Chỉ còn hơn 2 tháng nữa, thí sinh cả nước sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. Dưới đây là một số điểm mấu chốt, cô Lê Thị Minh Phương - Tổ Ngoại ngữ, Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (Thừa Thiên - Huế) lưu ý thí sinh để ôn tập và làm bài thi đạt kết quả cao.
Dành thời gian làm đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT
Theo cô Lê Thị Minh Phương, thứ nhất, bắt đầu ôn tập sớm, nhất quán và thường xuyên theo dõi tiến trình học của mình. Thời gian cần thiết để tập trung ôn tập cho kỳ thi tốt ngiệp THPT tùy thuộc vào trình độ ban đầu và cường độ học của mỗi học sinh.
Học sinh cần dành thời gian để làm quen với các yêu cầu cụ thể của bài thi và quen với hình thức, định dạng bài thi thông qua việc tìm hiểu và làm đề thi minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Nếu đã biết cấu trúc của bài thi và hiểu các dạng bài được sắp xếp như thế nào, học sinh sẽ không phải mất thêm thời gian để tìm hiểu nó trong quá trình thi. Biết phân tích nội dung, cấu trúc đề minh họa cho phép học sinh phần nào tự kiểm tra được kiến thức mình đang có và ưu tiên sự tập trung học tập của mình, tránh ôn tập một cách lan man, không nắm vững và nhầm lẫn kiến thức.
Thứ hai, ôn tập thật chắc kiến thức ngữ pháp và từ vựng cơ bản, không chủ quan dẫn đến mất điểm đáng tiếc. Trong đề thi, luôn có những câu hỏi với mức độ nhận biết dành cho đối tượng học sinh đại trà. Ôn tập kĩ những câu hỏi này sẽ giúp học sinh hình thành phản xạ làm bài, rút ngắn thời gian làm bài, yên tâm hơn về điểm số và tập trung suy nghĩ cho những câu hỏi khó hơn. Chỉ sau khi có một nền tảng tốt, học sinh mới có thể thực hiện bước tiếp theo: cải thiện các kĩ năng đọc hiểu, mở rộng vốn từ, cấu trúc khó, chinh phục những câu hỏi có độ phân hóa cao.
Thứ ba, tập làm quen với cách làm bài trắc nghiệm và chuẩn bị tâm lý cho kỳ thi. Một số học sinh trong các bài thi không đạt được kết quả như mong muốn do không quen tập trung cao độ để làm bài trong một thời gian ngắn. Vì vậy, học sinh nên tận dụng mọi cơ hội làm các bài thi thử tại trường phổ thông, hay các bài khảo sát năng lực. Vào cuối quá trình ôn thi, hãy luyện tập với các bài kiểm tra có mức độ tương đương theo đúng thời gian quy định để vừa tự kiểm tra lại kiến thức của mình vừa quen với việc giữ tâm lý bình tĩnh khi làm bài.
Thứ tư, chú ý đến các dạng bài khó, những câu hỏi phân hóa trong đề thi. Đây được xem là những câu quyết định khả năng cạnh tranh với những thí sinh khác trong quá trình xét đại học.
Dạng bài thường gây khó khăn cho học sinh nhất là bài đọc hiểu. Để có thể làm tốt dạng bài này, học sinh cần trang bị đa dạng vốn từ theo chủ điểm và nắm vững các kĩ năng đọc hiểu như đọc lướt, đọc chi tiết, tìm nội dung chính, đoán nghĩa của từ… Học sinh cũng cần luyện khả năng đọc nhanh để có thể đọc bài và trả lời các câu hỏi trong một thời gian nhất định, tránh đọc quá lâu làm ảnh hưởng đến thời gian làm các phần khác.
Bên cạnh đó, các câu hỏi về từ vựng, cụm từ cố định hay thành ngữ là những câu hỏi mang tính phân hóa cao. Vì vậy, thí sinh cần làm giàu vốn từ vựng, thực hành đoán nghĩa của một từ dựa vào ngữ cảnh. Điều này không xảy ra trong một sớm một chiều nên cần cố gắng học ít nhất 10 từ mới từ các chủ đề khác nhau mỗi ngày.
Không để trống bất kì câu trả lời nào
Đồng thời, cô Lê Thị Minh Phương lưu ý, thí sinh cần nhớ những nguyên tắc chính khi làm bài trắc nghiệm như sau:
- Không để trống bất kì câu trả lời nào trên phiếu trả lời trắc nghiệm. Ngay cả khi không biết câu trả lời, dùng phương pháp loại trừ và chọn đáp án có khả năng đúng nhất. Trước khi nộp bài, đảm bảo rằng tất cả các câu trả lời đã được tô vào phiếu trả lời trắc nghiệm.
- Đọc kỹ các hướng dẫn trong khi làm bài thi, tránh nhầm lẫn yêu cầu của đề bài, nhất là trong các câu tìm từ đồng nghĩa, trái nghĩa.
- Luôn cẩn thận trong quá trình làm bài thi, câu nào chắc câu ấy, để không mất thời gian xem lại trong khi thời gian không có nhiều.
- Phân chia thời gian cho các nội dung bài tập một cách hợp lý: bắt đầu với những câu mình nắm rõ nhất như những câu về ngữ pháp cơ bản, tìm lỗi sai… Điều này giúp các em tự tin hơn để hoàn thiện các phần tiếp theo, tránh để những bài khó khiến mình mất tự tin, lo lắng ảnh hưởng đến tâm lý làm bài.
Nếu đã dành hơn một phút để trả lời một câu hỏi mà vẫn không tìm ra câu trả lời, hãy đánh dấu câu hỏi đó để chuyển sang câu hỏi tiếp theo và quay lại sau khi đã hoàn thành các câu khác.
* "Bí quyết bỏ túi" cho thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT - xem TẠI ĐÂY