Khan hiếm nhân lực ngành công nghiệp không khói
Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) nằm ở vị trí cửa ngõ ra biển Đông của các tỉnh trong khu vực miền Đông Nam Bộ, là trung tâm kinh tế, tài chính, văn hóa, du lịch, giao thông - vận tải và giáo dục của vùng Đông Nam Bộ và kết nối thuận lợi với thành phố Hồ Chí Minh, các địa phương khác bằng đường bộ, đường không, đường thủy và đường sắt.
Được mệnh danh là “trái tim” của khu vực Đông Nam Bộ về kích cầu phát triển kinh tế và Du lịch, BR-VT không chỉ nổi tiếng với các bãi tắm đẹp có bờ cát vàng trải dài, nước trong xanh quanh năm…, mà còn có nhiều điểm du lịch đẹp như: những rừng cây xanh, cây cảnh và hoa, những bãi tắm chạy dọc theo các khu rừng nguyên sinh thiên nhiên.
Với những đặc điểm nổi bật do thiên nhiên ưu đãi ban tặng kết hợp với sự thân thiện, hiếu khách của người dân, BR-VT được đánh giá là một trong những điểm du lịch trọng tâm của đất nước thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, du lịch lên tới 7 triệu lượt khách (chỉ tính trong 9 tháng đầu năm 2017).
Học sinh THPT tham gia chương trình University Tour của BVU đến tham quan và giao lưu tại Bình An Resort |
Tiềm năng to lớn, nhưng thực tế với sự thiếu hụt nhu cầu nhân lực Du lịch một cách trầm trọng, các hướng dẫn viên chuyên nghiệp chưa thật đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, nhu cầu nhân lực ngành công nghiệp không khói của BR-VT vẫn đang khán hiếm hơn lúc nào hết.
Nhận thấy tiềm năng du lịch to lớn của tỉnh BR-VT, nhiều nhà đầu tư trong nước đã nhanh chóng đầu tư các khu du lịch đẳng cấp và hàng loạt chuỗi các nhà hàng, khách sạn, resort, khu du lịch sinh thái… nhằm phục vụ nhu cầu tham quan, du lịch của du khách. Có cầu – có cung trong lĩnh vực du lịch dẫn đến nhu cầu nguồn nhân lực trong lĩnh vực này từ nhà hàng, khách sạn đến các dịch vụ ăn uống, hướng dẫn du lịch… trở nên vô cùng “nóng”.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, từ năm 2011 đến nay, tốc độ tăng trưởng khách du lịch của tỉnh là 12,6%/năm, doanh thu ngành du lịch tăng ổn định khoảng 15,3%/năm.
Toàn tỉnh hiện có trên 150 dự án du lịch còn hiệu lực, trong đó có 18 dự án đầu tư nước ngoài và 138 dự án trong nước. Khi những dự án nói trên đi vào hoạt động từ nay đến năm 2020, trong vòng 5 năm tới, ngành du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ cần khoảng 14.000 lao động đã qua đào tạo để phục vụ.
Gắn đào tạo với nhu cầu địa phương, giải quyết việc khan hiếm nhân lực Du lịch
Đó không chỉ là mục tiêu mà còn là trách nhiệm của các trường ĐH-CĐ đóng trên địa bàn tỉnh. Tại buổi làm việc với Trường ĐH Bà Rịa- Vũng Tàu, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ từng lưu ý Ban giám hiệu nhà trường cần gắn đào tạo trực tiếp với nhu cầu nhân lực địa phương.
Đẩy mạnh và phát triển những ngành mũi nhọn của nhà trường như: Du lịch, Logistics, Hóa dầu, Công nghệ chế biến thủy sản….Qua đó, định hướng sứ mệnh đào tạo của nhà trường cho con đường phát triển và hội nhập.
Mũi Nghinh Phong, một thắng cảnh nổi tiếng không thể bỏ qua tại Bà Rịa- Vùng Tàu |
Trước thực trạng nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực du lịch nói riêng và các lĩnh vực mũi nhọn của tỉnh BR-VT nói chung, tháng 3/2017, Trường Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu (BVU) đã có buổi làm việc chính thức với Bí thư Tỉnh uỷ BR-VT để báo cáo, đề xuất các giải pháp nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh.
