc theo đúng các kỹ năng mà cô thầy đã trang bị cho chúng ta nhằm tiết kiệm thời gian và có thể kiểm tra lại được bài làm cẩn thận.

“Muốn có điểm tối đa về môn tiếng Anh, chúng ta cần làm nhanh và chắc chắn các câu cơ bản, rà soát kỹ các câu vận dụng và sử dụng khả năng phân tích phán đoán để có thể làm đúng câu thành ngữ mình chưa gặp. Ta cần nhớ nhiều câu thành ngữ có thể dựa vào câu chữ vẫn phán đoán được đáp án đúng với tỉ lệ cao”, cô Kim Nhung nhấn mạnh.

Cần nghiên cứu quy chế thi

Theo cô Kim Nhung những ngày cuối cùng này, lượng kiến thức các em bổ sung trong thời gian quá cũng đã đầy đủ. Vì vậy thí sinh cần chú ý kỹ sức khỏe, điều chỉnh đồng hồ sinh học để có tâm lý tốt nhất khi thi.

Thời gian này, các em cũng nên nghiên cứu quy chế thi để thực hiện đúng và tránh các vi phạm ảnh hưởng đến kết quả thi của mình. Đặc biệt, cần kiểm tra các dụng cụ cần thiết như bút bi, bút chì và tẩy, máy tính đã chuẩn bị đầy đủ chưa, tránh để đến ngày thi mới chuẩn bị là cập rập, thiếu dụng cụ.

Học sinh Trường THPT Hương Khê (Hà Tĩnh). Ảnh NVCC.

Học sinh Trường THPT Hương Khê (Hà Tĩnh). Ảnh NVCC.

“Cuối cùng, cô chúc các em có một mùa thi thành công, toại nguyện, đạt được ước mơ hoài bão của mình và đưa lại niềm vui cho bản thân, gia đình và thầy cô giáo đã đặt niềm tin và hi vọng vào các em nhé”, cô Kim Nhung nhắn nhủ.

Đến ngày 14/6, cả nước có 1.024.063 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, 968.160 thí sinh đăng ký trực tuyến, chiếm 95% tổng số thí sinh.

Trong đó, thí sinh tự do: 37.841 chiếm 3,69% tổng số thí sinh; thí sinh chỉ xét tốt nghiệp: 47.769 chiếm 4,66%; thí sinh chỉ xét tuyển sinh ĐH: 34.155 chiếm 3,33% tổng số thí sinh; thí sinh vừa xét tốt nghiệp, vừa tuyển sinh: 943.340 chiếm 92,91% tổng số thí sinh.

Có 323.187 thí sinh đăng ký thi bài tổ hợp Khoa học tự nhiên (31,52%); 566.921 thí sinh đăng ký thi bài tổ hợp Khoa học xã hội (chiếm 55,30%).

Số điểm thi trên toàn quốc là 2.273; tổng số phòng thi là 44.661.

Bộ GD&ĐT đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp tổ chức Kỳ thi; phân công nhiệm vụ và triển khai hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp quốc gia.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, diễn ra vào 4 ngày: 27, 28, 29, 30/6. Trong đó, ngày 27/6 là ngày làm thủ tục dự thi; ngày 28 và 29/6 tổ chức coi thi; ngày 30/6 là ngày thi dự phòng.

Trước kỳ thi, các thí sinh nên học chắc kiến thức cơ bản, rèn luyện kỹ năng làm, củng cố kiến thức bằng cách luyện đề. Bên cạnh đó, giữ gìn sức khoẻ, ăn uống đủ các dưỡng chất để có sức khoẻ tinh thần và thể chất tốt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