Các trường ĐH tiếp tục tin tưởng sử dụng kết quả thi THPT quốc gia

GD&TĐ - Lãnh đạo nhiều trường ĐH cho biết vẫn sử dụng kết quả Kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển đầu vào. Với tỷ lệ nhỏ thí sinh có thể vào được ĐH không phải từ thực lực, các trường khẳng định có “bộ lọc” trong quá trình đào tạo.

Công tác tư vấn và hỗ trợ thí sinh trong mùa tuyển sinh được các trường ĐH triển khai đồng bộ
Công tác tư vấn và hỗ trợ thí sinh trong mùa tuyển sinh được các trường ĐH triển khai đồng bộ

Tỷ lệ vào - ra ở ĐH không còn là hình trụ

Chia sẻ tại buổi trao đổi giữa các chuyên gia tại trụ sở Chính phủ ngày 30/7, ông Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - khẳng định: Chừng nào kết quả Kỳ thi THPT quốc gia còn đạt độ tin cậy ở mức độ nhất định (khó có thể đòi hỏi tuyệt đối) thì nhà trường vẫn sử dụng để làm cơ sở xét tuyển. Có thể chấp nhận một tỷ lệ nào đó không đúng nhưng vẫn còn qua sàng lọc trong quá trình đào tạo và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội làm tương đối tốt việc này. Học sinh không đủ năng lực, trong 1 - 2 năm là phải ra khỏi trường.

Kết quả Kỳ thi THPT quốc gia là căn cứ quan trọng để các trường xét tuyển sinh

Kết quả Kỳ thi THPT quốc gia là căn cứ quan trọng để các trường xét tuyển sinh

Chừng nào so sánh kết quả đầu vào với kết quả học tập ở ĐH thấy tương quan chênh lệch nhiều, trường sẽ tổ chức thêm một kỳ thi; nhưng ít ra, kết quả của thí sinh trong Kỳ thi THPT quốc gia cũng là cơ sở để nhà trường sơ tuyển. Đó là điều tốt.

Trước đó, trả lời trên báo chí, ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, thông tin: Mỗi năm, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội buộc thôi học khá nhiều sinh viên do năng lực yếu kém, không đáp ứng được yêu cầu học tập. Các trường đều có phương án để loại sinh viên khỏi giảng đường nếu không bảo đảm chất lượng.

“Trải nghiệm 2 môi trường: Trường công lập tự chủ tài chính và trường công lập, tôi đề nghị nhất thiết phải tổ chức thi tốt nghiệp THPT. Quá trình thực dạy thấy rằng, nếu không thi, học sinh sẽ không học và rất khó để kiểm soát chất lượng.

Vấn đề quan trọng là thi như thế nào. Việc thi làm sao tác động trở lại quá trình dạy ở các nhà trường. Cần phải có kỳ thi thật nghiêm túc, đề thi phải phản ánh đúng ngưỡng đạt chuẩn để tốt nghiệp. Ngưỡng này nên tương đương các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Học sinh phải đỗ kỳ thi mới được cấp bằng tốt nghiệp, nếu chưa đỗ thì được cấp chứng chỉ, nhưng muốn vào ĐH phải có bằng tốt nghiệp”.

Bà Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội)

Còn theo Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Trần Thọ Đạt, nhà trường có xây dựng đề án tuyển sinh riêng nhưng đến nay chưa làm được vì chi phí quá đắt đỏ, phức tạp. “Chúng tôi vẫn sử dụng kết quả Kỳ thi THPT quốc gia và yên tâm với mô hình này đến năm 2020. Còn từ năm 2021 chúng tôi sẽ có phương án riêng” - ông Trần Thọ Đạt cho hay.

Tương tự, ông Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông Vận tải thể hiện tin tưởng vào lộ trình Kỳ thi THPT quốc gia tiếp tục được duy trì đến năm 2020 như Bộ GD&ĐT đã công bố; đồng thời khẳng định trường vẫn sẽ sử dụng kết quả kỳ thi này cho tuyển sinh vào năm sau. Chia sẻ về sự sàng lọc trong quá trình đào tạo, ông Chương cho biết có khoảng 5% số sinh viên của Trường ĐH Giao thông Vận tải bị buộc thôi học mỗi năm.

