Các trường sư phạm chủ động đón đầu để bắt nhịp đổi mới giáo dục phổ thông

GD&TĐ - Chương trình giáo dục phổ thông mới đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho việc tổ chức đào tạo, nghiên cứu khoa học ở các trường sư phạm: rà soát chương trình đào tạo, bám thật sát vào chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, tăng tính thực hành, thực tế, giảm tính hàn lâm; đầu tư sâu thêm vào những ngành mới, những môn học mới xuất hiện ở bậc học phổ thông để đưa vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên…

Sinh viên trong giờ thực hành.
Sinh viên trong giờ thực hành.

Đổi mới quản lý và tổ chức hoạt động

PGS.TS Lê Quang Sơn – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng nhận xét: “Thực tế tổ chức hoạt động của các trường sư phạm hiện nay có một nhược điểm lớn là tách biệt khoa học cơ bản và khoa học giáo dục. Trên thực tế đã hình thành hai nhóm giảng viên tách rời: nhóm dạy các môn khoa học giáo dục và nhóm dạy nội dung khoa học cơ bản. Các nhóm giảng viên này hiện đang được cấu tạo thành các bộ môn riêng lẻ ở các khoa, các tổ chuyên môn.

Do vậy, để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học chuyên ngành thì cấu trúc tổ chức này là tốt, nhưng để giải quyết vấn đề mới như nghiên cứu khoa học liên ngành hay xây dựng, triển khai chương trình dạy tích hợp thì đang gặp rất nhiều khó khăn. Điều này thúc đẩy một tầm tư duy mới về thiết kế tổ chức trường/khoa sư phạm để đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển giáo dục”.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng này, theo PGS.TS Lê Quang Sơn là do “các trường sư phạm vẫn làm theo cách cũ là giữ lại SV giỏi – vốn được đào tạo ra làm giáo viên phổ thông, để tự đào tạo và bồi dưỡng, học tiếp thạc sĩ, tiến sĩ và trở thành giảng viên. Một số giảng viên sư phạm được đào tạo “một mạch” từ cử nhân đến tiến sĩ, thiếu trải nghiệm thực tế nghề nghiệp. Mặc dù đội ngũ giảng viên này có học vị, có kiến thức lý thuyết nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của nghề nghiệp là chuyên gia giáo dục đại học và chưa có sức thuyết phục cao đối với giáo viên phổ thông”.

PGS.TS Nguyễn Đức Vũ - trường ĐH Sư phạm Huế, ĐH Huế đã kiến nghị: “Đối với những SV sư phạm được giữ lại trường làm giảng viên phải thực hiện theo quy trình: học ngoại ngữ và tham gia nghiên cứu giáo dục phổ thông từ 1-2 năm, sau đó mới học thạc sĩ, tiến sĩ. Hoặc SV sau khi ở lại trường học xong thạc sĩ, được luân chuyển về làm giáo viên phổ thông 1 – 2 năm, sau đó mới trở lại trường làm tiến sĩ”.

Chính vì vậy, các trường đại học sư phạm (ĐHSP), nhất là các trường ĐHSP trọng điểm, bắt đầu có những thay đổi có tính hệ thống để thích ứng, trước hết là ở công tác quản lý và tổ chức hoạt động. Để chương trình đào tạo giáo viên sát với thực tế, phù hợp với yêu cầu giáo viên giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông mới vào thời gian tới, trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, ĐH Đà Nẵng đẩy mạnh việc trao đổi kinh nghiệm với giáo viên, cán bộ quản lí giáo dục thuộc các Sở GD&ĐT trong khu vực.

PGS.TS Lưu Trang – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Việc trao đổi không chỉ thông qua việc tổ chức các khóa bồi dưỡng giáo viên theo chương trình thường xuyên và bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục phổ thông, mà còn qua các đợt thực tập sư phạm của sinh viên nhằm nắm bắt những vướng mắc, hay nhu cầu của địa phương để điều chỉnh, bổ sung chương trình đào tạo cho phù hợp với việc đào tạo giáo viên giảng dạy học sinh theo hướng phát triển năng lực”.

Hiện trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng đã rà soát, bổ sung, hoàn thiện 12 chương trình đào tạo giáo viên (khối ngành sư phạm), chương trình đào tạo Thạc sĩ chuyên ngành quản lý giáo dục theo hướng liên thông, thống nhất với các trường sư phạm trọng điểm. Công tác nghiên cứu khoa học giáo dục của nhà trường cũng được tăng cường theo hướng đổi mới dạy và học, kiểm tra đánh giá, phát huy tính năng động, tích cực, trải nghiệm sáng tạo cho học sinh.

