Cách đánh giá phù hợp với mục tiêu phát triển toàn diện học sinh

GD&TĐ - Đối với giáo dục vùng cao, khi nhận thức cũng như sự quan tâm đến sự học của bà con dân tộc vẫn còn hạn chế, thì vai trò của thầy cô giáo đặc biệt quan trọng. 

Cách đánh giá phù hợp với mục tiêu phát triển toàn diện học sinh

Họ phải giúp học sinh phát triển toàn diện cả về kiến thức, kỹ năng và phẩm chất. Tiếp thu các mô hình giáo dục tiến bộ, những nội dung mới trong Thông tư 22 của Bộ GD&ĐT về đánh giá HS đã góp phần đổi mới cách dạy – học, từ đó làm thay đổi tâm thế, phát triển tư duy nhận thức, giao tiếp cho học trò vùng khó.

Giáo viên có nhiều thời gian để nâng cao hiệu quả dạy - học

Mặc dù đến ngày 6/11, Thông tư 22 mới chính thức được áp dụng triển khai trong các trường học. Nhưng tại Trường Tiểu học Nậm Cắn 1, Kỳ Sơn, Nghệ An, tập thể cán bộ giáo viên đều rất phấn khởi khi tiếp thu tinh thần và những điều chỉnh của Thông tư này. Cô Nguyễn Thị Phương - Hiệu trưởng nhà trường - chia sẻ: Thời gian qua, tôi đã chuyển nội dung Thông tư 22 cho tất cả các giáo viên trong trường cùng đọc và cho ý kiến. Sau đó, tiến hành họp hội đồng nhà trường thì các thầy cô giáo đều thể hiện sự vui mừng, đồng ý cao đối những điều chỉnh của Thông tư 22 trên tinh thần của Thông tư 30.

Năm học 2016 - 2017, Trường Tiểu học Nậm Cắn 1 có gần 350 học sinh, đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là các em học sinh người Mông. Bản tính các em đều rất rụt rè, hay ngượng và ngại tiếp xúc với người lạ, chốn đông người. Bởi vậy, bên cạnh việc quan trọng là truyền tải kiến thức cho các em, các thầy cô còn phải giúp các em mạnh dạn, tự nhiên, và giao tiếp nhiều hơn.

Triển khai Thông tư 30 trước đó, trên tinh thần khuyến khích học sinh phát triển đồng đều, toàn diện cả về nhận biết, kỹ năng, phẩm chất… rất phù hợp với học sinh miền núi. Những lời nhận xét, góp ý thường xuyên của thầy cô giáo giúp các em tự tin, mạnh dạn hơn khi mọi nỗ lực cố gắng, hoặc bất kỳ một năng lực nổi trội nào của các em cũng đều được ghi nhận. Qua đó, các em có hứng thú, ham học, thích đến lớp, giữ chân học sinh lại trường… Đó là những ưu việt mà việc đánh giá chỉ bằng điểm số không thể nào đem lại được.

Tuy nhiên, dạy học ở vùng cao cũng có những đặc thù riêng biệt so với vùng thuận lợi. “Với một đơn vị bài học, thời gian dành cho học sinh của chúng tôi rất nhiều. Dạy hôm nay chưa xong, thì dạy tiếp vào buổi khác, hoặc hôm khác. Không thể đếm tiết để dạy được. Ngoài ra, bản thân các giáo viên cũng phải học tiếng dân tộc, mà chủ yếu là tiếng Mông để nói chuyện, giải thích, giải đáp các thắc mắc của học sinh…”, cô Phan Thị Thái An chia sẻ. Bởi thế, khi Thông tư 22 ra đời, giảm bớt gánh nặng sổ sách, thay bằng Học bạ và Bảng tổng hợp kết quả học tập, các giáo viên trong trường đều nhẹ nhõm rất nhiều.

