Dạy con giao tiếp tốt
Chị Hoàng Anh (phố Trúc Bạch – Hà Nội) than thở với chị bạn thân: Hai đứa nhà mình có vẻ vô tâm vô tính thế nào ấy. Chủ nhật tuần trước ở nhà cậu về, mẹ hỏi “hôm nay mẹ con mình đến nhà ai chơi nhỉ, có thích không, vui không?”. Cả hai đứa đuột ra, trả lời, “rất vui, rất thích” nhưng chả nhớ ra là đến nhà ai cả?
Cậu bảo thế có chán không cơ chứ!
- Thế hai đứa hỏi gì về tình bạn của mình và cậu không? Cậu không dạy con biết tò mò và hay thắc mắc à?
Đến lúc này thì chị Hoàng Anh ngớ ra. Chị chợt nhớ lại những điều tâm đắc mà cô bạn học phổ thông luôn dạy mấy đứa con nhỏ. Mặc dù điều kiện kinh tế gia đình chị Nguyên hơn hẳn nhà chị nhưng mấy đứa trẻ kia lại lanh lợi, năng động hơn hẳn và đặc biệt là tinh thần vượt khó.
Cuộc sống gia đình liên quan đến nhiều mối quan hệ khác nhau, phụ huynh nên giải thích cho con hiểu được mối quan hệ của gia đình mình và tình cảm mà mọi người dành cho bố, mẹ và các con. Trẻ em sẽ học cách cư xử với người lớn tuổi, với hàng xóm và mọi người khác bằng việc quan sát hành động của bố mẹ. Rèn luyện để con lặp đi lặp lại thường xuyên những câu như chào hỏi, quan tâm như: “Ông đi đâu về đấy ạ?” hoặc “Bà có mệt không, để cháu rót nước cho bà uống nhé!”, “Bạn có thích không?” từ đó hình thành thói quen tốt cho trẻ là biết quan tâm chăm sóc mọi người. Giao tiếp tốt luôn là chìa khóa để xây dựng mối quan hệ cũng như thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau.
Hồi đáp câu hỏi của con
Giống như nhiều phụ huynh cảm thấy khó xử, ban đầu anh Hoài Nam (Báo Kinh tế đô thị - Hà Nội) lúng túng khi con thắc mắc: “Con được sinh ra từ đâu?”, “Tại sao phải phòng tránh thai?”... nhưng anh không bao giờ né tránh việc giáo dục giới tính với con mình. “Những đứa trẻ giờ khác hẳn thế hệ mình ngày xưa, nhiều câu con hỏi mình chưa chắc trả lời thấu đáo được.
Nhưng trong thời công nghệ này, những gì không biết đã có cả đội ngũ chuyên gia tư vấn khắp nơi… Thiếu gì cách để khất hoãn câu hỏi của con, miễn là sau đó mình sẽ có câu trả lời khiến con thỏa mãn ngay khi có thể…” – Anh Nam chia sẻ.
TS xã hội học - chuyên gia tâm lý Phạm Thị Thúy, trên trang trực tuyến Kyna.vn, phân tích: Nhiều phụ huynh sai lầm khi không “mặn mà” với những câu hỏi của con, gặp rào cản này, những đứa trẻ sẽ ngại, từ ngại dẫn đến không tâm sự, cởi mở với bố mẹ nữa. Khi con còn nhỏ, cha mẹ cần trả lời, giải đáp câu hỏi của con thật đơn giản, dễ hiểu, bằng hình ảnh sinh động. Còn khi trẻ lớn hơn cha mẹ có thể dùng sách, tư liệu khoa học, cùng con vào mạng tìm hiểu để tìm ra những lời giải thỏa đáng.