Theo đại diện cục An toàn thực phẩm, tại một số nước, Clenbuterol được sử dụng như một chất tăng trọng. Người ta bổ sung Clenbuterol vào thức ăn chăn nuôi để nuôi lợn, gà, vịt, ngỗng, bò nhằm kích thích sinh trưởng, tăng tỷ lệ nạc, làm giảm chi phí thức ăn chăn nuôi.
Dư lượng Clenbuterol trong các loại thịt gia súc, gia cầm đã được một số nước phát hiện. Clenbuterol gây độc cho cơ thể. Khi bị nhiễm Clenbuterol sẽ làm cho cơ thể tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, run cơ, co thắt phế quản, phù nề, liệt cơ.
Từ năm 1988, tại các nước châu Âu đã cấm đưa Clenbuterol vào thức ăn chăn nuôi. Năm 1991, nước Mỹ cũng đã cấm đưa chất này vào thức ăn chăn nuôi. Ở Việt Nam, theo Quyết định số 54/QĐ-BNN do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ký ngày 26/06/2002 cấm sản xuất, nhập khẩu, lưu thông và sử dụng Clenbuterol trong sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi.
Trao đổi với Infonet, PGS Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ thực phẩm ĐH Bách Khoa hiện nay liều lượng dùng Clenbuterol trong chăn nuôi không lường được, cho nên con người dùng thịt lợn bị nhiễm sẽ có nguy cơ tích lũy trong cơ thể và bị ngộ độc.
Ngộ độc Clenbuterol ở người cũng nguy hiểm như vậy, sau một thời gian sử dụng sẽ làm cho nhức đầu, run tay chân, buồn nôn, gây nhịp tim nhanh, làm tăng hoặc hạ huyết áp, gây rối loạn tiêu hóa. Trường hợp cấp tính gây tiêu chảy.
Không chỉ dùng Clenbuterol, hiện nay có nơi còn lạm dụng Salbutamol là thuốc cùng nhóm giãn phế quản trị hen suyễn để chăn nuôi lợn. Việc trộn vào thức ăn gia súc, gia cầm những chất khác như kháng sinh, hormone, không vì lí do trị bệnh mà chỉ vì mục đích thúc cho mau lớn, tăng trọng có thể dẫn đến hiện tượng kháng kháng sinh.
Khi chọn thịt, PGS Thịnh cho biết nhìn bằng cảm quan phát hiện chất tạo nạc rất khó, vì thế người dùng nên cẩn trọng và có thể sờ vào thấy thịt dẻo, tay không dính, màu hồng tự nhiên, không có màu đỏ thẫm. Không nên chọn các loại thịt có màu sắc bắt mắt, quá nạc.