“Chúng tôi đã xây dựng được kế hoạch, chuẩn đầu ra, chương trình chi tiết về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý căn cứ cách tiếp cận định hướng phát triển năng lực của giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục theo các chuẩn nghề nghiệp mới và yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông”- PGS.TS Lưu Trang chia sẻ.

GS.TS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, ngay sau khi có Nghị quyết 29 về Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, các trường ĐHSP trọng điểm đã chủ động ngồi lại với nhau, “Chúng tôi đã chuẩn bị xây dựng chương trình đổi mới chương trình đào tạo đồng thời xây dựng các chuyên đề để bồi dưỡng giáo viên phổ thông hiện có. Năm 2014, trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã khởi xướng và đã áp dụng việc này, Hiện tại, trong 7 trường sư phạm đã thống nhất sử dụng 70% chương trình do trường chúng tôi xây dựng”.

Sẵn sàng cho bồi dưỡng, đào tạo và đào tạo lại

Thiết kế các chương trình bồi dưỡng giảng viên về dạy học tích hợp đang được xem là ưu tiên hàng đầu trong các trường sư phạm hiện nay. Các trường đại học sư phạm còn chủ động triển khai chương trình đào tạo về năng lực dạy học tích hợp cho SV sư phạm, thiết kế quy trình dạy học theo hướng tích hợp, thực hiện dạy học tích hợp một số chủ đề ở các môn học khác nhau. Như trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng, trong xây dựng khung chương trình đào tạo cũng như đề cương chi tiết môn học của các ngành Sư phạm Vật lý, Sư phạm Hóa học, Sư phạm Sinh học đã chú ý đến dạy học tích hợp bằng cách đưa môn khoa học liên quan trong nhóm Khoa học tự nhiên vào khối kiến thức cơ sở.

Ngoài việc trang bị cho SV những kiến thức cơ bản về lĩnh vực khoa học tự nhiên, SV còn được cung cấp những kiến thức về dạy học tích hợp và dạy học phân hóa. Riêng chuyên đề Khoa học tự nhiên được thiết kế chung cho cả 3 ngành và giảng viên phải tiến hành dạy học tích hợp để SV có trải nghiệm để có thể phân tích, rút ra bài học có thể áp dụng sau này khi dạy ở trường phổ thông. Trường ĐHSP Hà Nội cũng đang triển khai tiến trình đào tạo dạy học tích hợp, liên môn cho SV các khoa Vật lý, Hóa học và Sinh học.

TS Phùng Thái Dương, trường ĐHSP Đồng Tháp cho biết, để SV có thể bắt nhịp ngay sự đổi mới ở phổ thông và có thể giảng dạy ngay, không cần tập huấn thêm thì cần phải có sự điều chỉnh, bổ sung cả trong quá trình học tập tại trường sư phạm cũng như thời gian thực tập. “Trước đây, hầu hết SV khi đi thực tập đặt tầm quan trọng giáo án lên hàng đầu; nhưng để đáp ứng được yêu cầu đổi mới của giáo dục phổ thông lần này, thì khi đến trường phổ thông, SV cần chú trọng tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài lớp, hoạt động trải nghiệm sáng tạo, tổ chức dự án nghiên cứu, học tập thực tế…” – TS Dương phân tích.

Thời điểm năm 2014, theo GS.TS Nguyễn Văn Minh, các trường ĐHSP trọng điểm đã cùng nhau dự tính môn học mới theo xu thế thế giới, những chuyên đề như tích hợp, hoạt động trải nghiệm, kinh tế và pháp luật, thiết kế và công nghệ cũng đã có sự chuẩn bị phần nào rồi.

Một số môn liên quan về nghệ thuật cũng đã được trường ĐHSP Hà Nội đặt ra nên SV ra trường từ năm 2018 ở các khoa, ngành này sẽ bảo đảm chất lượng. “Các chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cho những môn học này cũng đã được chúng tôi xây dựng thành các chuyên đề và gửi cho nhiều Sở để lấy ý kiến phản hổi. Các trường sư phạm đã và đang vào cuộc quyết liệt nên việc chuẩn bị đội ngũ GV, theo tôi là không quá lo lắng” – GS Minh chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.