Lai Châu: Lấy trẻ làm trung tâm – bước đệm cho Chương trình GDPT mới

GD&TĐ - Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, các trường mầm non trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã linh hoạt lựa chọn nội dung cốt lõi để giảng dạy. Mục tiêu nhằm chủ động bắt nhịp với chương trình GDPT mới.

Trẻ mầm non 5 tuổi được tập trung học chữ cái và số để đảm bảo kỹ năng khi vào lớp 1.
Trẻ mầm non 5 tuổi được tập trung học chữ cái và số để đảm bảo kỹ năng khi vào lớp 1.

Lựa chọn nội dung cốt lõi

Trường mầm non xã Ka Lăng, huyện Mường Tè có 208 trẻ, trong đó, có 56 trẻ 5 tuổi. Trước những thay đổi của chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, nhà trường đã chủ động bắt nhịp bằng cách lựa chọn nội dung và phương pháp giáo dục phù hợp với trẻ 5 tuổi.

Cô Bùi Thị Hương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “2 năm gần đây, khi thực hiện chương trình GDPT mới với bậc tiểu học và THCS đã có nhiều thay đổi. Sự đổi thay cả về phương pháp và nội dung dạy học. Chương trình hướng tới việc khuyến khích người học tự tìm tòi và nghiên cứu bài học. Thông qua đó, giúp trẻ lĩnh hội được kiến thức được tốt hơn.

Từ những lý do ấy, chúng tôi nhận định rằng, cấp học mầm non cần có những đổi mới cả về phương pháp và cách thức tổ chức hoạt động. Mục đích nhằm tạo điều kiện cho trẻ mẫu giáo nói chung và trẻ 5 tuổi nói riêng dần tiếp cận phương pháp học có phần giống với Tiểu học”.

Cô trò trường Mầm non xã Ka Lăng, huyện Mường Tè
Một buổi học của cô trò trường Mầm non xã Ka Lăng, huyện Mường Tè.

Theo cô Hương, căn cứ theo hướng dẫn của Sở và Phòng GD&ĐT, nhà trường đã thống nhất chung, chủ động lựa chọn nội dung, xây dựng kế hoạch giáo dục hướng cho trẻ những bài học cốt lõi nhất. Chú trọng các nội dung phù hợp theo bối cảnh địa phương.

Không chỉ vậy, trường yêu cầu giáo viên tích cực tổ chức các hoạt động giáo dục theo hướng trải nghiệm, có sự giúp đỡ phối hợp của phụ huynh. Qua đó, nhằm từng bước nâng cao nhận thức của phụ huynh về giáo dục mầm non.

“Đối với các nhóm lớp trung tâm, đặc biệt là lớp mẫu giáo 5 tuổi, đa số phụ huynh có điều kiện và nhận thức cao hơn. Chúng tôi đã yêu cầu giáo viên có các biện pháp tư vấn, hướng dẫn phụ huynh rèn, dạy con về chữ cái, chữ số và một số bài học dễ tại gia đình. Từ đó, tạo tâm thế sẵn sàng cho trẻ bước vào lớp 1. Việc làm này từng bước tạo sự gắn kết giữa gia đình và nhà trường trong việc nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc giáo dục trẻ”, cô Hương chia sẻ.

Lấy trẻ làm trung tâm

Cô Nguyễn Thị Thanh Tình, Phó Trưởng phòng GD&ĐT TP Lai Châu cho biết: Năm học này, TP Lai Châu có 13 trường mầm non công lập, với 138 lớp và 3.713 trẻ. Trong đó, có 1.027 trẻ mầm non 5 tuổi.

Trẻ mầm non 5 tuổi trên toàn thành phố đang được học các nội dung đảm bảo theo đúng mục tiêu giáo dục quy định tại chương trình Giáo dục mầm non theo Thông tư số 51 của Bộ GD&ĐT về sửa đổi, bổ sung một số nội dung của chương trình giáo dục mầm non.

Khi thực hiện Chương trình GDPT mới, đối với trẻ mầm non 5 tuổi, phòng GD&ĐT TP Lai Châu đã chỉ đạo các trường mầm non tăng cường tổ chức hoạt động học thông qua "vui chơi, trải nghiệm". Hoạt động này ứng dụng phương pháp dạy học tiên tiến (Montessori; STEM đảm bảo tích cực, hiệu quả.

"Đây là một cách học thông qua thực hành, với quan niệm việc học là quá trình tạo ra tri thức mới trên cơ sở trải nghiệm thực tế, dựa trên những đánh giá, phân tích trên những kinh nghiệm, kiến thức sẵn có. Thông qua các hoạt động trải nghiệm, trẻ được cung cấp kiến thức, kỹ năng từ đó hình thành những năng lực, phẩm chất và kinh nghiệm", cô Nguyễn Thị Thanh Tình chia sẻ.

Để giúp trẻ phát triển toàn diện, Phòng GD&ĐT TP Lai Châu đã chỉ đạo các trường thực hiện chuyên đề “xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” nhằm tạo môi trường giáo dục công bằng, an toàn, thân thiện và lành mạnh. Từ đó, kích thích sự chủ động, tích cực và sáng tạo của trẻ. Đây được xem như là bước đệm, giúp trẻ có kỹ năng, kiến thức tốt trước khi bước vào lớp 1.

Trường Mầm non Hoa Ban, TP Lai Châu
Cô trò trường Mầm non Hoa Ban, TP Lai Châu làm đồ dùng, đồ chơi.

Cũng theo cô Tình, từ đầu năm học đến nay, các trường mầm non trên địa bàn đã bám sát chỉ đạo và hướng dẫn của Sở. Từ đó, triển khai nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi.

Các trường đã lựa chọn nội dung giáo dục phù hợp với thực tiễn. Tất cả đều tuân thủ theo 2 phương án sẵn có, đó là: Dạy học khi trẻ được đến trường và khi không thể đến trường. Trường hợp không thể triển khai dạy trực tiếp, giáo viên các trường sẽ đồng hành cùng phụ huynh trong việc giáo dục trẻ tại nhà. 

“Đối với trẻ ở các trường trên địa bàn phường, chúng tôi yêu cầu giáo viên gửi video hướng dẫn, phiếu bài tập (Toán, chữ cái) thông qua trang Zalo của từng nhóm lớp. Còn với học sinh ở khu vực các xã: Sùng Phài, San Thàng, không có Zalo, giáo viên sẽ trực tiếp đến từng hộ để hướng dẫn phụ huynh về nội dung giáo dục cho trẻ”, cô Tình cho biết thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.