Đồng nghiệp của tôi trước khi lên đường đi công tác đã để lại chiếc iPhone 4S cũ ở nhà cho bố. Sau một hồi được nghe con giảng giải về cách gọi Skype, ông bố "phán" một câu xanh rờn: "Thôi mày cứ gọi điện thoại bình thường cho tao. Cái này tao không dùng được".
Tôi đoán là bạn cũng đã từng gặp những tình huống tương tự. Và đáng tiếc là khi người già "ngại" công nghệ thì chúng ta cũng vội buông xuôi.
Đánh bại tâm lý "ngại dùng" của người già
Bạn cần thực sự hiểu và thông cảm cho cha mẹ mình rằng khi đang ở lứa tuổi trung niên thì tâm lý "ngại" học hỏi những thứ mới, đặc biệt những thứ bị ấn tượng là khó dùng như công nghệ cũng không có gì là khó hiểu.
Với tâm lý này thì sai lầm lớn nhất của chúng ta là... tự đi chứng minh cho người già rằng cái "ngại" của họ là đúng đắn. Ví dụ, trong câu chuyện của anh đồng nghiệp tôi ở trên chẳng hạn, anh chàng ngồi hí hoáy tạo nick trước mặt bố mẹ, ghi tên tài khoản và mật khẩu lên giấy rồi nói "Lúc nào cần đăng nhập thì bố mẹ dùng cái nick này". Rồi trong ứng dụng này, bạn tôi đã để sẵn quá nhiều liên lạc nhưng riêng tên mình thì vẫn để nguyên văn là "Kenny L".
Khi bạn "phô" ra toàn bộ những thứ phức tạp (với người già) như vậy, sẽ là không có gì khó hiểu nếu như họ càng ngại dùng smartphone.
Vậy nếu là tôi thì tôi sẽ làm như thế nào? Đầu tiên, tôi sẽ cài đặt đầy đủ tất cả mọi thứ rồi mới đưa cho bố mẹ, chứ không bắt họ phải ngồi nhìn tôi thao tác trên điện thoại. Người già có thể cảm thấy ngại nếu như bạn cứ "bấm nhoay nhoáy" cái gì đó trước mặt họ và rồi yêu cầu họ làm theo.
Và tôi luôn để app ở trạng thái đã đăng nhập, và cho dù tôi biết rằng Skype có thể vì lý do nào đó bị đăng xuất thì tôi cũng chưa vội nói cho bố mẹ tôi biết. Nếu lỡ như Skype bị đăng xuất thật thì tôi mới bày họ cách giải quyết, thay vì bắt họ nhớ ngay từ đầu.
Tiếp đó, trong danh bạ của ứng dụng, tôi sẽ chỉ để duy nhất liên lạc của tôi và sửa thành cái tên giống hệt như tên bố mẹ lưu tôi trong danh bạ.
Sau một thời gian sử dụng, mẹ tôi lại tiếp tục hỏi "Thế cái Sờ Kai này có gọi cho con Linh được không?". Và thế là tôi lại hướng dẫn được cho mẹ tôi add nick và gọi Skype "nấu cháo" với chị họ tôi hàng ngày.
Hoặc, đơn giản nhất là nếu đưa iPhone 4S cho bố mẹ thì tôi sẽ hướng dẫn họ dùng FaceTime, bởi FaceTime được tích hợp vào ứng dụng gọi điện thoại gốc và do đó dễ dùng hơn Skype rất nhiều.
Nói tóm lại, triết lý ở đây là hãy chuẩn bị cho người già một trải nghiệm dễ dàng và có ý nghĩa nhất trong lần sử dụng đầu tiên. Đừng vội nói ra những gì chưa thực sự cần thiết trong lần sử dụng đầu, đừng bắt họ phải ghi nhớ và hiểu những gì có thể là quá dễ dàng với bạn nhưng lại là phức tạp, rối rắm với họ. Trải nghiệm đầu tiên này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với ấn tượng của người già về smartphone – một thứ hoàn toàn mới lạ. Bởi vậy, nó sẽ quyết định cách nghĩ của cha mẹ bạn về smartphone.
