Cách bài trí bàn thờ ngày Tết để sung túc cả năm

GD&TĐ - Chăm chút bàn thờ là cách để con cháu bày tỏ lòng yêu kính và tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên, vì thế, mỗi độ năm hết, Tết đến công việc này được mọi người chú ý trước tiên.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Điều cần lưu ý khi bài trí bàn thờ gia tiên

Tùy phong tục vùng miền mà bàn thờ ngày Tết sẽ được bài trí theo những cách khác nhau. Nhưng về cơ bản, bàn thờ sẽ được lau dọn tinh tươm, đồ thờ đã cũ cũng sẽ được thay thế với ngụ ý “Tống cựu, nghinh tân”, hằng mong một năm mới nhiều may mắn.

Dưới góc nhìn phong thủy, chuyên gia Nguyễn Ngọc Đô – CLB phong thủy Thăng Long cho rằng, việc bày biện quá nhiều đồ lễ đắt tiền hay những của ngon vật lạ lên bàn thờ là không cần thiết: “Chúng ta chỉ nên bày biện vừa đủ để bàn thờ hài hòa, đẹp mắt. Bởi lẽ bàn thờ gia tiên là nơi mỗi người thành kính hướng về nguồn cội chứ không phải nơi để phô trường, trưng bày. Và quan niệm bày bàn thờ càng đẹp, càng đầy đủ thì con cháu càng có lộc là một cách hiểu sai lầm”.

Theo chuyên gia phong thủy, chỉ cần bày một mâm ngũ quả thật đẹp với ý nghĩa tượng trưng cho số 5,đại diện cho “ngũ hành” kim-mộc-thủy-hỏa-thổ, đại diện cho “ngũ thường”: Nhân-Nghĩa-Lễ-Trí-Tín”...  cùng cặp bánh chưng, bánh dày là đã đầy đủ ý nghĩa. Những lễ vật này vừa chứa cả yếu tố Âm – Dương, Ngũ hành, vừa mang đậm nét văn hóa của người Việt.

Bên cạnh đó, nếu như gia đình đang đặt bàn thờ gia tiên cùng bàn thờ Phật hay bàn thờ mẫu thì cần tách riêng. Trong đó, bàn thờ gia tiên để thấp hơn và tách biệt. Đồ lễ cúng xong nên bỏ xuống để thụ lộc, tránh bày từ ngày này qua tháng khác.

“Mỗi gia đình cũng nên lưu ý, đó là không được bày lên bàn thờ đồ giả (hoa giả, quả giả,…) hoặc những thứ không liên quan đến thờ cúng.

Bên cạnh đó, ban thờ chính là nơi thuộc về thế giới thiêng liêng nên chỉ được bày những đồ sạch sẽ, tinh khiết như hương, hoa, oản, quả, tuyệt đối tránh đặt mâm lễ mặn. Mỗi gia đình nên chuẩn bị một chiếc bàn nhỏ để đặt mâm cúng bên dưới”, chuyên gia Nguyễn Ngọc Đô nhấn mạnh.

Hiểu đúng về việc bốc lại bát hương và tỉa chân hương

Chuyên gia phong thủy Nguyễn Ngọc Đô.
Chuyên gia phong thủy Nguyễn Ngọc Đô.

Không phải đợi lúc năm hết Tết đến, nhân dịp giỗ chạp hay vào những ngày sóc vọng, mới dọn dẹp và chăm chút bàn thờ.

Tuy nhiên, phải vào những ngày cận Tết, mới thấy hết được không khí rộn ràng, tất bật của việc dọn dẹp và chuẩn bị sắm sửa đồ thờ từ việc đánh sáng lại bộ lư đồng, lau chùi khung ảnh, bỏ bớt chân hương... Tất cả đều thể hiện cho nhu cầu giao hòa, gắn kết mật thiết giữa thế giới hữu tình và thế giới tâm linh thiêng liêng.

Trước khi bắt đầu, người dọn dẹp bàn thờ phải tắm rửa sạch sẽ rồi thắp hương để “xin phép” thần linh và gia tiên. Khi tỉa bớt chân hương, gia chủ sẽ rút từng chút một cho tới khi còn một số lẻ trong bát hương (thường là 3, 5, 7, 9).

Số còn lại sẽ được mang đi hóa thành tro, đổ xuống sông hoặc vùi vào gốc cây. Cần lưu ý, tuyệt đối không được vứt chân hương hoặc các đồ thờ cúng khác vào thùng rác hoặc nơi ô uế.

“Đừng nghĩ rằng việc giữ chân hương tạo thành tầng tầng, lớp lớp sẽ khiến tổ tiên dễ về hơn hoặc gia chủ có lộc hơn. Đó chỉ là sự mê tín do mỗi người tự nghĩ ra. Chúng ta nên thường xuyên tỉa chân nhang để bát hương và bàn thờ không bị dính bụi bẩn, gây mất thẩm mỹ”, chuyên gia Nguyễn Ngọc Đô cho biết.

Cũng vào thời điểm cuối năm, nhiều gia đình có nhu cầu bốc lại bát hương. Tuy nhiên theo chuyên gia phong thủy, việc này chỉ thực hiện trong một số trường hợp như khi về nhà mới; nhà đang muốn gộp hay tách bát hương hoặc nhà chẳng may gặp vận hạn. Khi bốc lại bát hương, cần đổ hết tro cốt cũ, rửa sạch bát hương rồi mới bốc lại.

“Trước đây, phần lớn chúng ta vẫn nghĩ, người bốc bát hương phải là người cao minh, là thầy hoặc pháp sư. Nhưng trên thực tế, ai cũng có thể làm được điều này, sẽ tốt nhất nếu đó là người trụ cột trong gia đình (ông, cha, con trưởng). Người thực hiện bắt buộc phải là người thành tâm, chân tay, quần áo sạch sẽ”, chuyên gia phong thủy cho hay.

Khi vệ sinh bát hương cần dùng rượu gừng, khăn gạc lau sạch từ miệng bát hương trở xuống. Sau khi đã vệ sinh, sang, sửa bát hương xong đặt yên vị trên bàn thờ, gia chủ không được xê dịch bát hương nữa.

Lưu ý, khi cho thêm tro mới cần cách miệng bát hương 1 – 2cm. Khi hoàn thành các công đoạn, cần thắp hương báo mời thần linh và gia tiên trở về.                                                                                                                                   

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