Trong đó, liên quan đến du lịch, BVU đề xuất triển khai chương trình “Dạy tiếng Anh trên sóng truyền hình BRT” nhằm phổ cập tiếng Anh cho người dân BR-VT với mục đích, mỗi người dân BR-VT đều có thể giao tiếp bằng tiếng Anh với khách nước ngoài khi họ đến du lịch.
Bên cạnh đó, BVU cũng nhanh chóng, tập trung xây dựng đề án mở ngành đào tạo Quản trị dịch vụ du lịch và Lữ hành. Với sự nỗ lực đó, ngày 19/10/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức ban hành quyết định số 4427/QĐ-BGDĐT cho phép BVU chính thức đào tạo mã ngành Quản trị dịch vụ du lịch và Lữ hành ngay trong năm nay 2017.
Tiến sĩ Lê Sĩ Trí – Viện trưởng Viện Du lịch - Quản lý - Kinh doanh của BVU (nơi trực tiếp quản lý Ngành Quản trị dịch vụ du lịch và Lữ hành) cho biết: “Trong quá trình xây dựng đề án mở ngành, BVU đã chuẩn bị mọi điều kiện từ cơ sở vật chất đến chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên cũng như điều kiện hỗ trợ thực tập cho sinh viên của ngành đảm bảo có thể tuyển sinh và đào tạo ngay trong năm nay.
Thực chất, BVU cũng đã đào tạo chuyên ngành Quản trị Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn nằm trong ngành Quản trị kinh doanh từ năm 2006 nên khi nâng cấp thành Ngành riêng đối với Nhà trường cũng không có quá nhiều khó khăn.
Đối với ngành mới này, BVU dự kiến sẽ hình thành thành 3 chuyên ngành trực thuộc, gồm: Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; Quản trị khách sạn; Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống để sinh viên có nhiều sự lựa chọn từng nghiệp vụ mà mình sẽ gắn bó khi ra trường”.
Thế mạnh không phải trường nào cũng có được của BVU
Nói về thế mạnh của BVU trong đào tạo ngành Quản trị dịch vụ du lịch và Lữ hành, TS Lê Sĩ Trí cho biết: BVU có rất nhiều thuận lợi khi đào tạo ngành Quản trị dịch vụ du lịch và Lữ hành. Thứ nhất, BVU đã đào tạo chuyên ngành Quản trị Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn được 10 khoá nên kinh nghiệm và những chuẩn bị cho ngành này đã sẵn sàng; Thứ hai, tiềm năng du lịch của tỉnh BR-VT rất lớn nên điều kiện để cho sinh viên thực tập, thực tế là rất đa dạng và phong phú.
Bên cạnh đó, trong các đơn vị thành viên của Tập đoàn Nguyễn Hoàng (chủ đầu tư của BVU) còn có Long Beach ở Phú Quốc và Bình An ở Vũng Tàu là hai Resort lớn, nổi tiếng nên điều kiện về cơ sở vật chất để sinh viên ngành du lịch của trường được trải nghiệm thực tế theo từng nghiệp vụ chuyên môn là hoàn toàn đảm bảo.
Sinh viên BVU giao lưu, trải nghiệm thực tế tại Resort Bình An – Vũng Tàu |
Đặc biệt, Du lịch đã được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh nhà nên BVU luôn nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ thiết thực từ phía Lãnh đạo tỉnh;
Và sau cùng, nhưng không kém phần quan trọng, là mối quan hệ khăng khít, gắn bó giữa BVU và các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch sẽ mang đến cơ hội việc làm tốt nhất cho sinh viên sau khi tốt nghiệp tại trường.
Với những điều kiện cần và đủ đang có BVU không chỉ tự tin đào tạo được nguồn nhân lực ngành công nghiệp không khói đạt chuẩn, mà còn sớm chung tay với tỉnh nhà khắc phục bài toán khan hiếm nhân lực cho địa phương.