Các trường có 'nhờn luật'?

GD&TĐ - Thanh tra Bộ GD&ĐT đã có Kết luận về việc thực hiện quy định trong tự chủ mở ngành đào tạo các trình độ giáo dục đại học...

Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội học thực hành. Ảnh: Website nhà trường
Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội học thực hành. Ảnh: Website nhà trường

Sau công bố kết luận của Thanh tra Bộ GD&ĐT về việc thực hiện quy định trong tự chủ mở ngành đào tạo các trình độ giáo dục đại học và điều kiện bảo đảm ngành đào tạo, cơ sở giáo dục đại học đang gấp rút triển khai công việc nhằm khắc phục, cải tiến theo khuyến nghị của thông báo kết luận.

Nhiều hạn chế, thiếu sót

Thanh tra Bộ GD&ĐT đã có Kết luận về việc thực hiện quy định trong tự chủ mở ngành đào tạo các trình độ giáo dục đại học và các điều kiện bảo đảm ngành đào tạo của một số cơ sở giáo dục đại học như: Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, Trường ĐH Hoa Sen, Trường ĐH Thủ Dầu Một, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh)...

Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội là một trong số đơn vị nhận được kết luận thanh tra nêu trên. TS Kiều Xuân Thực - Hiệu trưởng cho hay, ngay sau khi nhận được kết luận, nhà trường ngay lập tức triển khai kế hoạch khắc phục, cải tiến những hạn chế, thiếu sót.

Cụ thể, thanh tra Bộ GD&ĐT yêu cầu nhà trường rà soát và lưu trữ khoa học hồ sơ minh chứng của giảng viên ngành phù hợp, các giảng viên có chuyên môn phù hợp được xác định chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo, chủ trì các thành phần chương trình đào tạo.

Cùng đó, rà soát, xác định giảng viên ngành phù hợp chủ trì ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ đối với ngành chưa xác định rõ giảng viên ngành phù hợp; bổ sung số lượng đội ngũ giảng viên cơ hữu có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ ngành phù hợp tham gia giảng dạy ở tất cả ngành đào tạo.

Ngoài Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, các cơ sở giáo dục đại học nêu trên đã và đang triển khai công việc theo khuyến nghị của kết luận thanh tra nhằm khắc phục các hạn chế, thiếu sót còn tồn tại. Các trường sẽ có báo cáo với Bộ GD&ĐT về kết quả khắc phục.

Theo đề nghị của thanh tra của Bộ GD&ĐT, các cơ sở giáo dục đại học học cần chấn chỉnh công tác quản lý; trong đó rà soát toàn bộ hệ thống văn bản nội bộ thuộc thẩm quyền của hội đồng trường và của trường, nhằm kịp thời cập nhật, chỉnh sửa, bổ sung, ban hành văn bản theo thẩm quyền về quản lý hoạt động tuyển sinh, đào tạo.

Đồng thời, các cơ sở cần rà soát và bổ sung đội ngũ giảng viên cơ hữu bảo đảm điều kiện đào tạo ngành theo quy định về chuẩn chương trình đào tạo và chuẩn cơ sở đào tạo. Rà soát, xây dựng chỉnh sửa và ban hành chương trình đào tạo các ngành, trình độ đào tạo bảo đảm theo quy định về Chuẩn chương trình đào tạo được quy định tại Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT.

Thanh tra Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các cơ sở giáo dục đại học tổ chức rút kinh nghiệm, xem xét trách nhiệm theo thẩm quyền hoặc đề xuất người có thẩm quyền rút kinh nghiệm. Ngoài ra, xem xét trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân trong việc để xảy ra hạn chế, thiếu sót nêu tại kết luận thanh tra. Cùng với đó, xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện kết luận thanh tra; trong đó ghi rõ lộ trình, giải pháp khắc phục những hạn chế, thiếu sót. Báo cáo kết quả khắc phục và việc thực hiện các kiến nghị nêu tại kết luận thanh tra về Bộ GD&ĐT sau 30 ngày kể từ ngày ban hành kết luận thanh tra.

Hoạt động tư vấn tuyển sinh của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: TG

Hoạt động tư vấn tuyển sinh của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: TG

Không vội “ăn xổi”

Xung quanh những hạn chế, thiếu sót của một số trường, TS Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, dường như còn tình trạng “nhờn luật”. Năm 2022 có 78 trường bị xử phạt hành chính liên quan đến công tác tuyển sinh, mở ngành đào tạo. Năm 2023, Bộ GD&ĐT cũng “tuýt còi”, dừng quyền tự xác định chỉ tiêu trong 5 năm với một số cơ sở do vi phạm về tuyển sinh.

“Phải chăng chế tài chưa đủ sức răn đe nên các cơ sở giáo dục đại học “phớt lờ””, TS Lê Viết Khuyến nêu vấn đề. Hiện, chúng ta có Nghị định số 04/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục (Nghị định 04) và Nghị định số 127/2021/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 04. Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, nếu so sánh các mức phạt tiền trong 2 nghị định trên với lợi nhuận thu được từ mở ngành, tuyển sinh thì một số trường sẽ lựa chọn nộp phạt. Điều này cho thấy, mức xử phạt chưa đủ “mạnh” nên các trường vẫn “vượt rào”.

Nhắc lại kết luận thanh tra của Bộ GD&ĐT, GS.TS Nguyễn Đình Hương - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa XI viện dẫn, một số trường đại học mở ngành đào tạo nhưng không tuyển sinh được hoặc tuyển sinh số lượng thấp. Kịch bản này không bất ngờ và đã được nhiều người tiên lượng. Một số trường mở ngành ồ ạt, chạy theo xu thế để tuyển sinh nhưng chưa chú ý đến năng lực đào tạo, không đánh giá, khảo sát nhu cầu xã hội.

Thông thường, sau khi khảo sát bài bản, khoa học về nhu cầu của xã hội, cộng với năng lực đội ngũ, điều kiện cơ sở vật chất bảo đảm, các trường mới tiến hành mở ngành. Tuy nhiên, dường như một số trường muốn “ăn xổi” nên đi ngược nguyên lý này. Mục đích là mở được ngành, sau đó vừa đào tạo, vừa hoàn thiện các điều kiện cần và đủ - nghĩa là “nợ” tiêu chuẩn.

Với cách làm này, việc tuyển sinh không đủ chỉ tiêu, thậm chí không tuyển được hoặc “đóng ngành” là điều dễ hiểu và nếu có tuyển sinh đủ chỉ tiêu cũng khó có thể bảo đảm chất lượng đào tạo. Sự phát triển này không bền vững, ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của nhà trường.

Từ thực trạng trên, GS.TS Nguyễn Đình Hương nhấn mạnh, mở ngành học mới phải cân nhắc kỹ lưỡng, không nên chạy theo “trend”, tránh rơi vào tình cảnh “mất cả chì lẫn chài”. Cũng cần nhấn mạnh, các trường đại học được quyền tự chủ trong tuyển sinh, mở ngành đào tạo nhưng không phải muốn làm gì thì làm.

Kể từ ngày Nghị định số 127/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục có hiệu lực (1/1/2022), khoảng 100 trường đại học bị xử phạt ở nhiều mức độ khác nhau; trong đó có phạt tiền và dừng quyền tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.