“Thông tư mới giao quyền tự chủ cho giáo viên trong đánh giá thường xuyên được sự ủng hộ rất cao của các thầy cô giáo trong trường. Thay vì phải chuẩn bị rất nhiều hồ sơ, lựa chọn từ ngữ phù hợp, dễ hiểu để ghi vào sổ, các thầy cô giáo có thể linh hoạt nhận xét bằng lời, trao đổi ngay tại lớp học, hoặc cần thiết mới phải ghi vào vở học sinh. Thời gian còn lại để tập trung truyền tải nội dung kiến thức bài học”, cô Nguyễn Thị Phương – Hiệu trưởng nhà trường nhận định.

Tăng cường giải thích cho phụ huynh

“Để nói về nhận thức và am hiểu sâu sắc các mô hình dạy học, hay Thông tư mới, bà con đồng bào dân tộc không thể bằng miền xuôi được” – thầy Lầu Bá Tu - Phó Hiệu trưởng nhà trường tâm sự. Nhưng càng vì thế, nhà trường lại càng cần phải tuyên truyền thường xuyên hơn cho phụ huynh học sinh. Ngày 7/10, Trường Tiểu học Nậm Cắn 1 tổ chức họp phụ huynh toàn trường. Tại đây, các thầy cô đã thông báo và giải thích những thay đổi trong cách đánh giá học sinh để bố mẹ các em được biết. Tất cả mọi thông tin về Thông tư 22 được cụ thể hóa và đơn giản hóa nhằm chuyển tải một cách dễ hiểu mà vẫn đầy đủ cho phụ huynh.

Tại buổi họp phụ huynh thầy cô giáo hỏi các bố mẹ có biết hai năm vừa qua các con mình đi học mỗi năm được chấm điểm mấy lần? Mọi người đều nhớ các cháu có 2 bài kiểm tra cuối học kỳ 1 và cuối năm. Sau đó, nhà trường thông báo thêm cho phụ huynh: Từ năm nay, các con học lớp 4 và lớp 5 sẽ có thêm 2 bài kiểm tra giữa kỳ đối với môn Toán và Tiếng Việt.

Để thăm dò ý kiến và nguyện vọng của bố mẹ học sinh, cũng như mong muốn bà con thể hiện nhiều hơn sự quan tâm, theo dõi việc học tập của con em mình, các thầy cô cũng thường xuyên hỏi: Bố mẹ thích thầy cô chấm điểm cho các con hơn, hay nhận xét nhiều hơn?

“Nhiều phụ huynh trả lời đánh giá cách nào cũng được, làm răng cho các cháu thấy vui khi đến trường, biết đọc, biết viết là được. Đặc biệt, bà con rất thích việc giáo viên liên lạc bằng điện thoại hơn dùng sổ sách”, thầy Lầu Bá Tu cho biết.

Tại buổi họp phụ huynh toàn trường, phụ huynh cũng được trực tiếp xem các con hát múa, biểu diễn văn nghệ, hoạt cảnh… Đó là cách để bà con biết được con em học và tiếp thu được những gì ở trường.

Môi trường học tập các em học sinh không phải chịu áp lực về điểm số, đồng thời, tăng cường tính tương tác giữa giáo viên với học sinh, giữa nhà trường với phụ huynh. Những năm qua, chất lượng giáo dục của Trường Tiểu học Nậm Cắn 1 đều nằm trong tốp đầu của giáo dục huyện Kỳ Sơn. Điều đó chứng tỏ sự phù hợp của đổi mới giáo dục mà nhà trường đang áp dụng. Cô Nguyễn Thị Phương cũng cho biết thêm: Theo lịch, từ ngày 20/10, Sở GD&ĐT Nghệ An bắt đầu triển khai tập huấn chuyên đề Thông tư 22. Hiện tại tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường đã sẵn sàng tinh thần để áp dụng những điều chỉnh, thay đổi của Thông tư mới vào năm học 2016 – 2017.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