Cách đặt câu hỏi gợi mở trong dạy học

GD&TĐ - Cô Trần Huyền Anh, GV Trường THCS Trung Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ về vai trò của việc đặt câu hỏi và cách đặt câu hỏi gợi mở trong dạy học.

Giờ học tại Trường THCS Trung Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội).
Giờ học tại Trường THCS Trung Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội).

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc đặt câu hỏi có vai trò quan trọng trong quá trình dạy học, cô Trần Huyền Anh cho rằng, đặt câu hỏi tạo điều kiện và kích thích học sinh tham gia vào quá trình dạy học; dẫn dắt, gợi mở, kích thích học sinh tư duy, tìm tòi, khám phá tri thức mới.

Đặt câu hỏi cũng giúp giáo viên kiểm tra, đánh giá mức độ làm chủ kiến thức và kỹ năng cũng như sự quan tâm, hứng thú của học sinh đối với nội dung học tập; đồng thời định hướng, thu thập, mở rộng thông tin, kiến thức cho học sinh.

“Vai trò của giáo viên hiện nay đã thay đổi một cách căn bản. Thầy cô là người đặt ra vấn đề, tạo ra môi trường để quá trình ghi nhớ được tốt hơn, có chủ định, phát huy khả năng phát hiện vấn đề và kỹ năng giải quyết vấn đề ở học sinh.

Vì vậy, cách đặt câu hỏi trong dạy học cũng cần đáp ứng mục tiêu của bài dạy: Học sinh cần biết gì? Hiểu gì? Làm được gì? Thực hiện những hoạt động nào? Theo thang Bloom, lĩnh vực tri thức được chia thành 6 phạm trù chính yếu với hai mức độ tư duy: tư duy bậc thấp (nhận biết, thông hiểu, vận dụng), tư duy bậc cao (phân tích, tổng hợp, đánh giá)”, cô Trần Huyền Anh lưu ý.

Chia sẻ kinh nghiệm để đặt câu hỏi gợi mở đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp theo Chương trình GDPT 2018, cô Trần Huyền Anh cho rằng có thể sử dụng phương pháp phân loại kỹ năng tư duy của Bloom làm kim chỉ nam để đặt câu hỏi.

Cụ thể câu hỏi “biết”: giúp học sinh tái hiện những gì đã biết, học sinh dựa vào ghi nhớ trả lời. Cách đặt câu hỏi thường dưới dạng kể lại, liệt kê, mô tả, gọi tên, cho biết…

Câu hỏi “hiểu”: kiểm tra học sinh cách liên hệ, kết nối các dữ liệu, số liệu. Cách đặt câu hỏi thường dưới dạng giải thích, nêu ý chính, tóm tắt, trình bày, mô tả,…

Câu hỏi vận dụng: kiểm tra khả năng áp dụng kiến thức thu được vào tình huống mới. Cách hỏi có thể cho một tình huống, ví dụ…

Câu hỏi phân tích: kiểm tra khả năng phân tích nội dung vấn đề từ đó tìm ra mối liên hệ. Cách hỏi là chứng minh luận điểm, đề xuất,…

Câu hỏi đánh giá: kiểm tra khả năng suy xẻt, chọn lọc, lựa chọn, quyết định, phán đoán của học sinh. Cách hỏi là nhận xét, nêu ý kiến,…

Câu hỏi tổng hợp: cách hỏi là yêu cầu sự đề xuất, sáng tạo, dự đoán, lên kế hoạch, xây dựng, thiết kế,…

Một số chiến lược đặt câu hỏi hiệu quả được cô Trần Huyền Anh chia sẻ như:

Câu hỏi bên lề: hữu ích cho việc đánh giá vì chúng có nghĩa là bài học có thể chuyển sang một hướng khác, tuỳ vào mức độ hiểu của học sinh.

Câu hỏi chính làm mục tiêu học tập: bắt đầu bài học bằng một câu hỏi khiến học sinh suy nghĩ về những gì họ sẽ học.

Hoặc, thay vì đặt cho câu hỏi cho học sinh trả lời, giáo viên có thể đưa câu trả lời và yêu cầu học sinh đặt câu hỏi cho câu trả lời đó…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