Liên quan đến sự sàng lọc trong quá trình đào tạo ĐH, ông Phan Huy Phú - Hiệu trưởng Trường ĐH Thăng Long - cho biết, nói tỷ lệ sinh viên vào - ra ở trường ĐH theo hình trụ là không phải. “Như trường tôi, tổng kết 30 năm nay thì số sinh viên được ra trường so với số lượng đầu vào chưa đến 60%; ngoài có một số em xin chuyển trường, thi lại, nhưng chỉ chiếm chưa đến 5%, còn lại là do bị đào thải” – ông Phú chia sẻ.

Ủng hộ tiếp tục Kỳ thi THPT quốc gia

Cũng tại buổi trao đổi giữa các chuyên gia ngày 30/7, ông Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban Đào tạo (ĐH Quốc gia Hà Nội) - nhấn mạnh 3 ưu điểm lớn của Kỳ thi THPT quốc gia, đó là: Tạo thuận lợi cho thí sinh, gia đình, xã hội; giao kỳ thi về cho địa phương - quá trình chuyển đổi để Bộ GD&ĐT dần trở lại làm đúng vai trò là quản lý Nhà nước; kỳ thi có tính chuẩn hóa tốt, cách thi tiệm cận với kinh nghiệm các nước tiên tiến. Dù vẫn còn nhiều ý kiến, nhưng kết quả kỳ thi này vẫn được các trường ĐH, CĐ tin cậy để sử dụng.

Ông Nguyễn Đình Đức khẳng định: Một quá trình đào tạo không có thi thì không thể đánh giá được sản phẩm. Do đó, vẫn cần phải tổ chức một kỳ thi có điều kỳ thi này cần phải ưu tiên cho mục đích tốt nghiệp THPT.

Các trường đại học lớn vẫn lấy điểm thi THPT quốc gia để đưa ra ngưỡng điểm xét tuyển

Các trường đại học lớn vẫn lấy điểm thi THPT quốc gia để đưa ra ngưỡng điểm xét tuyển

Còn Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội Hoàng Minh Sơn nêu quan điểm: Đã học thì phải có thi; thi là hình thức đo lường đánh giá và đánh giá thì có đánh giá quá trình và đánh giá kết thúc. Thi THPT không chỉ để xét tốt nghiệp mà quan trọng là để Bộ GD&ĐT, các Sở GD&ĐT, các nhà trường đánh giá lại quá trình dạy học và tạo ra chuẩn mực để so sánh, đối chiếu giữa các trường, các học sinh với nhau. Do đó, kỳ thi này rất quan trọng. Đã quan trọng thì phải tổ chức hết sức nghiêm túc.

Đề xuất trong thời gian tới nên giữ ổn định Kỳ thi THPT quốc gia và có cải tiến về kĩ thuật những bất cập, ông Hoàng Minh Sơn cho rằng, việc tổ chức thi vẫn nên thực hiện theo hình thức và cách thức giao địa phương như hiện nay; tuy nhiên chấm thi nên giao về cho các cụm, tập trung chấm theo cụm.

Là người rất nhiều năm tham gia vào các kỳ thi, ông Trần Thọ Đạt - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân - cho biết, qua nhiều năm, chúng ta đã có nhiều cải tiến và cuộc thi ngày càng tốt hơn lên. Kỳ thi THPT quốc gia 2018, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cử 750 cán bộ, giảng viên về Hà Tĩnh phối hợp tổ chức thi, các thầy cô phản ánh việc coi thi là nghiêm túc.

“Tôi cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, Kỳ thi THPT quốc gia không thể không có sự tham gia của các trường ĐH được. Việc tham gia của các trường ĐH làm khâu coi thi nghiêm túc hơn nhiều” - ông Trần Thọ Đạt nêu ý kiến.

Khẳng định đề thi là yếu tố quan trọng nhất, ông Trần Thọ Đạt cho rằng, đề ra cần ổn định, có chuẩn mực nào đó cho việc ra đề, không quá dễ, không quá khó. Bộ phận thẩm định đề, hay bộ phận thẩm tra đề không nên chọn người quá giỏi, phải mang tính đại diện, làm sao đánh giá được mức độ tương đối ổn định của đề thi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