Hãy dẫn dắt nhu cầu sử dụng smartphone của cha mẹ
Sau khi đã nắm vững trải nghiệm ở mức đơn giản nhất, nếu vấn đề gì đó, hoặc khi cha mẹ bạn có nhu cầu mở rộng trải nghiệm của họ, họ sẽ hỏi bạn và tích cực lắng nghe cách bạn giải quyết. Nhờ đó mà dần dần cha mẹ bạn sẽ "rành" công nghệ đến mức... thừa đủ. Tôi sẽ cho bạn thêm 2 ví dụ nữa từ trải nghiệm thực tế của tôi nhé:
- Tôi đưa Nexus 7 cho bố tôi đọc báo. Tôi đặt sẵn (duy nhất) Chrome trên màn hình Home đầu tiên. Trong Chrome tôi đặt sẵn đường dẫn tới VnExpress, Công An Nhân Dân và báo Thanh Niên là 3 báo bố tôi hay đọc. Khi bố tôi đã đọc báo nhiều hơn, cụ hỏi tôi "Giờ bố muốn đọc thêm báo Thể Thao Văn Hóa nữa thì làm thế nào để vào được?". Tôi hướng dẫn bố cách nhập chữ vào ô địa chỉ phía trên, và giờ thì bố tôi không chỉ biết chọn báo mà còn biết bookmark và biết sử dụng Google.
- Mẹ tôi thích xem Mẹ Chồng Nàng Dâu trên YouTube. Ban đầu mẹ tôi vẫn phải nhờ tôi chuyển tập. Nhưng không phải lúc nào tôi cũng ở nhà để chuyển tập cho mẹ, đến một hôm mẹ tôi sốt ruột quá phải nhờ tôi hướng dẫn tôi cách nhấn nút chuyển tập. Xem hết một bộ phim, mẹ lại hỏi tôi làm thế nào để tìm được Cô Dâu 8 Tuổi và Trái Tim Mùa Thu trên YouTube. Cứ qua từng bước học hỏi mẹ tôi giờ đã sử dụng thành thục cả HTC One lẫn iPad, dù rằng trước đó mẹ tôi thậm chí còn mù công nghệ hơn cả bố tôi.
Đến đây, tôi cần phải nhắc bạn rằng, khi cha mẹ bạn nhờ bạn hướng dẫn cách sử dụng smartphone dựa trên nhu cầu của họ thì bạn cũng cần phải nhiệt tình và kiên nhẫn hết sức có thể khi hướng dẫn cho họ. Nếu như cha mẹ đang nhờ mà bạn lại nói rằng "Ôi xời cái đấy phức tạp lắm mẹ không làm được đâu, để con làm cho" thì bạn vừa làm nhụt tinh thần của cha mẹ bạn, lại vừa... mua thêm việc cho mình. Bạn hãy cứ thử nghĩ mà xem, mẹ tôi biết gõ tên phim để tự tìm trên YouTube thì tiện cho tôi hơn, hay lần nào chuyển tập tôi cũng phải giúp mẹ thì tiện hơn?
Một vài nguyên tắc khác
Bên cạnh 2 triết lý xuyên suốt là "từ từ hướng dẫn từ dễ tới khó" và "đi từ nhu cầu thực tế", tôi còn áp dụng một số nguyên tắc nữa cho quá trình hướng dẫn cha mẹ mình dùng smartphone:
- Tablet (đặc biệt là iPad) có thể là một điểm khởi đầu tốt trước khi chuyển sang smartphone. Tâm lý người già sẽ thích sử dụng các thiết bị màn hình lớn. Sau đó, khi cha mẹ đã quen dùng tablet, bạn có thể được hỏi những câu dạng như "[Tính năng nào đó] có cài được trên điện thoại không?".
- Mua smartphone có màn hình to. Thực tế thì tôi thấy gần như tất cả những người lớn tuổi đều thích sử dụng màn hình to có font chữ chỉnh lớn hơn một chút. Bạn có thể lo ngại về tính di động nhưng các cô các dì thì thường có túi xách còn các chú các bác có thể đặt smartphone trong bao thắt lưng hoặc túi áo. Đó là còn chưa kể người già thường dùng smartphone tại nhà nhiều nhất.
- Hạn chế mua Windows Phone và BlackBerry cho người già. BlackBerry thì hơi khó sử dụng và cũng thường có màn hình nhỏ hơn thông thường. Quan trọng hơn, cả 2 hệ điều hành này đều thiếu ứng dụng. Tôi đã từng nghe chị họ mình than phiền rằng "Bác xài (Lumia) quen mấy cái cơ bản rồi, thỉnh thoảng thấy mẹ em chơi cái này cái kia lại bảo chị cài cho, không có để mà cài chẳng biết nói như thế nào cho bác hiểu".
- Luôn luôn đặt smartphone của họ sang tiếng Việt. Bạn có thể thích dùng tiếng Anh hơn, nhưng với người già thì các giao diện tiếng Việt luôn dễ sử dụng hơn rất nhiều. Bạn cần nhớ rằng thế hệ cha chú của chúng ta giỏi tiếng Nga hơn là tiếng Anh.
- Tương tự, hãy ưu tiên những ứng dụng có tiếng Việt hơn là những ứng dụng chỉ có tiếng Anh.
- Nhắc nhở cha mẹ dùng smartphone ở tư thế không gây hại sức khỏe. Cúi gập đầu khi dùng smartphone sẽ gây hại cho tất cả mọi người, nhưng với người có tuổi thì các tác hại với cột sống còn lớn hơn nữa.
Có những điều người già chắc chắn không thể/không chịu làm
Tôi rất tự tin về khả năng thuyết phục người già dùng smartphone, nhưng cuối cùng thì người già vẫn là... người già, và có 2 điều họ không thể làm được hoặc không muốn làm một chút nào hết:
- Đăng nhập vào một thứ gì đó. Họ không thể nhớ được mật khẩu mà bạn đã đặt ra, đặc biệt là nếu như mật khẩu này có cả chữ số. Chính vì vậy mà người già luôn cho rằng việc đăng nhập là một thứ gì đó phức tạp, rối rắm.
- Cài đặt ứng dụng. Việc cài đặt ứng dụng có thể đòi hỏi phải nhập mật khẩu và cũng thường bao gồm nhiều bước. App Store trên iOS hiện cũng chưa được Việt hóa đầy đủ, gây khó khăn cho các bậc phụ huynh không rành tiếng Anh.
Thay lời kết
Khi vừa lên dàn ý cho bài viết này, tôi bỗng chợt nảy sinh một câu hỏi: liệu rằng quá trình tìm hiểu và mở rộng hiểu biết công nghệ của mình cũng đi theo cùng một chiều hướng tương tự, từ đơn giản đến phức tạp, mở rộng qua từng nhu cầu thực tế?
Đứng từ quan điểm cá nhân của tôi, câu trả lời là "Đúng là như vậy". Rất có thể là những gì tôi đã trải qua khi tiếp xúc và học hỏi công nghệ cũng là theo cùng một hướng như "hành trình smartphone" của bố mẹ và các bác nhà tôi. Tôi (và bạn) chỉ đơn giản là không bị các trở ngại về tâm lý và sức khỏe nên đã học công nghệ rất nhanh, nhanh tới mức chúng ta chẳng mấy khi trăn trở làm thế nào để biết cách dùng smartphone, biết cách dùng iPad.
Nhưng người già thì không như vậy. Bên cạnh các trở ngại về sức khỏe, họ còn rất dễ mang tâm lý "Già rồi không thể dùng được đồ công nghệ phức tạp", trong khi thực tế là điều này hoàn toàn nằm trong tầm với – và smartphone cũng thuộc hàng dễ sử dụng bậc nhất trong tất cả các thiết bị công nghệ cao.
Bởi vậy, nếu như bạn muốn gia đình mình cùng được tận hưởng các lợi ích từ smartphone, đặc biệt là vào những lúc phải xa cách, hãy thay đổi suy nghĩ của mình về khả năng dùng smartphone của người già (nếu cần). Và, hãy tìm cách tạo ra tình yêu công nghệ ở họ. Bạn sẽ cảm thấy bất ngờ về những lợi ích to lớn mà một chiếc smartphone có thể mang lại cho người lớn tuổi.
Chúc bạn áp dụng thành công và có những giờ phút vui vẻ cùng gia đình!